Sáng 31-3, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội (QH), là ứng viên duy nhất và được QH bầu làm chủ tịch QH thay cho ông Nguyễn Sinh Hùng được miễn nhiệm trước đó. Ngay sau khi công bố kết quả, bà Ngân đã thực hiện nghi lễ tuyên thệ. đây là vị lãnh đạo nhà nước đầu tiên thực hiện nghi lễ này theo quy định của Hiến pháp 2013.
Trong trang phục áo dài truyền thống, tay trái đặt lên quyển Hiến pháp, tay phải giơ cao, bẻ vuông, lòng bàn tay hướng về phía trước, tân chủ tịch QH tuyên thệ: “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước QH, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Kể từ giờ phút này tôi xin khắc ghi lời tuyên thệ của mình trước QH”.
HỌ ĐÃ NÓI: Hình ảnh chủ tịch QH trong lễ tuyên thệ rất đẹp và trang trọng. Tôi cảm nhận được sự xúc động của chị Ngân khi tuyên thệ nhậm chức. Sự kiện được truyền hình trực tiếp tới cử tri nên ý nghĩa của nó vượt khỏi phạm vi QH. ĐB NGUYỄN THỊ NGA, |
Hiếm khi xuất hiện trước báo giới, lần này, sau nghi lễ tuyên thệ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã có chia sẻ ngắn với VTV. Bà nói: “Đó là thời khắc thiêng liêng và người được QH tín nhiệm bầu gánh trên vai mình trọng trách nên tôi thấy phải luôn khắc ghi lời tuyên thệ của mình để cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho”.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức chủ tịch Quốc hội, chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia khóa XIII . Ảnh: TTXVN
Trước giờ, chủ tịch QH, chủ tịch nước, thủ tướng Chính phủ vẫn phát biểu, cám ơn, bày tỏ lời hứa khi nhậm chức. Tuy nhiên, tới lần sửa đổi Hiến pháp năm 2013, việc tuyên thệ lần đầu tiên được quy định như một thủ tục bắt buộc.
Từng tham gia Ban Biên tập Hiến pháp 2013, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH khóa trước, cho biết khi bàn nội dung này có nhiều ý kiến khác nhau. Kinh nghiệm quốc tế thì thủ tục tuyên thệ chỉ áp dụng với nguyên thủ quốc gia mà ứng với nước ta, chiếu theo hiến định thì chủ tịch nước là phù hợp nhất. “Tuy nhiên, đặc thù thể chế của ta, quyền lực chính trị phân tán ra cả ba chức danh chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch QH. Lại xác định QH là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất bầu ra cả ba chức danh này. Tiếp nữa là đề cao vai trò của tư pháp, của tòa án. Cuối cùng, Hiến pháp thông qua với phương án cả ba chức danh, cùng với chánh án TAND Tối cao là bốn, đều phải tuyên thệ” - ông Thuận cho biết.
Cũng tham gia một tổ biên tập Hiến pháp 2013, ĐBQH Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, chia sẻ: “Nội dung tuyên thệ thế nào, khi ấy thảo luận cũng quyết liệt lắm, có nhiều ý kiến khác nhau… Nhưng đa số cho rằng các chức danh nhà nước ấy là do QH thay mặt nhân dân bầu ra thì tuyên thệ phải gắn với trọng trách trước đất nước, nhân dân và phải đề cao tinh thần trọng hiến. Vậy nên quy định ngắn gọn: Sau khi được bầu, chủ tịch nước, chủ tịch QH, thủ tướng Chính phủ, chánh án TAND Tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết hiện chưa có luật quy định cụ thể về cách thức, thủ tục và nội dung tuyên thệ. Ở lần kiện toàn các chức danh nhà nước này, Ủy ban Thường vụ QH chỉ thống nhất phần nghi lễ cơ bản như người tuyên thệ đặt tay trái lên Hiến pháp, tay phải bẻ vuông, hướng lòng bàn tay ra phía trước. Còn nội dung lời tuyên thệ thì để mỗi người tự chuẩn bị.
Nhưng bốn chức danh khác nhau thì lời văn tuyên thệ có khác nhau không? “Nội dung cơ bản thì Hiến pháp quy định rồi: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp. Còn cá thể hóa cho từng vị trí chức danh thì mỗi người tự sáng tạo thôi” - ông Phúc giải thích.
Ông Trần Đại Quang được giới thiệu bầu chủ tịch nước Công việc đầu tiên của tân Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân là điều hành thủ tục miễn nhiệm chức danh chủ tịch nước với ông Trương Tấn Sang và thay mặt Ủy ban Thường vụ QH giới thiệu ông Trần Đại Quang, hiện là Đại tướng, Bộ trưởng Công an, làm ứng viên tân chủ tịch nước. Cả hai việc này đã hoàn tất trong chiều 31-3. QH đã bỏ phiếu với tỉ lệ 94,30% (447/474 đại biểu có mặt) đồng ý miễn nhiệm với ông Trương Tấn Sang. Ngay sau đó, QH đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm chức danh chủ tịch nước với ông Trương Tấn Sang. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ khi QH bầu được tân chủ tịch nước (vào ngày 2-4). Trước đó, tại Đại hội XII, ông Trần Đại Quang đã được tín nhiệm tiếp tục bầu vào Bộ Chính trị với phương hướng nhân sự là sẽ giới thiệu ra QH để bầu làm chủ tịch nước. Ông Trần Đại Quang sinh ngày 12-10-1956, hiện là đại biểu QH khóa XIII. Ông Trần Đại Quang là GS-TS luật, từng đảm nhiệm chức vụ cục trưởng Cục Tham mưu an ninh, phó tổng cục trưởng, tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an trung ương, thứ trưởng Bộ Công an, là ủy viên Trung ương Đảng các khóa X, XII, XII, ủy viên Bộ Chính trị khóa XI và XII... ________________________________ Nữ chủ tịch QH đầu tiên của Việt Nam Tham gia bộ máy nhà nước từ năm 1975, bà Nguyễn Thị Kim Ngân trưởng thành từ ngành tài chính, từ nhân viên trở thành giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bến Tre năm 1991. Bước ngoặt lớn đến với bà vào năm 1995 khi ra trung ương làm thứ trưởng Bộ Tài chính. Trúng cử vào BCH Trung ương khóa IX, năm 2002 bà được phân công về làm bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Trong những năm này, hình ảnh một phụ nữ Nam Bộ đôi lúc tự mình đánh xe xuống cơ sở, áo bà ba, nón lá thăm ruộng… gây nhiều ấn tượng với người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Đại hội X, từ Hải Dương bà trở lại Chính phủ vào vị trí bộ trưởng Bộ Lao động. Trong nhiệm kỳ của mình, dù ít khi vồn vã trước báo chí nhưng bà đã gây ấn tượng khi đi xe ôm băng đồng tới thăm những gia đình có con em bị nạn trong vụ tai nạn lao động nghiêm trọng sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ năm 2007. Cũng trong những năm tháng ấy còn có hình ảnh bà bộ trưởng quyết đoán, phối hợp nhịp nhàng cùng phía ngoại giao “không vận”, “hải vận” một lúc cả ngót 10 vạn lao động Việt Nam ở Libya về nước khi chiến sự ở quốc gia Bắc Phi bùng nổ đầu năm 2011. Khi được tín nhiệm bầu làm phó chủ tịch QH, tham gia lãnh đạo QH, bà được một số ĐBQH đánh giá là có tác phong, phương pháp điều hành nghị trường khá uyển chuyển, tinh tế. Kết quả ấy được Trung ương đánh giá cao. Tháng 3-2013, bà được Trung ương khóa XI bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Tại Đại hội XII, bà tiếp tục tái cử vào Bộ Chính trị theo đúng phương hướng nhân sự mà Trung ương khóa XI xây dựng để giới thiệu ứng cử làm chủ tịch QH. Đến lúc này, ở tuổi 62, bà Ngân đã được bầu vào vị trí chủ tịch QH và trở thành nữ chủ tịch QH đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. |