Làn sóng rao bán đất nền lan rộng các tỉnh

(PLO)- Ngoài áp lực lãi vay thì nhiều nhà đầu tư muốn thu hồi dòng tiền để tái đầu tư những sản phẩm có nhu cầu thực hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, đất nền là phân khúc được chào bán nhiều nhất, bắt đầu từ khu vực vùng ven TP.HCM nay đã lan rộng khắp các tỉnh, thành.

Giảm giá ngóng người mua

Góp tiền đầu tư lô đất nền ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có giá gần 2 tỉ đồng từ đầu năm 2022, anh Quốc Vinh (quận 8, TP.HCM) kỳ vọng sang tay lời ngay, không ngờ đến nay giá lô đất không tăng lên mà cò đất còn báo phải giảm khoảng 200 triệu đồng mới thoát hàng được.

Anh Vinh và bạn quyết định giảm giá bán, chấp nhận lỗ để thu hồi nhanh tiền về vì đánh giá tình hình sẽ rất lâu mới khá lên.

“Lúc trước mình đầu tư theo kiểu tâm lý sốt sắng, đợt đó thị trường nóng, nhiều bạn rủ đi đầu tư thế là xuống tiền. Giờ phân tích kỹ vị trí, pháp lý mới chỉ đất trồng cây lâu năm, khu vực khó phát triển… nên quyết định bán” - anh Vinh nói.

Đầu tư xa hơn ở tận huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), ông Minh Tuấn ở Đồng Nai cho biết đang rao bán mảnh đất vườn hơn 2 sào. Lý do được ông đăng trên trang quảng cáo là “ngộp lãi vay, cần tiền gấp, giảm giá 30%”.

Thực tế ông dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư nhưng nay cần tiền để đầu tư sản phẩm khác.

“Tôi tính bán vào giữa năm 2022, thời điểm đó giá tốt nhưng lại nghĩ giá còn tăng nữa, không ngờ thị trường đóng băng đến giờ. Rao giảm giá để bán nhanh, chấp nhận cắt lãi” - ông Tuấn tiết lộ.

Kế hoạch của ông Tuấn là thu hồi dòng tiền về đầu tư nhà khu vực TP.HCM hoặc vùng ven để kinh doanh hoặc cho thuê. Ông Tuấn nhận thấy hiện có nhiều nhà đất tại ngoại thành TP.HCM và các tỉnh vùng ven cũng rao giảm giá tốt.

“Nếu chịu khó săn tìm vẫn có nhà đất “ngộp” vì chủ đất vay tiền ngân hàng. Thời gian tới, bất động sản (BĐS) phục vụ nhu cầu thực ở TP, gần khu dân cư sẽ có nhiều cơ hội hơn” - ông Tuấn nói.

Nhiều nhà đầu tư đất nền tại Lâm Đồng bắt đầu rao bán giảm giá nhiều để thoát hàng. Ảnh: Q.HUY
Nhiều nhà đầu tư đất nền tại Lâm Đồng bắt đầu rao bán giảm giá nhiều để thoát hàng.
Ảnh: Q.HUY

Đại diện một trang rao bán nhà đất cho biết thống kê lượng tin rao bán nhà đất trên cả nước từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 tăng mạnh so với cùng kỳ cuối năm 2021. Trong đó, phân khúc ghi nhận rao bán nhiều nhất là đất nền. Làn sóng rao bán BĐS cũng tăng mạnh tại các thị trường tỉnh.

Cụ thể, tại Khánh Hòa và Đà Nẵng, lượng sản phẩm cần rao bán tăng khoảng 40%; ở các khu vực gần TP.HCM như Bình Dương, Bình Thuận, Lâm Đồng, số lượng tin rao bán nhà đất cũng tăng trung bình 15%-20%. Long An còn ghi nhận số tin rao bán nhà đất tăng trên 50%.

Miếng ngon khó kiếm

Lý giải rõ hơn làn sóng rao bán đất nền lan rộng các tỉnh, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của batdongsan.com.vn, cho biết làn sóng này có thể sẽ còn tăng trong những tháng tới đây. Thị trường được dự đoán sẽ cần ít nhất 1-2 năm để tái cấu trúc và phục hồi. Thị trường thứ cấp (mua đi bán lại) sẽ xuất hiện ngày càng nhiều các trường hợp cần rao bán, sang nhượng tài sản. Đa số người bán lúc này đều giảm giá.

“Nếu nhà đầu tư có tài chính vững vàng có thể xem xét nắm giữ BĐS lúc này để khai thác và tích lũy sẽ có lợi trong dài hạn. Tuy nhiên, tiêu chí đầu tư an toàn và có giá trị khai thác thương mại nên được đưa ra đầu tiên thay vì đề cao lợi nhuận ngắn hạn. Tốt nhất nhà đầu tư nên chọn các BĐS vừa có thể khai thác dòng tiền đều đặn từ việc cho thuê, vừa có tiềm năng tăng giá trong tương lai” - ông Tuấn phân tích.

Thời điểm này được xem là cơ hội săn hàng tốt, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư nhưng theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư BĐS Việt An Hòa, cần lưu ý là giá đó có phải giảm thật không, tính pháp lý và thanh khoản ra sao.

Theo ông Quang, nhà đất được bán giảm giá chiếm khoảng 10%-15% số nhà đất được rao bán ở các vùng cách TP.HCM khoảng 200 km, chiếm 5% ở vùng ven TP.HCM, khoảng 2%-3% ở khu trung tâm TP.HCM nhưng giá giảm tối đa chỉ khoảng 10%.

Chuyên gia BĐS Đỗ Hoàng Dương cũng cho rằng ngoài giá giảm thì nhà đầu tư mua đất nền cần xem xét kỹ tính pháp lý, đất có vị trí, hạ tầng giao thông tốt, nhiều tiện ích, khu dân cư đông đúc vẫn có khả năng sinh lợi. Cơ hội thị trường lúc này nằm trong tay những nhà đầu tư có tiền mặt sẵn, có kinh nghiệm, đầu tư chuyên nghiệp. Còn với nhà đầu tư nghiệp dư vẫn có thể “sập hầm”, chôn vốn hoặc thua lỗ.

Thị trường quý I-2023 khó đột biến

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), cuối năm 2022, ảnh hưởng từ các chính sách tiền tệ thắt chặt và các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế cũng như các vấn đề nội tại thị trường chưa được giải quyết đã tạo ra sự cưỡng bức, buộc thị trường phải rơi vào trạng thái khó khăn. Dữ liệu của VARS cho thấy giá BĐS, đặc biệt là phân khúc đất nền, được điều chỉnh giảm mạnh, gần như trở lại mức giá thời điểm cuối năm 2021 khi chưa xảy ra cơn sốt đất. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở, đặc biệt là chung cư không nằm trong xu hướng giảm giá bán. Như vậy, có thể nói việc cắt lỗ thời gian vừa rồi chỉ xảy ra với các nhà đầu tư ngắn hạn hoặc đối với các sản phẩm đầu tư, không phục vụ nhu cầu thực.

VARS dự báo quý I-2023 thị trường sẽ ít biến động và rất khó xảy ra các tình huống mang tính đột biến, lượng giao dịch kỳ vọng tương đương với cùng kỳ năm 2022. Tháng 1-2023, mặt bằng giá gần như đi ngang, nhiều nhà đầu tư, khách hàng đã bắt đầu rục rịch xuống tiền với tâm thế sẵn sàng chờ bắt đáy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm