Phá nát gần 20 ha đất, khai thác lậu hơn 300 ngàn m3 đất sét nhưng chỉ bị phạt 4 triệu đồng

(PLO)- Hơn 300 ngàn m3 đất sét đã bị lấy đi trái phép, biến khu đất gần 20 ha thành một “công trường” khai thác khoáng sản lậu. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Công trường khai thác đất sét lậu

Hơn ba năm qua, rất nhiều phụ huynh có con học tại các trường thuộc xã Tân Lập liên tục phản ảnh về việc tại khu vực Tà Mon (xã Tân Lập, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) có hàng chục ha đất đã bị một đại gia đưa cơ giới vào phá nát, đào bới nham nhở để lấy đất sét trái phép.

Một góc nhỏ "công trường" khai thác lậu. Ảnh PHÚ NHUẬN.

Một góc nhỏ "công trường" khai thác lậu. Ảnh PHÚ NHUẬN.

Do đất sét rơi vãi trên đường gặp trời mưa đường trơn trợt khiến rất nhiều học sinh đi xe đạp bị té ngã. Nguy hiểm hơn, các hố đào bới tại khu vực này mỗi hố rộng hàng ngàn m2, sâu từ 3-4 m, lại sát đường vô cùng rủi ro nếu chẳng may các học sinh lỡ chân rơi xuống.

Ngày 27-5, chúng tôi có mặt tại khu vực này. Hiện trường chỉ cách QL1A khoảng 3 cây số đường chim bay và chỉ cách công trình cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây khoảng non một cây số.

Các hố đào nham nhở rất sâu đầy nước vô cùng nguy hiểm. Ảnh PHÚ NHUẬN.

Các hố đào nham nhở rất sâu đầy nước vô cùng nguy hiểm. Ảnh PHÚ NHUẬN.

Bà T., ngụ gần đó cho biết, người dân đã phản ảnh liên tục từ nhiều năm nay nhưng xã, huyện lập đoàn kiểm tra đến chụp ảnh, quay phim xong rồi đâu cũng vào đấy, thậm chí gần đây ngày nào cũng có ba xe máy đào, hàng chục xe ben hoạt động rầm rộ, công khai hơn.

Khó có thể tưởng tượng, hàng chục ha trước đây trồng lúa, keo lá tràm đã bị thu gom và biến thành một “công trường’ khai thác khoáng sản, tài nguyên quốc gia trái phép, hoạt động công khai.

Hàng chục hố đào sâu hoắm sát đường và do những ngày gần đây mưa lớn nên đầy nước đục ngầu. Chiều sâu những hố đào ở đây phải đến từ 3-4 m, hiện trường nham nhở khắp nơi. Căn cứ vào dấu bánh xe thì “công trường’ này mới chỉ dừng lại thời gian gần đây.

Dấu vết khai thác còn rất mới và do mưa to, bị động "công trường" lậu này mới tạm dừng lại. Ảnh PHÚ NHUẬN.

Dấu vết khai thác còn rất mới và do mưa to, bị động "công trường" lậu này mới tạm dừng lại. Ảnh PHÚ NHUẬN.

Đất sét khai thác lậu được bán cho hàng chục lò gạch ngói ở xã Sông Phan và thị trấn Tân Nghĩa, Hàm Tân, nhiều lò gạch gom mua chất cao như núi. Được biết, một xe ben khoảng 10 m3 đất sét bán với giá 1,7 triệu dồng.

Chính quyền nói gì?

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bình Thuận diện tích đất trước khi bị tác động khai thác sét ở khu vực trên là đất đang sử dụng ổn định có hiện trạng trồng lúa, trồng keo lá tràm và các loại cây ngắn ngày khác của người dân đã sang nhượng lại cho ông vợ chồng Đỗ Tài (thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân).

Còn theo báo cáo của UBND xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tại địa bàn xã hiện có 13 cơ sở lò sản xuất gạch ngói hoffman và tuynel; trong đó có 3 cơ sở có mỏ sét gạch ngói đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác; 10 cơ sở còn lại đang hoạt động sử dụng nguồn sét do ông Đỗ Tài khai thác từ xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam vận chuyển về.

Trong thời gian qua giá gạch lên cao gấp đôi nên từ đầu năm 2022 đến nay các cơ sở mua nguồn nguyên liệu sét khá lớn tập kết tại lò để sản xuất.

Nhiều lò gạch ngói mua thu gom đất sét chất cao như núi. Ảnh PHÚ NHUẬN.

Nhiều lò gạch ngói mua thu gom đất sét chất cao như núi. Ảnh PHÚ NHUẬN.

Báo cáo của UBND xã Tân Lập thừa nhận hoạt động khai thác khoáng sản trái phép của ông Đỗ Tài tại địa bàn xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam đã diễn ra nhiều năm nay.

Cụ thể năm 2018, UBND xã Tân Lập đã xử phạt đối với ông Đỗ Tài hành vi khai thác khoáng sản sét trái phép với số tiền 4.000.000 đồng. Năm 2019, địa phương kiểm tra tiếp tục phát hiện một xe múc đang khai thác khoáng sản đổ lên xe ben, khi phát hiện lực lượng kiểm tra tài xế 2 xe ben đã bỏ chạy khỏi hiện trường.

Kết quả xác minh của UBND xã Tân Lập kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và lập biên bản kiểm tra, trong đó ghi nhận 1 xe máy múc và 2 xe tải ben nhưng khi phát hiện có lực lượng chức năng các tài xế đã bỏ lại xe chạy ra khỏi hiện trường và vụ việc cũng không được xử lý.

Sau đó, UBND xã Tân Lập đã tiến hành mời các chủ sử dụng đất trên để làm việc nhưng các cá nhân không đến làm việc.

Trong thời gian gần đây Lãnh đạo UBND huyện Hàm Thuận Nam và UBND xã Tân Lập có tiếp nhận thông tin của người dân phản ánh ông Đỗ Tài khai thác khoáng sản sét trái phép tại khu vực 17,8 ha nói trên.

Khi tiếp nhận thông tin lãnh đạo chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm tra và ghi nhận có ba xe múc và khoảng 20 xe tải ben thường xuyên tập kết tại khu vực giáp ranh giữa địa bàn huyện Hàm Thuận Nam và huyện Hàm Tân. Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra vào ban ngày không có hoạt động khai thác nên chưa xử lý, trong khi hoạt động khai thác chủ yếu vào ban đêm.

Tuy nhiên, với hiện trường khai thác quá lớn như trên cho thấy hoạt động khai thác trái phép tại khu vực này ngày một mở rộng, quy mô khai thác trái phép rất lớn và nhiều lần vi phạm, chính quyền địa phương nhiều lần mời làm việc nhưng những người khai thác không tới làm việc.

Hiện trường nham nhở khắp nơi. Ảnh PHÚ NHUẬN.

Hiện trường nham nhở khắp nơi. Ảnh PHÚ NHUẬN.

Gần 20 ha khai thác lậu với hơn 300 ngàn m3 khoáng sản bị lấy đi nhưng chỉ bị xử phạt 4 triệu đồng. Ảnh PHÚ NHUẬN.

Gần 20 ha khai thác lậu với hơn 300 ngàn m3 khoáng sản bị lấy đi nhưng chỉ bị xử phạt 4 triệu đồng. Ảnh PHÚ NHUẬN.

“Từ năm 2021 đến nay vụ việc sau kiểm tra đã bỏ ngỏ, chính quyền địa phương không có chỉ đạo chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm, chưa thể hiện trách nhiệm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản ở địa phương theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, người tổ chức khai thác trái phép ồ ạt và tỏ ra xem thường pháp luật khi UBND xã Tân Lập mời làm việc nhiều lần nhưng không đến.

Với khối lượng sét lấy đi ước khoảng trên 300 nghìn m3 thì giá trị lên đến trên 30 tỉ đồng (theo giá tính thuế do UBND tỉnh ban hành), căn cứ quy định đã vi phạm về khai thác tài nguyên. Do đó vụ việc khai thác nêu trên đã có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật Hình sự” - ông Trần Hữu Thành, Gíam đốc Sở TN&MT Bình Thuận cho biết.

Điểm khai thác nằm sát nhà dân, sát đường đi vô cùng rủi ro. Ảnh PHÚ NHUẬN.

Điểm khai thác nằm sát nhà dân, sát đường đi vô cùng rủi ro. Ảnh PHÚ NHUẬN.

Được biết, Sở TN&MT Bình Thuận đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Hàm Thuận Nam khẩn trương đo đạc địa hình toàn bộ diện tích đất bị tác động khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực 17,8 ha nêu trên và một số khu vực lân cận đã có dấu hiệu khai thác trước đây.

Sau đó, làm rõ chủ sử dụng đất khu vực khai thác, rà soát các hồ sơ kiểm tra do Tổ công tác của Công an huyện và UBND xã Tân Lập kiểm tra nhưng chưa xử lý vi phạm. Trên cơ sở đó, huyện này cần có văn bản báo cáo và đề xuất hướng xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

Sở TN&MT cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Hàm Thuận Nam và UBND huyện Hàm Tân phối hợp với Đội quản lý thị trường đóng tại địa phương rà soát, kiểm tra làm rõ nguồn sét đang tập kết, đã tiêu thụ tại các cơ sở lò gạch đóng trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam và xã Sông Phan, huyện Hàm Tân (khoảng 20 cơ sở lò sản xuất gạch).

Từ kết quả triển khai làm rõ các nội dung liên quan của UBND huyện Hàm Thuận Nam, UBND huyện Hàm Tân, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo xử lý theo đúng thẩm quyền và trình tự thủ tục quy định của pháp luật. Quá trình thực hiện lưu ý rà soát lại hồ sơ kiểm tra và hiện trường do Công an huyện Hàm Thuận Nam, UBND xã Tân Lập xử lý trước đây, củng cố hồ sơ để điều tra, xử lý nghiêm những người vi phạm về hành vi khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực này theo quy định.

PLO sẽ theo dõi và tiếp tục thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm