Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan thông tin như trên tại hội thảo "Nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước", do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 27-12.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, đánh giá thị trường hợp tác lao động quốc tế không ngừng mở rộng, hướng đến các thị trường có thu nhập cao. Thị phần lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan không ngừng gia tăng.
Tính đến ngày 20-12, các công ty phái cử đã đưa 155.000 lao động đi các nước làm việc. Đây cũng là mức cao kỉ lục từ trước đến nay. Các năm trước, số lượng lao động đi làm việc các thị trường duy trì 120.000 - 140.000 người.
Lực lượng lao động này mỗi năm gửi hàng tỉ USD kiều hối, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống gia đình, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đáng lưu ý, người lao động như những đại sứ du lịch giúp quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Ông Hoan thông tin hiện cả nước có gần 500 DN được cấp giấy phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài. Các doanh nghiệp được đầu tư bài bản, về nhân sự song hành với các hoạt động đào tạo ngoại ngữ, kĩ năng nghề và tìm kiếm thị trường.
Tuy nhiên ông Hoan cũng boăn khoăn bên cạnh các DN thực hiện tốt dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở các nước, vẫn còn tồn tại hạn chế, đó là một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, triển khai các hoạt động tuyên truyền, phối hợp với các DN phái cử. Đồng thời một số DN chưa thực sự quan tâm đào tạo nghề, học ngoại ngữ.
Đặc biệt, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN trong lĩnh vực này. Ngoài ra, người lao động chưa chủ động học nghề, học tiếng, chưa tìm hiểu kĩ thông tin thị trường, ý thức tổ chức hạn chế, vi phạm hợp đồng lao động, vi phạm pháp luật trong nước và nước sở tại, tại các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản chậm được khắc phục.
Một số cơ chế, chính sách ban hành chậm, thiếu đồng bộ; chi phí đi làm việc ở nước ngoài cao. Công tác quản lý, bảo hộ công dân đối với lao động Việt Nam tại các nước, vùng lãnh thổ còn nhiều bất cập; năng lực của một số tổ chức, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
Từ đó, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng cần triển khai các biện pháp đồng bộ, tăng cường đưa lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở các thị trường. Cùng đó, thực hiện các biện pháp giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc; tình trạng hết hạn hợp đồng nhưng không về nước đúng hạn.
Bên cạnh đó, cần sự đồng hành của chính quyền địa phương trong công tác phối hợp tuyển chọn, quản lý, bảo vệ người lao động khi đang làm việc ở nước ngoài; sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan trong các hoạt động cho vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Dịp này, Báo Người lao động vinh danh năm địa phương làm tốt công tác hỗ trợ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2023; 12 "Doanh nghiệp XKLĐ tiêu biểu năm 2023". Đây là các DN điển hình, xuất sắc trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Báo Người Lao động cũng phát động cuộc thi viết "Nâng bước người lao động".
TS. Tô Đình Tuấn, Tổng Biên tập Báo Người Lao động, đánh giá: 32 năm qua, đã có hàng trăm ngàn lượt người lao động đến nhiều nước để làm việc, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống gia đình, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Với sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đã có hàng trăm doanh nghiệp DN dịch vụ được cấp phép để đưa NLĐ đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ làm việc.
Các DN hoạt động tích cực, hiệu quả, góp phần đưa khoảng từ 120.000 đến 143.000 NLĐ ra nước ngoài làm việc mỗi năm. Lực lượng lao động này mỗi năm gửi về khoảng 3,5 - 4 tỉ USD kiều hối, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.