Lãnh đạo Sở Y tế: 'Tác nhân gây dịch COVID-19 đã có ở khắp TP.HCM'

Ngày 5-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 với TP.HCM về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn.

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ ngày 26-4 đến hết ngày 4-7, TP.HCM đã có 6.470 ca bệnh được ghi nhận tại 306/312 phường xã, thị trấn, trong đó 52% số ca nhiễm phát hiện trong các khu cách ly, 25% ca nhiễm phát hiện trong các khu phong tỏa, 12% phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện, 23% phát hiện tại cộng đồng.

Đáng chú ý, từ 6 giờ ngày 4-7 đến 6 giờ ngày 5-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM ghi nhận 711 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 169 trường hợp tầm soát trong bệnh viện, 12 trường hợp tầm soát trong cộng đồng.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chủ trì điểm cầu TP.HCM. Ảnh: TTBC

Theo thống kê của Sở Y tế, quận huyện có số ca bệnh tăng trên 40 ca/100.000 dân trong 7 ngày qua gồm: quận 1, 3, 7, 8, 9, Bình Chánh, Bình Tân và Hóc môn.

Các quận huyện có số ca bệnh tăng từ 20 đến 40 ca/100.000 dân trong 7 ngày qua gồm: quận 5, 10, 11, Nhà Bè, Tân Bình, Tân Phú và TP Thủ đức. Các quận huyện có ca bệnh tăng dưới 20 ca/100.000 dân gồm: quận 6, 12, Bình Thạnh, Cần Giờ, Củ Chi, Gò Vấp và Phú Nhuận.

Lãnh đạo Sở Y tế nhận định, trước xu hướng số bệnh trong cộng đồng tăng hàng ngày, nhất là các trường hợp có triệu chứng đi khám các cơ sở y tế. Điều này cho thấy, tác nhân gây bệnh đã có ở khắp TP và số ca bệnh trong vùng phong tỏa ngày càng tăng nhanh.

Vì vậy, trong thời gian tới, để kiểm soát dịch bệnh, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị số 10 của TP.HCM về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Cân bằng lợi ích về kinh tế, tuy nhiên cần cân nhắc giữa thực hiện giãn cách và sự phát triển kinh tế.

Thứ hai là loại bỏ nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó những khu vực đang phong tỏa phải thực hiện nghiêm túc hướng dẫn cách ly tế vùng có dịch, đảm bảo cách ly tuyệt đối trong khu vực phong tỏa và giữa khu vực phong tỏa với các khu vực xung quanh, qua đó kiểm soát chặt chẽ sự lây lan dịch bên trong cũng như bên ngoài khu vực phong tỏa.

Chính quyền địa phương phối hợp y tế đánh giá tình hình dịch tễ, nếu nhận định có nguy cơ cao, tiếp tục lây lan trong cộng đồng thì có thể mở rộng phạm vi phong tỏa trên diện rộng (theo các khu phố hoặc phường) để kiếm soát dịch.

Tăng cường điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm nguồn lây. Điều tra dịch tễ, truy vết nhanh các trường hợp F0, chuyển cách ly tập trung F1 thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên và mẫu đơn RT-PCR.

Tại các ổ dịch trên địa bàn, thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đồng thời thực hiện xét nghiệm mẫu gộp ở phạm vi tổ dân phổ, mở rộng khu phố (quyết định tùy theo yếu tố dịch tễ), toàn bộ công ty. Thực hiện xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng (có trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch) có sự cân đối số lượng xét nghiệm để phù hợp với tổng công suất xét nghiệm của các phòng xét nghiệm, đảm bảo việc trả kết quả nhanh, chính xác và tránh tồn đọng mẫu trong ngày.
Lặp lại xét nghiệm để tiếp tục loại bỏ nguồn lây lan trong cộng đồng. Trong đó, tại khu vực phong tỏa, triển khai xét nghiệm lặp lại mỗi 1-3 ngày/lần; Khu vực có nguy cơ cao: triển khai xét nghiệm lặp lại mỗi 5-7 ngày/lần.

Thứ ba là làm giảm yếu tố nguy cơ để dịch bệnh phát tán nhanh qua việc tăng cường quản lý, giám sát phòng chống dịch trong khu công nghiệp. Các chợ đầu mối, chợ truyền thống phải có giải pháp triệt để phòng ngừa lây lan cho các tiểu thương, người mua và nhân viên quản lý, hậu cần của chợ. Khu nhà trọ ở các quận huyện cho các công nhân cần có giải pháp giãn cách để tránh lây lan…

Tăng cường phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung để hạn chế số lượng bệnh nhân nhằm tránh quá tải hệ thống bệnh viện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm