Làm sao để giữ bà con lại nông thôn?

Cùng thời gian trên, tại Trường ĐH Fulbright ở khu Phú Mỹ Hưng cũng diễn ra một cuộc hội thảo với chủ đề “Đánh giá quá trình đô thị hóa ở Việt Nam và nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2030” quy tụ những chuyên gia hàng đầu tiến hành đánh giá lại toàn bộ tiến trình đô thị hóa của Việt Nam.

Trong cuộc hội thảo này, luận điểm quan trọng nhất được nêu ra là muốn có được hệ thống phát triển đô thị bền vững và các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ trở thành các thành phố đóng vai trò là động lực mạnh mẽ của vùng thì phải đặc biệt chú trọng phát triển nông thôn, dồn sức làm thay đổi chất lượng của “tam nông: nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Làm sao cho cuộc sống nông thôn hấp dẫn hơn, tốt hơn, văn minh hơn.

Khi nông thôn khấm khá hơn, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có điều kiện rảnh tay dồn sức tập trung cho phát triển kinh tế, tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc. Rõ ràng khi các thành phố giàu lên thì sẽ có điều kiện hỗ trợ nhiều hơn, thiết thực hơn cho nông thôn. Thành phố không chỉ là nơi tiêu thụ sản phẩm của nông nghiệp, mà còn là nơi cung cấp tài chính, nhân lực, thông tin giúp nông thôn phát triển hiệu quả.

Dân số TP.HCM sẽ là bao nhiêu? Cứ đà này thì đến năm 2025, dân số thực sẽ là 15 triệu và 2035 sẽ là 18 triệu (có thể nhiều hơn nữa). Điều gì xảy ra nếu đại đa số người dân kéo về các thành phố lớn làm cho các thành phố phình ra? Khi ấy nông thôn sẽ rỗng ruột, chỉ còn người già, trẻ em, người khuyết tật.

Chúng ta phải biết rằng bản thân mỗi thành phố đều có ngưỡng phát triển tới hạn về đất đai, nhà ở, nước sạch, dịch vụ công, không gian công cộng cũng như khả năng quản trị. Không thành phố nào có sức chứa vô tận, nếu vượt quá mức sẽ rơi rào khủng hoảng thừa và thiếu.

Có một thực tế là lâu nay các thành phố lớn thay vì dành nguồn lực cho phát triển thì lại phải dành một nguồn lực lớn cho người nhập cư tự do để xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng cơ sở kỹ thuật và dịch vụ xã hội. Mỗi năm TP.HCM xây mới gần 3.000 phòng học mà vẫn không đáp ứng được mức gia tăng học sinh mỗi năm.

Vẫn biết người nhập cư là một nguồn lực rất lớn và cực kỳ quan trọng cho các thành phố nhưng không phải là tất cả. Chiến lược dài hơi cho các tỉnh, thành vẫn là phát triển nông thôn, tiếp nhận dân nhập cư theo kế hoạch và phân bổ lại dân cư hiện có trên địa bàn một cách hợp lý.

Các nước như Singapore, Nhật Bản khá khắt khe trong việc tiếp nhận người nhập cư, họ chú trọng tiếp nhận những nhân công có tay nghề và trình độ cao ở các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và dịch vụ. Các thành phố lớn trong khu vực sử dụng cùng lúc các biện pháp để hạn chế gia tăng dân số quá mức và các biện pháp kinh tế-kỹ thuật để điều tiết và phân bổ lại dân số. Họ chuyển các nhà máy, các khu công nghiệp, dịch vụ thâm dụng nhân công và sử dụng lao động phổ thông về các tỉnh để giảm bớt dòng người di cư về thành phố. Đồng thời họ cũng ban hành các luật nhập cư và tăng các loại thuế, phí để giãn bớt dân cư ra bên ngoài các khu trung tâm.

Một công cụ rất quan trọng khác nữa là quy hoạch không gian phát triển ở các vành đai 3, 4, 5 các thành phố vệ tinh, các khu dân cư cho người có thu nhập thấp, đặc biệt là loại hình lao động nông nghiệp chất lượng cao để đón dòng người di cư lên thành phố và dòng người di cư ra do đời sống trong khu vực trung tâm không còn thích hợp nữa.

Vẫn biết TP.HCM được coi là thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình nhưng bàn chuyện xây nhà để đón người nhập cư gia tăng theo mỗi năm thì là chuyện hơi hiếm, trên thế giới người ta không bàn như thế.

Việc tạo ra một loại quỹ nhà như thế chả khác nào là một lời mời chào hấp dẫn cho người nhập cư. Làm sao để TP.HCM giàu lòng nhân ái giúp đỡ bà con các tỉnh, thành khác là một câu chuyện khác, còn nhiều cách khác.

TS NGUYỄN MINH HÒA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm