“Làm từ thiện vì ai, và để làm gì”, câu hỏi của Chương trình 60’ mở của Đài Truyền hình Việt Nam, kênh VTV6 đặt ra trong câu chuyện “Món quà từ thiện bị từ chối” về 3.600 phần quà tết của Nhóm từ thiện Xây nhà vùng cao bị một địa phương làm khó phải đưa đi nơi khác vẫn chưa hết nóng.
Bình luận về câu chuyện trên, vị tiến sĩ khách mời của chương trình cho rằng việc làm từ thiện có thể sẽ tạo ra những mối nguy cho người được nhận. Ví dụ như việc đem quần áo từ dưới xuôi lên vùng cao cho người dân mặc, về lâu dài người ta sẽ không còn mặc loại quần áo thổ cẩm nữa, dần dần làm mất đi thứ bản sắc văn hoá lâu đời của họ. Khách mời của chương trình cũng cho rằng nếu cứ lặp đi lặp lại hành động cho, tặng nhiều lần thì vô hình trung biến cộng đồng người nhận trở thành người chờ bố thí. Trẻ em bỏ học, người lớn ở nhà không chịu đi cày mà chỉ trông chờ vào đồ từ thiện.
Tôi không bàn về chuyện đúng sai trong nhận xét và cách lấy ví dụ của chương trình. Tôi chỉ muốn nói đến góc nhìn của chương trình đối với việc làm từ thiện. Có một điều cần hiểu là làm từ thiện và nghề công tác xã hội (CTXH) là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nhưng chương trình Chương trình 60’mở thì dùng tiêu chuẩn, yêu cầu của nghề (CTXH) để đòi hỏi những người làm từ thiện đáp ứng. Chương trình có vẻ đòi hỏi những người làm từ thiện phải hoạt động như những nhân viên xã hội (social worker) đang hành nghề Công tác xã hội (CTXH).
Hãy phân biệt việc hỗ trợ cộng đồng một cách khoa học trong việc giải quyết những khó khăn về về tâm lý, tình cảm và xã hội là sự nghiệp của nghề CTXH. Chỉ có nghề CTXH mới có phương pháp giúp đỡ khoa học, tuân thủ các nguyên tắc nâng cao năng lực tự giải quyết vấn đề của người được giúp đỡ.
Tại các nước phát triển, những người làm CTXH-nhân viên CTXH được đào tạo những kiến thức rất tổng hợp về con người và môi trường, về tâm sinh lý, hành vi con người, về xã hội, luật pháp, chính sách... Nhờ đó, những hỗ trợ của nghề CTXH mới đạt được tính bền vững, giúp đối tượng giải quyết vấn đề tận gốc. Và quan trọng hơn là nâng cao năng lực của đối tượng. Để từ đó đối tượng có thể tự giải quyết vấn đề của mình không chỉ tại thời điểm hiện tại mà còn được trang bị những kiến thức, nâng cao chức năng xã hội và kỹ năng để có khả năng đối phó với các vấn đề có thể xảy ra trong tương lai.
Ngược lại, hoạt động từ thiện không phải là một nghề. Về cơ bản, người làm từ thiện không nhất thiết đòi hỏi phải cần qua trường lớp đào tạo. Điều cốt lõi là họ có tấm lòng, sự nhiệt huyết, tính nhân văn và có điều kiện nhất định về kinh tế và thời gian để tham gia hoạt động từ thiện. Hoạt động từ thiện chủ yếu là cho và nhận. Người đi làm từ thiện cho, tặng những vật chất (tiền, quần áo, thuốc chữa bệnh, đồ ăn, đồ chơi...) cho những người gặp khó khăn. Nói đơn giản hơn, là khi bạn thấy một người đang đói, bạn chia sẻ cho họ cái bánh mì. Bạn vui vì biết người được giúp đỡ sẽ no lòng trong phút chốc. Bạn thấy một người đang nghèo túng, lạnh giá, bạn đưa cho họ cái áo ấm và một ít tiền. Bạn hân hoan biết rằng họ sẽ tạm quên cơn rét lạnh dù chỉ trong chốc lát.
Chỉ cần như vậy thôi, chúng ta nên nhìn nhận kết quả của hoạt động từ thiện là cần thiết để giải quyết khó khăn vật chất trước mắt, tạm thời. Sao chúng ta có thể buộc người làm từ thiện đáp ứng cho nhu cầu của cả cộng đồng hay giải quyết khó khăn của cả cộng đồng bằng những giải pháp bền vững ? Điều mà chỉ những người được đào tạo bài bản, một ngành nghề khoa học chuyên môn mới làm được?