Lấn cấn thi môn ngoại ngữ: Học chỉ để thi?

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM:

Thi để tạo động lực học

Từ rất lâu, TP.HCM vẫn thực hiện cơ chế mở cho nhóm đối tượng học sinh không có điều kiện học đầy đủ chương trình ngoại ngữ bảy năm hoặc ba năm sẽ được thi môn thay thế trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hằng năm, TP.HCM vẫn có một số em ở Cần Giờ không có giáo viên phụ trách môn học đầy đủ, học không liên tục thì Sở sẽ lập danh sách đề xuất với Bộ cho thi môn thay thế. Chuyện này TP.HCM đã thực hiện nhiều năm qua. Việc bắt buộc thi ngoại ngữ là động lực cần thiết cho học sinh trong xu thế hội nhập hiện nay.

Phạm Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp:

Phải soi lại thực tế dạy và học

Tôi cũng đồng tình với quan điểm là không phải việc bỏ hay không bỏ thi bắt buộc đối với môn ngoại ngữ. Vấn đề lớn vẫn là cách dạy và cách học của giáo viên và học sinh. Giáo viên ngoại ngữ đã được đào tạo và phủ khắp cả nước, đảm bảo đủ yêu cầu chất lượng dạy và học. Sau khi được phân công nhiệm sở và kiểm tra, đa số giáo viên đều đạt chuẩn, đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh. Tuy nhiên, tỉ lệ học sinh đạt điểm năm môn ngoại ngữ ở tỉnh Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung rất thấp. Năm năm qua, theo quy định chung, Đồng Tháp không có học sinh thi môn thay thế nhưng năm nay chắc sẽ có lượng không nhỏ không thi tiếng Anh.

Lấn cấn thi môn ngoại ngữ: Học chỉ để thi? ảnh 1

Các học sinh rất căng thẳng sau giờ thi ngoại ngữ. Ảnh: Q.Việt

Phải thấy rằng thói quen của học sinh là có thi mới có học, có ràng buộc về mặt pháp lý thì động lực học mới được thúc đẩy. Nhìn tổng thể, ngoại ngữ là môn học và là phương tiện giúp học sinh tiếp cận, giao tế…, chủ trương của Bộ GD&ĐT vẫn cho tiếp tục thi là động lực phấn đấu giúp các địa phương khác đào tạo, phân bổ giáo viên để các em học sinh vùng sâu, vùng xa bớt thiệt thòi. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận lại thực tế việc các lãnh đạo ngành địa phương đào tạo đội ngũ như thế nào, phương pháp dạy và học hiệu quả ra sao… để có cái nhìn toàn diện hơn.

Ông Lữ Văn Nhựt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang:

Hơn 1/3 học sinh sẽ thi môn thay thế

Lâu nay Bộ GD&ĐT quyết là các địa phương thực hiện. Thực tế vấn đề học ngoại ngữ ở Kiên Giang không được khả quan lắm bởi 80% học trò Kiên Giang quan niệm học xong THPT rồi đi làm tại địa phương, có xài tới ngoại ngữ đâu.

Thực tế không thể phủ nhận được là vốn ngoại ngữ của học sinh vùng sâu, hẻo lánh ở Kiên Giang không đủ sức đạt được năm điểm đề thi tốt nghiệp THPT. Bấy lâu nay Bộ cứ quyết có học ngoại ngữ là phải thi, bất kể học sinh học yếu kém như thế nào. Tôi nghĩ chủ trương dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông là chủ trương đúng nhưng phải xem xét tùy tình hình của địa phương. Ở vùng sâu, giáo viên yếu kém, học sinh học ngoại ngữ không phát huy được và trượt dài trong việc mất căn bản. Hậu quả của căn bệnh thành tích cứ đẩy học sinh lên lớp trên, chúng ta giải quyết 10 năm nữa chưa xong, học sinh mang tiếng có học ngoại ngữ nhưng chả biết gì mà bắt đi thi thì quả là thiệt thòi cho các em.

Sắp tới, Bộ GD&ĐT cần tổng kiểm tra trình độ và khả năng học ngoại ngữ tiếp theo của học sinh THCS để từ đó có kế hoạch, phân loại để dạy lại từ đầu môn này khi các em bước vào lớp 10 THPT. Ngay năm học này và kỳ thi sắp tới, Bộ cũng cần có quy chế cho học sinh có học ngoại ngữ nhưng yếu (thậm chí học mà chẳng biết gì) có đơn nộp về trường THPT đang học, tập hợp về Sở để xử lý có cho thi môn thay thế hay không. Theo ước lượng, hiện nay tại Kiên Giang sẽ có hơn 1/3 lượng học sinh phải thi môn thay thế.

“Con ngựa thứ ba”

Bộ GD&ĐT chính thức quyết định kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn thi bắt buộc đối với môn ngoại ngữ. Tuy nhiên, với những vùng khó khăn chưa có điều kiện học tốt, học sinh sẽ được thi môn thay thế (quy định trước đây “học chưa đủ mới được thi môn thay thế”). Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn tiêu chí cho những vùng khó khăn được áp dụng quy định này. Từ quy định này đã bật lên thực trạng mấy năm qua ở nhiều địa phương, động lực dạy và học ngoại ngữ của thầy và trò chỉ cốt để đối phó với thi cử. Một số địa phương học sinh chưa có nhu cầu, nhà trường chưa đủ khả năng, việc dạy và học ngoại ngữ như là “con ngựa thứ ba” trong một cỗ xe, vừa nặng nề vừa vô bổ.

Bến Tre, Bạc Liêu, Đồng Nai: Không cần thi môn thay thế

Theo thông tin từ lãnh đạo các sở GD&ĐT ba tỉnh trên, việc dạy ngoại ngữ chương trình bảy năm đã được thực hiện ở hầu hết các trường THPT trên địa bàn. Bấy lâu nay xem việc thi ngoại ngữ là môn thi bắt buộc nên năm nay vẫn thi bắt buộc thì không có xáo trộn gì nhiều. Bà Lâm Thị Sang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu, nói: Nếu cho phép học sinh học yếu kém môn ngoại ngữ được thi môn thay thế, chúng tôi sẽ ủng hộ chủ trương này. Nhưng Bộ cần có hướng dẫn chi tiết hơn để sàng lọc học sinh, nếu mở dễ dãi thì tỉ lệ học sinh chọn thi môn thay thế sẽ rất nhiều, ảnh hưởng đến chủ trương chung của việc đưa môn ngoại ngữ vào trường THPT và mục tiêu giáo dục sẽ bị lệch.

Dăk Nông: Rất nhiều học sinh sẽ chọn thi môn thay thế

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Dăk Nông, cho biết: Đối với một tỉnh Tây Nguyên như Dăk Nông, dù ý thức rất cao trong việc dạy và học ngoại ngữ (đã phủ kín các trường THPT dạy Anh văn hệ bảy năm). Tuy vậy, môn ngoại ngữ có tỉ lệ đạt trên trung bình cực thấp, ảnh hưởng chung đến kết quả tốt nghiệp của các em.

Đánh giá việc dạy và học môn ngoại ngữ trên các phương diện sau: Điều kiện học, đội ngũ giáo viên và môi trường sử dụng tiếng Anh ở các tỉnh miền núi quá kém. Học sinh thi môn ngoại ngữ bắt buộc sẽ có thiệt thòi. Khi Bộ GD&ĐT có cơ chế mở, lượng học sinh đăng ký thi môn thay thế sẽ rất lớn. Chúng tôi đang chờ văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ để thực hiện.

ĐN

QUỐC VIỆT ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm