Ngày 15-12, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đào Nhật Phi, sinh năm 1976, bị VKS truy cứu tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo khoản 2 Điều 197 BLHS (khung hình phạt 7-15 năm tù). Sau khi nghị án, HĐXX kết luận Phi có tội và tuyên phạt nữ bị cáo này mức án bốn năm tù, thấp hơn mức đề nghị của công tố viên (công tố viên đề nghị 5-7 năm tù).
Khi bị bắt, bị cáo Phi nhận tội nhưng sau đó kêu oan.
Đãi thuốc lắc trong tiệc sinh nhật
Theo hồ sơ, ngày 17-8-2013, Phi bị bắt về hành vi mua thuốc lắc đãi bạn bè trong tiệc sinh nhật. Cáo trạng cáo buộc Phi vào ngày 17-8-2013 tổ chức sinh nhật tại một khách sạn trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM và mời chín người bạn. Tại đây, nhóm người này đã cùng nhau sử dụng ma túy tổng hợp và bị bắt quả tang. Công an thu giữ được 3,5 viên ma túy tổng hợp trọng lượng 0,9953 g Ketamine do Phi mua để những người đến dự sinh nhật sử dụng.
Trước phiên xử này, TAND TP.HCM đã trả hồ sơ nhằm làm rõ thêm các nội dung như chất Ketamine là thuốc hay ma túy tổng hợp; chưa giám định hàm lượng ma túy trong vụ án và lời khai giữa bị cáo và người liên quan…
Tại tòa, các luật sư (LS) yêu cầu trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án, nếu không thì tuyên bị cáo Phi không phạm tội. Cụ thể, LS cho rằng hồ sơ vụ án vi phạm tố tụng, có nhiều bất nhất; cần triệu tập anh Hồ Ngọc Quí, người có mặt ở thời điểm xảy ra vụ án (hiện đã xuất cảnh), ra làm chứng; chưa điều tra làm rõ bản chất vụ án, Phi có dấu hiệu bị ép cung, nhục hình…
Đáng chú ý, LS đọc một bức thư của anh Quí có nội dung (đại ý): Thật ra người mời mọi người đến khách sạn tổ chức sinh nhật có sử dụng thuốc lắc không phải là Phi mà là người tên NNN. Lúc công an vào phòng khách sạn, Phi vì muốn “giật le” ta đây đạo nghĩa với người yêu mới nên đứng ra nhận. Đồng thời, việc Phi nhận tội cũng do anh N. hứa lúc cùng bị tạm giam ở công an là sẽ ra ngoài lo cho; ngày hôm đó không phải là sinh nhật của Phi.
Bị cáo Đào Nhật Phi quay xuống dưới gọi mẹ sau khi tòa tuyên mức án bốn năm tù. Ảnh: HY
Năm lần trả hồ sơ
Liên quan đến ngày sinh nhật, cáo trạng xác định: Mỗi năm Phi thường tổ chức tiệc sinh nhật tại các quán bar hoặc vũ trường do bạn bè tài trợ. Vì không đủ tiền tổ chức sinh nhật đúng ngày tháng (7-4) và không muốn tổ chức tại gia đình nên Phi đã nhờ bạn thuê phòng khách sạn để tổ chức tiệc.
Về đơn của anh Quí mà LS xuất trình, VKS cho rằng không có căn cứ, việc thu thập này không theo trình tự thủ tục tố tụng và hiện người này đã xuất cảnh qua Mỹ, không rõ ở đâu… Đồng thời, đây chỉ là một trong chín người liên quan của vụ án.
Cuối cùng, HĐXX nhận định căn cứ hồ sơ vụ án cùng nhiều chứng cứ khác, tòa nhận thấy đủ cơ sở kết luận việc truy tố của VKS là đúng người, đúng tội. Qua phần thẩm vấn cũng như đối chiếu các lời khai, tòa xác định Phi chính là người thuê phòng khách sạn như cáo trạng nêu vào ngày xảy ra vụ án. Đồng thời, bị cáo Phi cũng có hành vi mua thuốc lắc để chiêu đãi bạn bè ở đó.
Tuy nhiên, xét bị cáo có bệnh (rối loạn nhân cách kịch tính), bị hạn chế nhận thức và điều khiển hành vi nên HĐXX cân nhắc mức hình phạt. Từ đó, tòa tuyên phạt bị cáo bốn năm tù (VKS đề nghị 5-7 năm tù).
Lúc tòa tuyên án, bị cáo Phi không bình tĩnh, tòa phải cho nghỉ 10 phút mới tiếp tục tuyên án. Trước và sau khi nghe mức án, bị cáo luôn quay lại gọi mẹ.
Sau phiên xử, gia đình bị cáo và LS cho biết sẽ kháng cáo theo hướng kêu oan cho bị cáo.
Một kiểm sát viên bị cách chức vì vụ án này Ban đầu, VKSND quận 1 thụ lý vụ án này. Trước khi tòa đưa vụ án ra xét xử, ông Đào Nhật Quang (em trai bà Phi) đã tố cáo ông NTC (kiểm sát viên VKSND quận 1, phụ trách kiểm sát vụ án). Theo đơn, ông NTC yêu cầu ông Quang chi phí 200 triệu đồng thì sẽ chuyển khung hình phạt xuống khoản 1 và đề nghị mức án 2,5 năm tù cho bà Phi. VKSND TP.HCM sau khi thành lập hội đồng xử lý kỷ luật đã cách chức kiểm sát viên đối với ông NTC và ông NTC cũng đã thừa nhận sai phạm. (Tháng 5-2016, ông Đào Nhật Quang đã qua đời.) Sau đó, vụ án này đã chuyển hồ sơ đến Công an TP.HCM để giải quyết theo thẩm quyền vì vụ án có đương sự mang quốc tịch nước ngoài. |