Dự án cầu Sông Trường và cầu Nước Oa nằm trên Quốc lộ 40B (qua xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) có tổng mức đầu tư gần 73 tỉ đồng do Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án 2 (trực thuộc Bộ GTVT) quản lý thực hiện.
Hiện nay, dự án đã hoàn thành phần thô hai cây cầu, đang tiếp tục đắp đất các đường dẫn. Tuy nhiên, đất đắp các đường dẫn này đang bị nghi ngờ không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng…
|
Khu đất nhà bà Xuyến được hạ cốt, mang đất ra khỏi hiện trường. Ảnh: TN |
Cải tạo mặt bằng hay múc đất "lụi"?.
Ghi nhận của PV, đường dẫn hai cầu Sông Trường và Nước Oa đã được đắp cao hơn mặt đường cũ khoảng 1-4m. Nguồn đất đã đắp tại dự án ước chừng hàng chục ngàn m3, ước lượng khối lượng hoàn thành khoảng 70%.
Cách đầu phía Tây cầu Nước Oa khoảng 300m, một khu đất rộng chừng 2.000m3 được khoét sâu, hạ cốt nền thấp hơn hiện trạng cũ cả chục mét. Hiện trường cho thấy, hàng ngàn m3 đất đá đã được lấy đi khỏi khu đất.
Bà Bùi Thị Xuyến (ngụ thôn 3, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My) cho biết thửa đất này của gia đình bà. Biết gia đình có nhu cầu san ủi lấy mặt bằng, có người đến thoả thuận, làm hợp đồng để lấy đất.
“Thấy họ làm cầu cần đất, còn mình cần mặt bằng để cho họ lấy đất, mình có mặt bằng. Theo hợp đồng thì hai tháng họ sẽ múc xong, trả mặt bằng cho mình!”, bà Xuyến cho hay.
|
Đường dẫn hai cầu đắp đất cao khoảng 1-4m. Ảnh: TN |
Còn ông Lại Thế Trung (con rể bà Xuyến, 43 tuổi, ngụ thôn 3, xã Trà Tân) cho hay thửa đất này ngày trước trồng keo, thanh trà… nhưng không hiệu quả.
“Khoảng 10 ngày nay, xe cộ tới múc đất chở đi. Gia đình không bán mua gì, còn thủ tục thì bên công trình tự xin, chỉ ký kết với mình san mặt bằng. Mấy hôm thấy họ múc nhiều chứ không đếm được bao nhiêu xe. Họ múc chỗ này với một nhà người khác ở gần UBND xã Trà Tân”, ông Trung nói.
Theo ông Trung, công trình cần khối lượng đất san lấp rất lớn nếu chở từ nơi khác tới rất xa “chịu không nổi tiền”.
|
Khu đất nhà bà Xuyến được xúc mang đi. Ảnh: TN |
Sẽ mời công an vào cuộc
Theo chủ đầu tư, nhu cầu đất đắp của dự án khoảng 50.000m3. Tuy nhiên, các mỏ dự tính cung cấp đất cho dự án theo hồ sơ thiết kế không còn sử dụng được và không được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác.
Do đó, chủ đầu tư kiến nghị hai phương án giải quyết nguồn đất đắp cho công trình. Cụ thể, gồm: tận thu vật liệu đào ra từ công trình kèo chống sạt lở đồi Bảo An (thị trấn Bắc Trà My) và tìm kiếm, tận dụng nguồn đất từ các hộ dân địa phương ở các xã xung quanh dự án có nhu cầu cải tạo đất hoặc mở rộng diện tích đất sử dụng.
Tuy nhiên, các phương án này đều bị bác bỏ do vi phạm quy định pháp luật, Luật Khoáng sản. Vì vậy, UBND huyện Bắc Trà My đề nghị chủ đầu tư tìm kiếm nguồn vật liệu ở các mỏ được UBND tỉnh cấp phép.
Ông Nguyễn Đình Thông, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Trà My, cho biết đơn vị đã xác minh bước đầu từ các hộ dân, nghi ngờ đơn vị thi công chở đất không rõ nguồn gốc, trái phép đổ vào đường dẫn cầu Sông Trường và cầu Nước Oa. Đơn vị đang đề xuất thành lập đoàn gồm các cơ quan của huyện làm việc với Ban QLDA 2 và đơn vị thi công để xác minh cụ thể.
Theo ông Thông, trên địa bàn huyện không có mỏ đất được quy hoạch phục vụ dự án này. Sau khi có văn bản không đồng ý các ý kiến đề xuất, huyện hướng dẫn chủ đầu tư khảo sát, lập thủ tục đấu giá cấp phép nhưng họ nói rằng “sẽ mua đất chỗ khác”.
|
Một thửa đất khác cũng được hạ cốt nền, nghi ngờ mang đất đổ vào công trình. Ảnh: TN |
PV đặt câu hỏi: dự án cần nguồn đất lớn, phải tính tới phương án tận dụng nguồn đất cải tạo mặt bằng từng hộ dân vậy mà đến nay đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng thì lấy đất từ đâu?.
Ông Thông nói: “Cái này mình phải kiểm tra. Hi vọng cơ quan thuế có chuyên môn về hoá đơn, chứng từ sẽ chứng minh được việc đó cho huyện. Kể cả mời công an huyện cùng tham gia, bí quá sẽ chuyển cơ quan công an điều tra”.
Ông Hoàng Ngọc Lân, Phó Giám đốc điều hành Ban quản lý dự án Cầu Sông Trường và cầu Nước Oa, cho biết đến hiện tại thì dự án chỉ được lấy đất đắp từ duy nhất mỏ Cù Lao (huyện Phú Ninh). Nguồn đất từ nơi khác đưa đến đắp công trình mà chưa được kiểm tra đều không được phép.
“Nhà thầu làm việc với chủ mỏ, Ban chỉ thanh toán khối lượng đất đã đắp ở công trình. Việc đưa vật liệu theo đúng nguồn vật liệu đã được Ban chấp thuận về công trình nhà thầu chịu trách nhiệm”, ông Lân nói.
|
Nhiều tảng đá to xen lẫn đất đắp đường dẫn. Ảnh: TN |
Về thông tin người dân phản ánh đơn vị thi công đưa nguồn đất tận dụng từ việc cải tạo mặt bằng của dân, ông Lân cho biết, chưa nắm thông tin này và sẽ tìm hiểu lại.
“Việc mang vật liệu từ chỗ khác về sẽ không được phép, để đảm bảo chất lượng công trình thì có tư vấn giám sát kiểm tra”, ông Lân nói tiếp.
Công trình cầu Sông Trường và cầu Nước Oa thuộc dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên quốc lộ, sử dụng vốn vay EDCF của Chính phủ Hàn Quốc. Dự án do liên danh Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 – CTCP và Công ty TNHH MTV 17 thi công