Làm sao để thu hút kiều hối đầu tư vào hạ tầng TP.HCM?

(PLO)- Thu hút nguồn lực kiều hối để phát triển hạ tầng cho thành phố không phải là bài toán quá khó, điều quan trọng là phải làm sao để Kiều bào thấy an tâm về khoản vốn mà họ đầu tư. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng ngày 23-4, Báo SGGP tổ chức buổi tọa đàm “Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng”. Tại đây nhiều chuyên gia ủng hộ quan điểm TP.HCM cần sớm tính toán đến việc phát hành trái phiếu cho Kiều bào nhằm thu hút nguồn lực vàng để phát triển hạ tầng cho thành phố.

Tiềm năng từ nguồn lực vàng còn rất lớn

Phát biểu tại toạ đàm, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP.HCM cho biết: Thống kê trong 5 năm gần đây, lượng kiều hối tăng trưởng rất ấn tượng. Riêng năm 2023, lượng kiều hối đổ về thành phố lên đến 9,46 tỉ USD và 3 tháng đầu năm nay, kiều hối đã đạt 2,86 tỉ USD.

Bình quân mỗi năm kiều hối đổ về thành phố đạt 6,9 tỉ USD. Kiều hối là nguồn ngoại tệ từ thu nhập, tích lũy của người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài gửi về cho, tặng thân nhân và gia đình ở trong nước.

"Hiện nay, nguồn lực này chủ yếu được sử dụng cho các mục đích như tiêu dùng, một phần trong nguồn lực này đổ vào lĩnh vực đầu tư, sản xuất kinh doanh. Nếu như chúng ta có chính sách định hướng dòng kiều hối này cho việc đầu tư vào hạ tầng thì lợi ích mang lại hiệu quả to lớn hơn, đột phá hơn nữa", ông Lệnh nhận xét.

Liên quan đến đề xuất nhằm thu hút nguồn kiều hối cho đầu tư phát triển hạ tầng cho TP.HCM, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng thành phố cần xem xét phát hành trái phiếu cho Kiều bào để tài trợ cho các dự án tại TP.HCM.

TS Hiếu ước tính, thu nhập bình quân của một người Việt ở nước ngoài đạt khoảng 20.000 USD/năm, với hơn 5 triệu kiều bào trên thế giới thì mức thu nhập của kiều bào khoảng 100 tỉ USD, nhưng hiện nay kiều hối đổ về mới đạt 16 tỉ USD, trong đó TP.HCM thu hút tới gần 9,5 tỉ USD. Điều đó cho thấy tiềm năng thu hút kiều hối về Việt Nam còn rất lớn.

"Nếu chính sách phát hành trái phiếu cho Kiều bào trở thành hiện thực, thì trong đợt phát hành đầu tiên chỉ nên đưa ra thị trường với số lượng nhỏ thôi, khoảng 100 triệu USD có kỳ hạn 1 năm.

Về lãi suất, chúng ta phải tính toán xem lãi suất trái phiếu này ở mức hợp lý, tức là cùng kỳ hạn nào đó những lãi suất trái phiếu phát hành cho các Kiều bào cao hơn khoảng 2%/năm so với lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ ", TS Hiếu nói.

Kiều hối đổ về TPHCM năm 2023 cao kỷ lục
Nắn dòng kiều hối vào phát triển hạ tầng sẽ phát huy hiệu quả hơn là cho tiêu dùng. Ảnh:T.L

Đồng quan điểm, TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng: Những thân nhân được nhận kiều hối luôn biết sử dụng nguồn lực này một cách hiệu quả. Do đó, muốn nắn dòng kiều hối cần phải làm thế nào để họ thấy được lợi nhuận tốt, an toàn hơn thì chắc chắn họ sẽ sẵn sàng đầu tư.

Tương tự, ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam khẳng định, tiềm năng của kiều bào rất rõ, lượng kiều hối gửi về liên tục gia tăng, ngoài việc gửi về cho người thân như khoản tiết kiệm, thì nguồn lực đầu tư của người Việt ở nước ngoài vẫn còn lớn nếu chúng ta có cách thức huy động.

Khả năng thành công của việc phát hành trái phiếu cho kiều bào lên đến 70%

Đánh giá về khả năng của việc phát hành trái phiếu cho Kiều bào, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Trong đợt đầu phát hành, xác suất thành công có thể đạt được 70%, còn 30% là thất bại. Nhưng muốn đạt được thành công 70%, thì thành phố cũng phải đảm bảo và chứng minh được tình hình tài chính là mình có đủ khả năng để trả gốc và lãi đúng hạn.

Đồng thời cũng phải làm rõ về thành phố dùng nguồn lực nào để trả nợ cho khối lượng trái phiếu đã được phát hành cho các Kiều bào. Trong đó, phải minh bạch về việc dòng kiều hối từ trái phiếu này sẽ tài trợ cho dự án cụ thể nào chứ không thể nói chung chung là cho các dự án hạ tầng.

Đặc biệt, để phát hành trái phiếu thành công thì dự án được huy động vốn từ kiều hối phải được xếp hạng tín nhiệm.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, mặc dù nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội của TP là rất lớn, nhưng TP cần chọn ra 5 dự án trọng điểm để thí điểm, khả năng đảm bảo thành công cao để nhân rộng ra.

Để huy động nguồn lực từ dòng kiều hối, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 cho rằng có hai kênh huy động đó là trái phiếu công trình và trái phiếu dự án. Ngoài ra, với các dự án lớn thì Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) có thể là đầu mối lập quỹ đầu tư cho từng dự án với nhiều nguồn huy động, trong đó có nguồn kiều hối.

Điều đầu tiên mà nhà đầu tư cần đó là phải đảm bảo là an toàn vốn tuyệt đối, tiếp đến mới là tỉ lệ sinh lời. Bên cạnh đó, việc tạo tính thanh khoản để giúp trái phiếu cho các kiều bào được giao dịch, chuyển nhượng một cách thuận lợi cũng cần phải được quan tâm.

TS Trần Du Lịch nhấn mạnh: “Không thể huy động kiều hối một cách đơn lẻ mà phải qua các định chế, với vai trò khởi xướng của nhà nước, đảm bảo an toàn để thu hút kiều hối”.

Ông Lịch cũng đề nghị Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM xem xét đề xuất thí điểm một số định chế như trên, trong đó vai trò của HFIC phải là người mở đường, tiên phong. “Cố gắng để từ năm 2025 trở đi có được 1-2 dự án như vậy thu hút được nguồn lực từ kiều hối để tạo nền tảng cho bước đường dài hơn cho thành phố”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm