Làm thế nào khi nhà đầu tư không thỏa thuận được 100% diện tích thực hiện dự án?

(PLO)- Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 25-8, tiếp tục phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến cơ chế xử lý đối với trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất.

Đại diện Chính phủ tham dự phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại diện Chính phủ tham dự phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật là Ủy ban Kinh tế cho biết quá trình thảo luận, một số ý kiến đề nghị cần có cơ chế xử lý trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận được 100% diện tích thực hiện dự án. Điều này giúp việc triển khai thực hiện dự án không bị tắc nghẽn, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của số đông người có quyền sử dụng đất và nhà đầu tư, đồng thời ngăn chặn một bộ phận nhỏ người sử dụng đất lợi dụng chính sách làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Có ý kiến đề nghị quy định trường hợp vẫn còn một phần hộ dân không đồng tình, Nhà nước thu hồi đất đối với phần diện tích đất chủ đầu tư và người sử dụng đất không thỏa thuận được để giao, cho thuê cho chủ đầu tư thực hiện dự án không đấu giá, không đấu thầu khi đáp ứng được các điều kiện luật này quy định.

Có ý kiến đề nghị quy định tỉ lệ thỏa thuận được là trên 90%; ý kiến khác đề nghị tỉ lệ thỏa thuận là 70% và thời gian đã chậm gấp hai lần so với thời gian cấp có thẩm quyền cho phép…

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Kinh tế có hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, không quy định cơ chế xử lý trong trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận được 100% diện tích thực hiện dự án.

Ý kiến này cho rằng việc chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để có đất thực hiện dự án là thỏa thuận mang tính dân sự. Nếu Nhà nước can thiệp bằng biện pháp thu hồi đất đối với các trường hợp không thỏa thuận được thì không phù hợp, dễ dẫn tới khiếu kiện.

Để đảm bảo việc thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất thành công, nhà đầu tư cần phải tính toán về quy mô, địa điểm thực hiện dự án cho phù hợp. Đây cũng là phương án 1 được thể hiện trong tại dự thảo.

Loại ý kiến thứ hai, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật bổ sung cơ chế xử lý đối với trường hợp đã thỏa thuận được 80%- được thể hiện tại phương án 2 trong dự thảo. Theo đó, khoản 7 Điều 127 quy định mang tính nguyên tắc Nhà nước thu hồi đất đối với phần diện tích còn lại của dự án chưa thỏa thuận được để giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất trong các trường hợp:

(1) Nhà đầu tư thực hiện dự án thông qua hình thức thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đã thỏa thuận được với từ 80% số người sử dụng đất trở lên và 80% diện tích đất thực hiện dự án trở lên mà không tiếp tục thỏa thuận được.

(2) Nhà đầu tư đang có quyền sử dụng một phần diện tích đất thực hiện dự án và đã thỏa thuận được với từ 80% số người sử dụng đất và 80% diện tích đất trở lên đối với phần diện tích đất còn lại mà không tiếp tục thỏa thuận được.

Điều luật cũng đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay cá nhân ông ủng hộ phương án 2.

“Trường hợp này, nếu vẫn áp dụng nguyên tắc thoả thuận, vẫn để nhà đầu tư phải đáp ứng được yêu sách của những người còn lại đó thì sẽ không thực hiện được các dự án” - ông Mạnh cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của việc phát triển các đô thị.

“Số liệu thống kê không biết có phản ánh hết thực trạng không, nhưng kinh nghiệm cá nhân ở địa phương, tôi thấy rằng số lượng các dự án gặp tình huống này nhiều chứ không phải ít” - theo lời ông Mạnh, thực tế không chỉ thuần túy là những người dân sống trên mảnh đất đó mà nhiều nhà đầu cơ, thậm chí người quen, thân của cán bộ mua trước để lấy đền bù.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, để hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước, nhà nước cần đứng ra thu hồi đối với phần quỹ đất còn lại.

Tuy nhiên, ông cũng đề nghị bổ sung nguyên tắc để sau có căn cứ thực hiện. Cụ thể, mức đền bù đối với hộ còn lại tương đương với mức trung bình chung của các hộ đã chấp nhận trước đó, hay mức đã được đa số người dân chấp nhận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm