Ngày 24-4, phiên xử sơ thẩm của TAND TP.HCM về vụ Huỳnh Thanh Khiết (34 tuổi, ngụ quận Gò Vấp), Lê Thanh Tùng (47 tuổi, ngụ quận 12) cùng bị truy tố về tội buôn lậu tiếp tục. Trong phần tranh luận, các luật sư (LS) cho rằng hai bị cáo bị oan và không đồng tình với kết luận giám định cho rằng người chủ mưu cầm đầu vụ án mắc bệnh tâm thần.
Hai lần giám định tâm thần
Tại phần tranh luận, đại diện VKS và các LS đối đáp nhiều về hồ sơ tâm thần của Nguyễn Thanh Phương, người được cơ quan tố tụng xác định là chủ mưu vụ buôn lậu. Hiện ông Phương đang được tạm đình chỉ điều tra và có quyết định bắt buộc chữa bệnh.
Hồ sơ thể hiện sau khi trốn nã và bị bắt, Phương trình bày bản thân mắc bệnh tâm thần phân liệt, đang điều trị tại BV Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa). Sau đó, CQĐT trưng cầu giám định tâm thần lại.
Bản Kết luận giám định pháp y tâm thần số 277 của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM kết luận ông Phương từ trước tháng 7 đến tháng 9-2015 có bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Từ sau tháng 5-2015 đến khi bị bắt, ông Phương có bệnh tâm thần phân liệt, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Sau đó CQĐT cho rằng ông Phương chưa thể làm việc tại CQĐT. Ngày 12-1-2018, VKS có công văn yêu cầu giám định tâm thần lại với ông Phương. Ngày 13-2-2018, ông Phương đã được tạm đình chỉ điều tra để chờ kết luận.
Ngày 10-5-2018, kết luận giám định pháp y tâm thần của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa (Bộ Y tế) kết luận: “Về năng lực nhận thức và điều hành hành vi tại thời điểm gây án thì ông Phương bị hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi”. Từ kết luận giám định này, ngày 12-6-2018, VKSND TP.HCM ra quyết định bắt buộc chữa bệnh đối với ông Phương.
Hai bị cáo Lê Thanh Tùng và Huỳnh Thanh Khiết (trái) tại tòa. Ảnh: HY
Luật sư đề nghị đình chỉ vụ án
Tại phần tranh luận, đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Tùng 7-8 năm tù, Khiết 5-6 năm tù.
Các LS bảo vệ cho hai bị cáo cho rằng trước theo hồ sơ thì ngay và sau khi ông Phương thực hiện hành vi phạm tội, hai bị cáo đều làm theo chỉ đạo của Phương. Vậy việc hai bị cáo làm công ăn lương cho ông Phương và làm theo chỉ đạo của “người bị tâm thần” thì xử sao, liệu có bị tội?
Các LS lập luận rằng ông Phương tâm thần thì sao lại có thể điều hành vụ buôn lậu; mách nước cho các bị cáo trốn về Tây Ninh khi vụ án vừa bị phanh phui như cáo trạng mô tả? Ngoài ra, trong thời gian tâm thần, ông Phương còn bán nhà, điều khiển ô tô và bị CSGT thổi phạt…
Về tố tụng trong vụ án, các LS cho rằng có nhiều sai sót như kiểm sát viên không được phân công lại tham gia tố tụng; không tìm được hợp đồng mua hàng từ Nhật. Chưa có xác nhận chủ lô hàng (bên bán) mà hai bị cáo thì không biết bên trong hai lô hàng bị bắt, có bị cấm nhập khẩu hay không…
LS đề nghị: “Giả dụ bên bán hàng đánh tráo hàng thì sao, chứ mà phiếu đặt hàng thì hàng không thuộc danh mục cấm, chỉ khi nào ông Phương hết tâm thần, chỉ khi nào làm rõ hợp đồng, làm rõ đường đi hàng hóa… thì mới có thể giải quyết tận cùng vụ án, còn hiện tại đề nghị tòa đình chỉ vụ án này”.
Một LS khác thì cho rằng kết luận giám định tâm thần của ông Phương là nửa vời trong khi LS đề nghị triệu tập giám định viên đến tòa để giải thích thì chưa được chấp nhận. Vì sao có chuyện trong cùng kết luận, bên trên thì “Đương sự bị hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi”, còn bên dưới thì “Mất năng lực nhận thức và điều khiển hành vi”.
Đối đáp vấn đề này, kiểm sát viên cho rằng kết luận giám định đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. VKS đã yêu cầu cơ quan giám định cấp cao hơn giám định lại, tuy nhiên kết quả hai lần giám định giống nhau. Hiện nay, ông Phương hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi để làm việc với cơ quan pháp luật.
Dự kiến hôm nay (25-4) tòa sẽ tuyên án, chúng tôi sẽ cập nhật kết quả vụ án.
Tòa từng trả hồ sơ để làm rõ việc giám định Trong quyết định trả hồ sơ, TAND TP.HCM từng nêu rõ VKS ra quyết định bắt buộc chữa bệnh đối với ông Phương là chưa phù hợp. Bởi lẽ trong kết luận giám định tâm thần nêu “hiện nay đương sự chưa đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi để làm việc với cơ quan pháp luật” chứ không xác định ông Phương mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Do đó cần điều tra làm rõ và yêu cầu Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa giải thích về kết luận trên là thuộc trường hợp mất năng lực, hạn chế năng lực hay đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi. Khi có giải thích rõ ràng thì xem xét duy trì hay hủy bỏ quyết định bắt buộc chữa bệnh đối với ông Phương. Phương đạo diễn từ đầu đến cuối Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, cáo trạng xác định Phương sử dụng hai doanh nghiệp (trong đó có một công ty do vợ Khiết làm giám đốc) để nhập khẩu hàng điện máy đã qua sử dụng nhưng khai báo hải quan là máy móc công nghiệp. Phương chỉ đạo Tùng nhận email thông báo hàng về đến cảng rồi báo cho Khiết để đến cảng lấy giấy tờ về giao lại cho Tùng. Tùng sử dụng chữ ký số của giám đốc hai công ty để đăng ký mở tờ khai hải quan điện tử, truyền dữ liệu qua mạng. Chữ ký bên bán do Tùng tải về từ Internet rồi in ra, đóng vào hồ sơ hải quan. Sau khi hoàn tất hồ sơ ảo, Tùng đưa cho Khiết đi làm thủ tục nhập khẩu tại cảng. Khiết cầm hai bộ hồ sơ đến Chi cục Hải quan cảng Hiệp Phước làm thủ tục khai báo nhập khẩu hàng. Do hai tờ khai được phân luồng vàng nên lô hàng không bị kiểm tra thực tế. Hai lô hàng nhập lậu có tổng giá trị hơn 4,2 tỉ đồng. Đến ngày 9-9-2015, Phương gọi điện thoại cho Khiết báo rằng hàng đã bị công an bắt và chỉ đạo Khiết về Tây Ninh lánh mặt. Đến ngày 2-10-2015, hai đối tượng này ra trình diện... |