Lần thứ 7 cựu bí thư thị xã Bến Cát bị đề nghị truy tố

(PLO)- Vụ án đã kéo dài gần năm năm với bảy lần Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố các bị can.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-6, theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã có kết luận điều tra bổ sung, đề nghị VKS truy tố đối với bị can Nguyễn Hồng Khanh (cựu bí thư thị xã Bến Cát) cùng đồng phạm về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Kết luận điều tra lần thứ bảy

Trước đó, vào tháng 5-2021, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Ở giai đoạn trước khi vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm tại TAND tỉnh Bình Dương, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã có bốn lần ban hành kết luận điều tra. Và sau khi TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy án sơ thẩm đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã có thêm ba lần ra kết luận điều tra bổ sung. Tuy nhiên, trong kết luận điều tra bổ sung mới nhất (lần thứ bảy) cũng vẫn không có nhiều tình tiết mới so với những bản kết luận trước đó.

Bị cáo Khanh tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: LA

Bị cáo Khanh tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: LA

Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2012 đến 2015, bị cáo Nguyễn Huy Hùng (giám đốc Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn) đã chỉ đạo Nguyễn Quang Lộc (phó trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp) trực tiếp xử lý tài sản thế chấp của Công ty An Tây và Công ty Đồ gỗ Mỹ Hiệp để thu hồi nợ cho ngân hàng.

Tuy nhiên, Hùng, Lộc và Nguyễn Hồng Khanh đã câu kết với bà Hồ Thị Hiệp (chủ hai doanh nghiệp trên) xử lý tài sản thế chấp trái quy định để ông Khanh mua lại toàn bộ tài sản thế chấp gồm 18 ha đất và một số tài sản bảo đảm khác, gây thất thoát cho ngân hàng 35 tỉ đồng.

Tháng 5-2020, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên xử sơ thẩm đã nhận định hành vi của các bị cáo Khanh, Hùng và Lộc đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Bị cáo Hùng với vai trò là giám đốc ngân hàng đã chỉ đạo cấp dưới xử lý nợ của bà Hiệp trái với quy định, gây thất thoát tài sản của Nhà nước, còn bị cáo Khanh là đồng phạm giúp sức.

Kết luận điều tra bổ sung mới nhất (lần thứ bảy) không có nhiều tình tiết mới so với những bản kết luận trước đó.

Từ đó, HĐXX sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hồng Khanh 10 năm tù, Nguyễn Huy Hùng 12 năm tù và Nguyễn Quang Lộc 11 năm tù. Trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm các bị cáo đều kêu oan và cho rằng mình không phạm tội, sau đó đã kháng cáo bản án sơ thẩm.

Cấp phúc thẩm: Chưa đủ cơ sở buộc tội

Tháng 5-2021, tại phiên xét xử phúc thẩm, HĐXX TAND Cấp cao tại TP.HCM nhận định bị cáo Khanh là người mua đất thế chấp tại Ngân hàng BIDV của bà Hiệp và được ngân hàng này đồng thuận cho bán. Do đó, lập luận của bản án sơ thẩm cho rằng ông Khanh ép mua tài sản giá rẻ là không có cơ sở. Cấp sơ thẩm buộc tội bị cáo Khanh đồng phạm giúp sức với các cán bộ ngân hàng là chưa phù hợp.

Ngoài ra, vụ án xuất phát từ đơn tố cáo của ông Nguyễn Hiệp Hòa (con bà Hiệp) về việc ông Khanh ép mẹ ông bán đất giá rẻ. Đây là tình tiết quan trọng nhưng cơ quan điều tra lại chưa đối chất, không làm rõ chứng cứ là vi phạm quy định, vi phạm các thủ tục tố tụng.

Đặc biệt, HĐXX phúc thẩm xác định phải làm rõ bà Hiệp thỏa thuận chuyển nhượng cho bị cáo Khanh được sự đồng ý của bên nhận thế chấp (ngân hàng) là tài sản đảm bảo nghĩa vụ dân sự đối với ngân hàng hay tài sản nhà nước? Vấn đề này lại không được cấp sơ thẩm làm rõ. Do đó cấp sơ thẩm quy kết các bị cáo phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí là chưa đủ cơ sở.

Ngoài ra, cấp phúc thẩm cho rằng việc cấp sơ thẩm tuyên hợp đồng mua bán của bà Hiệp với ông Khanh vô hiệu và tịch thu một phần tiền giao dịch để sung công quỹ là không có cơ sở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm