Làn sóng văn hóa Hàn: Văn hóa bình dân!

"Làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu (Hàn lưu) đang lan rộng ở Đông Á, trong đó có Việt Nam, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực”. Đó là nội dung Hội thảo quốc tế Tìm hiểu làn sóng văn hóa Hàn Quốc ở châu Á do Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tổ chức. Bản chất của Hàn lưu là gì và tác động của nó ra sao? Rút ra được gì từ kinh nghiệm Hàn lưu?

Phóng viên: Là người có nhiều năm nghiên cứu về văn học, văn hóa Nhật Bản, Hàn Quốc, xin ông cho biết quan niệm của ông với Hàn lưu ở Việt Nam?

+ Nhà văn Nhật Chiêu: Thực tế những tác phẩm văn học đỉnh cao Hàn Quốc chưa phổ cập đến Việt Nam. Những người mê Hàn lưu ở Việt Nam đa phần không biết gì về tinh hoa văn hóa Hàn Quốc. Mấy ai mê Hàn lưu có thể kể tiêu đề một vài tác phẩm văn học nghệ thuật lớn của Hàn Quốc? Người ta biết tên những ngôi sao ca nhạc, diễn viên truyền hình, say mê nhuộm tóc theo mốt Hàn, ăn thức ăn Hàn, dùng mỹ phẩm Hàn... Cái gọi là Hàn lưu thực chất không phải là tinh hoa văn hóa.

Bản lĩnh khi tiếp nhận cái mới

. Những cái giới trẻ hiện say mê như phim Hàn, nhạc Hàn... liệu có ảnh hưởng đến văn hóa Việt?

+ Âm nhạc Việt có ảnh hưởng từ K-pop nhưng đó chỉ với những ca sĩ thời thượng, còn ca sĩ có đẳng cấp của Việt Nam ít chịu ảnh hưởng. Các ngôi sao K-pop thật ra không tiêu biểu cho văn hóa Hàn. Họ giống hệt các thần tượng ca nhạc phương Tây về phong cách, trang phục, vũ đạo… Nếu muốn ảnh hưởng của những trào lưu ca nhạc hoặc điện ảnh mới nhất thì thà là ảnh hưởng hẳn từ phương Tây. Tại sao lại đi qua một bản sao? Hiếm thấy giới trí thức xem phim truyền hình Hàn Quốc. Cái gọi là Hàn lưu chủ yếu là văn hóa đại chúng cho giới trẻ, còn đối với giới trí thức Việt Nam thì không có cái gọi là Hàn lưu. Hiện tượng này theo tôi không kéo dài.

Làn sóng văn hóa Hàn: Văn hóa bình dân! ảnh 1

Bộ phim tài liệu I.AM ra rạp với sự xuất hiện của các sao K-pop đang rất thu hút khán giả trẻ. Ảnh: MEGASTAR

. Vậy tại sao Hàn Quốc không phổ cập văn hóa tinh hoa mà lại là văn hóa đại chúng? Dường như điều này ngược với Nhật Bản…

+ Thứ nhất, Hàn Quốc là quốc gia mới nổi gần đây, chưa đủ thời gian để có thể xuất khẩu tinh hoa có hiệu quả. Thứ hai, quảng bá tinh hoa khó hơn quảng bá những loại hình đại chúng.

Tuy không có cái gọi là Nhật lưu ở Việt Nam nhưng nhiều người Việt quen với trà đạo, thơ haiku và tác phẩm văn học lớn của Nhật như của Kawabata, Murakami Haruki… Tức giới tinh hoa của Nhật đến với Việt Nam nhưng với Hàn thì tình hình ngược lại. Điều này có phải là một tín hiệu đáng vui mừng, đáng ca ngợi hay không rất đáng xem xét.

. Trước Hàn lưu, phim Nhật từng được chiếu trên các đài truyền hình Việt Nam. Nhưng sau này phim Nhật ít xuất hiện bởi tình trạng vi phạm bản quyền. Ngược lại, ngay Việt Nam, Trung Quốc thì Hàn Quốc đã giảm tối thiểu phí bản quyền thậm chí lờ đi việc vi phạm bản quyền. Có phải do chính sách này mà Hàn lưu phát triển?

+ Đúng, một phần thành công của Hàn lưu do chính sách quảng bá văn hóa. Nhưng Hàn lưu ảnh hưởng đến Việt Nam nguyên nhân chính do cả hai đều ảnh hưởng Nho giáo.

Ở Đông Á, ngoài Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc chịu ảnh hưởng Nho giáo trầm trọng nhất. Cách suy nghĩ và nếp sinh hoạt của hai dân tộc khá gần nhau. Văn hóa trong phim Hàn Quốc rất gần gũi với văn hóa Việt Nam; đó là tôn ti trật tự, truyền thống vâng lệnh bề trên, trong khi văn hóa Nhật vẫn còn nhiều điều xa lạ.

. Liệu chúng ta có nên tự trách rằng văn hóa nội địa không đủ mạnh để chống chọi trước những làn sóng văn hóa lạ, chưa kể đến có thể bị lấn ép bởi nền văn hóa mới?

+ điểm yếu của việc tiếp nhận văn hóa mới tại Việt Nam là như vậy. Khi tiếp nhận một nền văn hóa khác ta phải có bản lĩnh để hóa giải những cái gọi là lai căng, dung tục và không hướng thượng.

Ở những nước đã có nền văn hóa vững chắc, có bản sắc thì dù trào lưu nào xâm nhập cũng sẽ không gây hậu quả nào. Nhưng với một nền văn nghệ đang tìm hướng đi, tôi cho rằng không nên vội vã tiếp thu những gì chưa phải là tinh hoa.

Làn sóng văn hóa Hàn: Văn hóa bình dân! ảnh 2

Không còn lạ khi mỗi ban nhạc K-pop đến lại kéo theo cả một loạt hình ảnh fan cuồng K-pop tại các sân khấu. Trong ảnh: Các fan cuồng khóc lóc, xỉu trong sự kiện Siêu nhạc hội SoundFest vào tối 14-4 với sự tham gia của những nhóm nhạc Hàn.  Ảnh: HÀ NHUẬN NAM

 Đầu tư giáo dục để đẩy mạnh văn hóa

. Vậy Việt Nam có thể học Hàn lưu tạo ra một Việt lưu?

+ Hàn lưu là dòng chảy Hàn, dòng chảy thì phải có nguồn, nên điều ta cần học chính là ở nguồn, đó là chính sách văn hóa của người Hàn. Chúng ta cần phải đầu tư một cách thật sự cho việc quảng bá văn hóa và du lịch. Mà theo ý nhiều người, sự quảng bá này hiện nay còn rất kém.

Muốn có một cái gì đó gọi là Việt lưu ở xứ người thì phải đầu tư nhiều lắm, phải nỗ lực nhiều, phải thông minh nhiều và nhất là phải có lòng. Tất cả hãy còn xa vời, ta chỉ nên cố gắng làm những gì trong tầm tay mình. Đầu tiên, phải làm sao xây dựng cho giới trẻ một bản lĩnh Việt Nam. Tức làm cho giới trẻ hiểu thấu những gì là Việt Nam, từ cái đẹp ngoại hình đến cái đẹp của văn hóa Việt. Phải ưu tiên cho một triết lý giáo dục, triết lý thẩm mỹ Việt. Dù điều này cũng khó khăn vô tận.

. Hiện tại đầu tư cho văn hóa giáo dục e là ít sinh lợi hơn…

+ Nên biết rằng ngay từ thập niên 1960-1970, còn nghèo, Hàn Quốc đã đầu tư rất mạnh vào giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Ở ta, liệu có thể nói giáo dục đang được quan tâm thật sự (chứ không phải lời nói) và có cơ sở vững mạnh chưa?

Ta biết rằng hiệu quả của giáo dục phải tính bằng thế hệ chứ không phải chuyện ăn xổi ở thì. Xây khách sạn, siêu thị thì có lợi trước mắt nhưng xây một trường học thì ít nhất một thế hệ sau mới thấy hiệu quả. Nhưng nếu không làm ngay thì chừng nào mới bắt đầu? Chính việc đầu tư từ những năm 60-70, Hàn Quốc mới có Hàn lưu bây giờ.

. Xin cảm ơn ông.

Ba giai đoạn phát triển Hàn lưu

 Giai đoạn 1 (1997-2000): Xác định văn hóa là ngành công nghiệp, trung tâm phát triển Hàn lưu là Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan. Phổ cập những bộ phim truyền hình như: Anh em nhà bác sĩ, Tình yêu là gì, Ước mơ vươn tới một ngôi sao… Còn âm nhạc chủ yếu là nhạc dance với hai nhóm nhạc: H.O.T và Clone.

 Giai đoạn 2 (2000-2005). Hàn lưu lan ra Trung Đông và châu Phi. Phim truyền hình vẫn là sản phẩm chủ đạo với hai bộ phim nổi bật là Bản tình ca mùa đông và Nàng Dae Jang Geum. Chính phủ Hàn khuyến khích quốc tế hóa món ăn Hàn.

 Giai đoạn 3 hay còn gọi là thời kỳ Tân Hàn lưu (2005 đến nay): Mở rộng đến châu Âu, Mỹ và Trung Nam Mỹ. Dùng nhạc đại chúng Hàn (K-pop) trở thành sản phẩm chủ đạo thông qua Internet và truyền hình. Mở rộng Hàn lưu sang lĩnh vực dịch vụ thương mại như du lịch, thời trang, mỹ phẩm, điện thoại, đồ gia dụng… tạo nên phong cách Hàn trong trang phục lẫn lối sống.

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm