Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Ảnh hưởng văn hóa và thuốc kháng sinh

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Ảnh hưởng văn hóa và thuốc kháng sinh ảnh 1

Hippie là phong trào kêu gọi thanh niên quay trở về với những giá trị của thiên nhiên và từ chối những tiện nghi vật chất, nó mang một ý nghĩa phản kháng kiểu boong ke -“đóng hộp” con người. Biểu tượng là những hoa văn, họa tiết sặc sỡ, áo vải linen hở cổ, quần jeans ống loe, sơ mi hoa bó sát, chiếc áo khoác có rua viền kiểu da đỏ và giày môi. Thập niên 69-70, khi phong trào hippie lan ra khỏi phạm vi nước Mỹ, những bông hoa năm cánh màu vàng cam biểu tượng của phong trào xuất hiện trước, theo sau đó là âm nhạc và trang phục lan ra thế giới. Thanh niên Sài Gòn khi ấy có ít nhiều ảnh hưởng trang phục của hippie nhưng phong trào vụt tắt nhanh chóng và bị hủy hoại bởi sai lầm của tình trạng nghiện ma túy. Phong trào hippie tắt, ảnh hưởng của nó cũng tắt theo.

Nhắc lại để thấy thế hệ nào cũng có những trào lưu văn hóa xâm nhập và ảnh hưởng. Ảnh hưởng văn hóa Hàn Quốc hôm nay không phải ngày một ngày hai. Đối tượng mà cuộc xâm chiếm văn hóa chọn lựa để đi tới bước hai là kinh tế, kích hoạt tiêu dùng. Đồ tiêu dùng ồ ạt đổ bộ vào hình thành hẳn một thị trường tiêu thụ. Từ màu tóc, kiểu tóc, màu môi, giày dép, điện thoại… khuynh hướng thời trang của nhân vật trong phim ắt cũng phải có trên thị trường và dần tạo nên một “phong cách”.

Từ phim đến phong cách, cuộc chiếm lĩnh tiếp theo của làn sóng Hàn là ảnh hưởng tinh thần mà cụ thể là sự sùng bái thần tượng trong lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc...

Chúng ta không thể cấm cản dòng chảy hội nhập và ảnh hưởng của mọi luồng văn hóa vào một quốc gia. Nhưng làm thế nào để tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa mà không bị cuốn theo đến mất bản sắc riêng của một đất nước, một thế hệ?

Sự mất cân bằng văn hóa, sự lệ thuộc văn hóa chính ở chỗ chỉ có một nền văn hóa nào đó ồ ạt xâm nhập, xâm nhập dài lâu và không có nhiều dòng văn hóa khác để chọn lựa hay so sánh ngoài cái duy nhất là bản sắc tinh thần của dân tộc. Nếu bản sắc ấy bị xem nhẹ, lãng quên hay chỉ đánh thức nó bằng hình thức bên ngoài thiếu hẳn chiến lược chiều sâu để nó trở thành liều thuốc kháng sinh có sẵn trong mỗi cá nhân thì khó thể không bị đánh mất bản sắc. Giáo dục là một trường cơ bản nhất để tạo kháng sinh văn hóa. Hội nhập được với nhiều luồng văn hóa khác mà vẫn còn giữ cho mình cái văn hóa riêng của mình.

Mà ở ta hầu như không có kháng sinh. Thiếu chiến lược, con người bị lôi theo dòng văn hóa khác là điều không khó hiểu.

TS NGUYỄN ĐỨC LỘC,Trưởng nhóm Nghiên cứu đời sống xã hội, Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và Phát triển nguồn nhân lực, ĐH KHXH&NV TP.HCM:

Phải có chiến lược quản trị hình ảnh văn hóa dân tộc 

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Ảnh hưởng văn hóa và thuốc kháng sinh ảnh 2

Việc xây dựng và quảng bá hình ảnh văn hóa dân tộc tốt sẽ giúp cho dân tộc đó có được “quyền lực mềm” trên thế giới. Để làm được như vậy, chúng ta phải có chiến lược quản trị hình ảnh văn hóa dân tộc thật tốt. Làm sao bạn bè quốc tế khi nhìn nhận về con người và văn hóa Việt Nam có thái độ thiện cảm và tôn trọng.

Báo chí quốc tế vẫn còn đăng tin không hay về người Việt móc túi (như ở Thái Lan), buôn sừng tê giác (ở châu Phi), trồng cần sa (ở châu âu)… Khách du lịch đến Việt Nam còn than phiền nhiều chuyện. Phim ảnh, ấn phẩm văn hóa chưa giới thiệu được những nét đặc trưng văn hóa dân tộc.

Các cơ quan nhà nước cần có chiến lược và lộ trình rõ ràng cho vấn đề này. Ở những nơi có công dân hoặc người gốc Việt, cần sớm thành lập các tổ chức quảng bá hình ảnh văn hóa dân tộc thông qua con đường giáo dục, văn hóa…

Phim ảnh, truyền thông cần có những định hướng để những ấn phẩm văn hóa đó giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Và khi có được những ấn phẩm tốt rồi chúng ta cần phải xúc tiến quảng bá những ấn phẩm đó ra bạn bè quốc tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm