PHÂN TÍCH CÁC KHÍA CẠNH VỀ CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ GIỮA VPF - LĐBĐ VN - AVG - BÀI 1

Làm rõ cái mà LĐBĐ VN bán

Những lý do theo bầu Kiên, đại diện cho VPF, không chấp nhận hợp đồng nhượng quyền bản quyền truyền hình giữa LĐBĐ VN và AVG, gồm:

1. Giá chuyển nhượng quá thấp.

2. Thời gian chuyển nhượng quá dài (20 năm).

3. LĐBĐ VN đã không hỏi ý kiến và nhận sự ủy quyền của các câu lạc bộ chuyên nghiệp (CLB) khi ký hợp đồng này nên hợp đồng vô hiệu.

4. LĐBĐ VN ký với AVG, LĐBĐ VN chịu trách nhiệm với AVG. VPF không ký với AVG, VPF không chịu trách nhiệm với AVG.

5. VPF là người tổ chức giải đấu Super League, cấp bản quyền truyền hình cho ai là quyền của VPF, không liên quan đến AVG.

6. VPF sẵn sàng ra tòa với LĐBĐ VN và AVG.

Trong bài viết này, chúng tôi không bàn đến lý do 1 và 2 của bầu Kiên mà chỉ đề cập đến những phần đang tranh luận trong thời gian qua liên quan đến bốn lý do còn lại của bầu Kiên.

Các CLB biểu quyết 100% thông qua điều lệ LĐBĐ VN và những nghị quyết. Ảnh: QUANG THẮNG

Đầu tiên là hợp đồng giữa LĐBĐ VN và AVG có vô hiệu không?

Theo bầu Kiên, bản quyền truyền hình giải bóng đá chuyên nghiệp thuộc quyền sở hữu chung của LĐBĐ VN và các CLB. Tuy nhiên, bầu Kiên không nhắc đến điều lệ của LĐBĐ VN, được các thành viên trong đó có các CLB thông qua, được xây dựng theo hướng dẫn của FIFA, được Bộ Nội vụ Việt Nam phê duyệt ngày 19-3-2010. Điều lệ này có giá trị như một thỏa thuận giữa LĐBĐ VN và các thành viên, được FIFA và pháp luật Việt Nam bảo hộ. Về bản quyền truyền hình:

Điều 74. Các quyền lợi

1. LĐBĐ VN và các thành viên là những chủ sở hữu đầu tiên của tất cả các quyền lợi xuất phát từ các giải đấu và các sự kiện khác diễn ra trong phạm vi quyền hạn của các tổ chức này mà không có sự giới hạn nào về nội dung, thời gian, địa điểm và luật lệ. Những quyền lợi này bao gồm tất cả các quyền lợi về tài chính, ghi hình và ghi âm, bản quyền truyền hình và tường thuật…

2. Ban chấp hành quyết định phương thức và mức độ sử dụng những quyền trên đồng thời đưa ra các quy định đặc biệt cho mục đích này. Ban chấp hành có quyền quyết định sử dụng độc quyền các quyền trên hoặc liên kết với một bên thứ ba hoặc hoàn toàn thông qua bên thứ ba.

Như vậy các quy định trên của điều lệ LĐBĐ VN đã khẳng định: Các thành viên (trong đó có các CLB) thông qua điều lệ giao quyền cho ban chấp hành (BCH) quyền quyết định về bản quyền truyền hình của các giải đấu (bao gồm cả giải bóng đá chuyên nghiệp). BCH LĐBĐ VN đã quyết định hợp tác với AVG về bản quyền truyền hình. Mặt khác, Nghị quyết Đại hội thường niên của LĐBĐ VN năm 2010 đã chấp thuận hợp tác về bản quyền với AVG. CLB của bầu Kiên (trước đây là Hà Nội ACB) là thành viên của LĐBĐ VN, đương nhiên có quyền tham dự Đại hội thường niên của LĐBĐ VN cũng đã tham gia thông qua nghị quyết này.

Bầu Kiên đã thông tin cho báo chí biết ông đã biết rõ một số nội dung quan trọng của hợp đồng giữa LĐBĐ VN và AVG trước khi được ký, ông đã gọi điện thoại phản đối đến ông Lê Hùng Dũng và ông Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch AVG). Tuy nhiên, không có thông tin CLB của bầu Kiên có văn bản khiếu nại gửi đến LĐBĐ VN theo đúng quy định của LĐBĐ VN. Như vậy lập luận của bầu Kiên là các CLB không ủy quyền cho LĐBĐ VN là không chính xác vì với việc thông qua điều lệ của LĐBĐ VN, các CLB đã ủy quyền cho BCH LĐBĐ VN quyết định về vấn đề bản quyền truyền hình.

LS TRẦN VŨ HẢI

Đón đọc số tới: Mối quan hệ giữa VPF và AVG...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới