Lần đầu tiên Cảnh sát cơ động trưng dụng máy bay đi chống khủng bố

Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát cơ động 15/4/1974 - 15/4/2024:

Lần đầu tiên Cảnh sát cơ động trưng dụng máy bay đi chống khủng bố

(PLO)- Trong vụ khủng bố rạng sáng 11-6-2023 ở Tây Nguyên, nếu như không có các quy định của Luật Cảnh sát cơ động để đưa lực lượng, trang bị vũ khí lên hiện trường kịp thời thì có lẽ mọi chuyện đã khác.

Sáng 11-6-2023, hơn 50 cảnh sát cơ động (CSCĐ) đặc nhiệm mang theo trang bị vũ khí lên thẳng máy bay đang chờ sẵn tại sân bay Đà Nẵng, tiến thẳng vào Tây Nguyên thực hiện một nhiệm vụ hết sức cấp bách, quan trọng. Đó là đập tan nhóm khủng bố tại địa bàn xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Bởi trước đó chỉ vài giờ đồng hồ, khoảng 50 đối tượng đã mang theo súng và các hung khí nguy hiểm tấn công, đập phá trụ sở UBND, phòng làm việc của Công an hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Hậu quả đã làm chín người chết, hai người bị thương, nhiều tài sản bị đốt phá. Trên đường tháo chạy, nhóm này còn bắt ba người dân làm con tin.

Lần đầu tiên Cảnh sát cơ động trưng dụng máy bay đi chống khủng bố
Cảnh sát cơ động đặc nhiệm tiếp cận nơi ẩn náu của các đối tượng khủng bố trong sự việc xảy ra sáng 11-6-2023. Ảnh: Bộ Công an

Thời điểm đó, ngay khi nhận thông tin, Bộ Công an lập tức chỉ đạo Công an tỉnh Đắk Lắk và Bộ Tư lệnh CSCĐ cùng các đơn vị nghiệp vụ triển khai tổng lực truy bắt.

Trong đó, lần đầu tiên, hơn 50 cán bộ, chiến sĩ tinh nhuệ nhất của Trung đoàn CSCĐ Tây Nguyên và Đội đặc nhiệm Tiểu đoàn CSCĐ số 3 được trang bị các loại vũ khí hiện đại nhất tiến thẳng ra sân bay Đà Nẵng, lên máy bay dân sự đã được trưng dụng chờ sẵn, di chuyển lên lên sân bay Buôn Ma Thuật (Đắk Lắk), từ đó cơ động thần tốc tới nơi xảy ra khủng bố tổ chức triệt phá.

Ngay trong ngày 11-6, lực lượng CSCĐ đã bắt giữ 16 người có liên quan đến vụ việc, giải thoát hai công dân bị bắt làm con tin, còn công dân thứ 3 tự giải thoát.

CSCD-lan-dau-tien-trung-dung-may-bay-di-chong-khung-bo-1.jpg
Các đối tượng khủng bố bị lực lượng cảnh sát cơ động bắt giữ trong chiều 11-6-2023. Ảnh: Bộ Công an

Sau sáu ngày quyết liệt tấn công truy bắt, lực lượng công an đã bắt giữ, xử lý hơn 50 người trực tiếp tham gia vào vụ việc. Đặc biệt, toàn bộ các đối tượng cầm đầu đều bị bắt giữ, thu giữ nhiều vũ khí, …

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh CSCĐ, cho biết căn cứ pháp lý để lực lượng CSCĐ trưng dụng máy bay dân sự chuyên chở lực lượng cùng trang bị vũ khí đi tác chiến chống khủng bố được quy định tại khoản 2, Điều 10, Luật CSCĐ 2022.

CSCD-lan-dau-tien-trung-dung-may-bay-di-chong-khung-bo-3.JPG
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Ảnh: V.N

Theo đó, CSCĐ được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin.

Ngoài ra còn được trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt; áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Lực lượng còn được sử dụng tàu bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho CSCĐ để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự là cần thiết, đúng đắn

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh cũng chia sẻ quy định này là một nội dung nhận được nhiều ý kiến phản biện của các đại biểu tại các phiên họp thảo luận xây dựng Luật CSCĐ.

"Hàng không là ngành yêu cầu đảm bảo an toàn rất cao, bên cạnh luật của các nước thì có Luật ICO của tổ chức hàng không thế giới quy định rất ngặt nghèo" - ông nói và cho biết việc đưa vũ khí trang bị, công cụ hỗ trợ vào cảng hàng không, lên tàu bay là một trong những điều hết sức phải cân nhắc. Bởi nếu thực hiện không tốt sẽ ảnh hưởng đến an toàn bay, mà đã là tai nạn rủi ro trong hàng không thì rất thảm khốc.

CSCD-lan-dau-tien-trung-dung-may-bay-di-chong-khung-bo-6.jpg
Nói đến Cảnh sát cơ động người ta nghĩ ngay người lính với bộ quân phục, luôn có mặt ở các “điểm nóng” trấn áp tội phạm. Tuy nhiên, người lính Cảnh sát cơ động còn là những người đồng cam cộng khổ với nhân dân, được dân tin, dân yêu. Ảnh: Bộ Công an

Tuy nhiên, quá trình tiếp thu, giải thích, phản biện, các đại biểu đã thấu hiểu và nhất trí thông qua điều luật cho phép lực lượng CSCĐ được mang vũ khí, trang bị hỗ trợ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong một số trường hợp. Chẳng hạn như đấu tranh chống khủng bố, hay áp tải các mặt hàng đặc biệt của Chính phủ, hoặc áp giải các đối tượng hình sự đặc biệt nguy hiểm.

Theo Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh CSCĐ, trên thực tế, lực lượng công an chưa bao giờ trưng dụng máy bay đi chống khủng bố. Tuy nhiên, việc mang trang bị vũ khí để áp tải các mặt hàng đặc biệt của Chính phủ, hoặc áp giải các đối tượng hình sự đặc biệt nguy hiểm thì đã có.

CSCD-lan-dau-tien-trung-dung-may-bay-di-chong-khung-bo-4.JPG
Được tôi luyện trong thực tiễn công tác, chiến đấu, lực lượng CSCĐ ngày càng trưởng thành, phát triển lập nên những chiến công xuất sắc, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao và được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Dịp Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống (15-4-1974 – 15-4-2024), lực lượng CSCĐ lần thứ hai vinh dự được Nhà nước trao tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT. Ảnh: V.N

Với vụ khủng bố rạng sáng 11-6-2023, nếu không có quy định của Luật CSCĐ mà thực hiện theo luật hàng không thì lực lượng chống khủng bố phải thực hiện ký gửi trang bị vũ khí (hàng hóa ký gửi, không được mang theo người). Khi đó sẽ phải mất rất nhiều thời gian để di chuyển, ký gửi, nhận lại vũ khí trang bị.

"Và nếu như vậy, khi có mặt ở thực địa để xử lý tình huống thì diễn biến đã khác, không còn hiệu quả tác chiến" - Thiếu tướng Thanh nhấn mạnh và cho biết quá trình triển khai điều luật đã đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và trang thiết bị.

Đọc thêm