“Việc gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng nên làm. Làm ở đây không phải là bất chấp, phá hoại mà làm theo khoa học, sẵn sàng tiếp thu ý kiến của dư luận nếu có gì bất cập phá vỡ môi trường sinh thái, tỉnh sẽ cầu thị tiếp thu chứ không che giấu, không làm bằng được”. Đó là khẳng định của ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, tại buổi họp báo liên quan đến việc làm dự án hồ chứa nước Ka Pét trên 600 ha đất rừng vào chiều 7-9.
Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận thông tin với báo chí tại buổi họp báo. Ảnh PN |
"Việc gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng làm"
Mở đầu buổi họp báo, ông Dương Văn An cho biết dự án hồ chứa nước Ka Pét được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2019 và điều chỉnh vào năm 2023. Trước đó, dự án này đã được đưa ra lấy ý kiến và nhận được nhiều đóng góp nhưng không có nhiều ý kiến phản đối.
“Tuy nhiên, mới đây từ một bài báo, dư luận cả nước lại quan tâm rất nhiều đến dự án này, trong đó có người ủng hộ, có người không ủng hộ. Người dân Bình Thuận đang chịu cảnh khô hạn hằng năm thì cho rằng dự án cần thiết, người không ủng hộ lại cho rằng Bình Thuận phá rừng” - ông An nói. Bí thư Bình Thuận bày tỏ mong muốn được trao đổi thẳng thắn, cởi mở và báo chí thông tin trung thực, đầy đủ, nhiều chiều để tránh tình trạng bạn đọc suy luận không đúng.
Đoàn khảo sát thực địa của tỉnh Bình Thuận vào trong lõi rừng. Ảnh VÕ TÙNG |
Liên quan đến dự án xây dựng hồ chứa nước Ka Pét, ông An nhấn mạnh dự án có ý nghĩa rất lớn đối với người dân Bình Thuận. Bởi đây là địa phương có tình trạng hạn hán rất nặng. Cách đây vài ngày, tỉnh có đoàn đi khảo sát (trong đó có các PV) nhưng hiện nay đang là mùa mưa nên mới chỉ thấy một nửa thực tế khó khăn của người dân. Ông An cho rằng nếu đi thêm vào mùa khô sẽ hiểu được nỗi khổ của người dân như thế nào.
Bí thư Bình Thuận cho biết trước đây đã từng có phóng sự truyền hình về tình trạng khô hạn ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, trong đó có Ninh Thuận. Đồng khô, cỏ cháy, ruộng đồng nứt nẻ, ngay cả cừu, trâu, bò cũng chết. “Phải nói làm lãnh đạo ở địa phương không lo được cho dân thì cũng là tội lỗi. Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân. Dự án này là giữ nước cho dân, tăng nước ngầm, điều tiết nước giữa mùa mưa và mùa khô nên tôi muốn mọi nhận định, ý kiến cần đặt vào vị trí của người dân” - ông An nói.
Người dân Bình Thuận đang chịu cảnh khô hạn hằng năm thì cho rằng dự án cần thiết, người không ủng hộ lại cho rằng Bình Thuận phá rừng”
Ông An bày tỏ việc gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng nên làm. Làm ở đây không phải là bất chấp, phá hoại mà làm theo khoa học, sẵn sàng tiếp thu ý kiến của dư luận nếu có gì bất cập phá vỡ môi trường sinh thái, tỉnh sẽ cầu thị tiếp thu chứ không che giấu, không làm bằng được.
Đồng thời, người đứng đầu Tỉnh ủy Bình Thuận khẳng định tỉnh sẵn sàng tiếp thu ý kiến của nhà khoa học, báo chí. Nếu có gì bất hợp lý ảnh hưởng đến môi trường, phá hoại hệ sinh thái đến mức nặng nề, không thể khắc phục, tỉnh sẽ sẵn sàng điều chỉnh, không bảo thủ.
Buổi họp báo có sự tham gia của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận cùng các sở, ngành và 50 cơ quan báo chí. Ảnh: PHƯƠNG NAM |
Vị trí dự án hiện tại là phương án tối ưu
Tại buổi họp báo, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, cho biết so với 360.000 ha rừng tự nhiên toàn tỉnh, 600 ha rừng dành để làm dự án chỉ chiếm 0,15%.
Riêng rừng đặc dụng để làm dự án so với tổng diện tích hơn 24.000 ha rừng cũng chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Vì vậy, ông Sơn khẳng định mức độ ảnh hưởng không quá lớn với tổng thể chung. “Tôi mạnh dạn ví von một hoa hồng rất đẹp khi rơi một cánh thì hoa hồng vẫn rất đẹp” - ông Sơn nói. Ông Sơn cho biết việc điều tra đo đếm từng cây từ 10 cm trở lên rất kỹ và chặt chẽ.
Ông Lê Thanh Sơn trả lời thông tin báo chí. Ảnh PN |
Theo kết quả kiểm kê sơ bộ rừng trong dự án, có gần 620 ha/gần 680 ha đất có rừng và 60,14 ha đất không có rừng. Phân theo mục đích sử dụng có 149,9 ha rừng đặc dụng, 0,86 ha rừng phòng hộ, 440,4 ha rừng sản xuất và 40,72 ha nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng.
Tại buổi họp báo, các ngành chức năng tỉnh Bình Thuận cũng giải đáp các câu hỏi của báo chí liên quan đến vị trí dự án, về năng lực của đơn vị thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), về phương án xử lý rừng khi triển khai dự án…
Vị trí dự án hồ chứa nước Ka Pét phủ lên diện tích gần 600ha rừng. Ảnh VT |
Trong đó, liên quan đến việc chọn vị trí dự án ngay trên 600 ha rừng, đơn vị tư vấn dự án cho biết việc này đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Theo đó, công trình xây dựng phải tính toán nguồn, lưu vực mới đảm bảo xây dựng cải tạo hồ. Việc kết nối các hồ với nhau phải phù hợp với địa hình để điều tiết từ cao xuống thấp.
“Chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều, rất kỹ nhưng chỉ chọn được hai vị trí xây dựng hồ. Tuy nhiên, vị trí số 1 sẽ gây ngập rất lớn, không hiệu quả. Sau khi so sánh, lựa chọn, vị trí hiện nay là vị trí tốt nhất, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, kinh tế. Qua các kịch bản gồm chi phí xây dựng, diện tích tưới thì phương án dung tích chứa 51 triệu m3 là tối ưu nhất” - đơn vị tư vấn cho biết.
Có khoảng 50 phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí dự họp báo |
Về câu hỏi vì sao không làm hồ nhân tạo mà phải là hồ tự nhiên, ông Lê Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, cho rằng không chỉ trong nước mà cả thế giới thì hồ tự nhiên là tối ưu. Theo ông Phước, làm hồ nhân tạo phải móc khối lượng đất rất lớn nên sẽ phải giải quyết vấn đề môi trường lớn hơn. “Trong nước chưa có hồ nhân tạo nào làm quy mô lớn cả, ví dụ ở miền Tây có vài hồ nhân tạo rất nhỏ đã đầu tư tốn kém. Vì vậy chỉ có hồ tự nhiên mới khả thi” - ông Phước khẳng định.•
Thông tin về dự án hồ chứa nước Ka Pét
Dự án hồ chứa nước Ka Pét gồm các hạng mục hồ điều tiết dung tích toàn bộ 51,21 triệu m3 cùng hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án là hơn 874 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến hết năm 2025.
Khi dự án hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam, cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II khoảng 2,63 triệu
m3/năm, tạo nguồn nước thô để cấp sinh hoạt cho khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết. Ngoài ra, dự án còn phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và Bình Thuận.