Lao động đi Đài Loan bị nâng phí,"bóp" lương

Cuối năm 2013 và đầu năm 2014, Bộ LĐ-TB&XH đã “bêu” tên 35 công ty xuất khẩu lao động có sai phạm trong việc đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan. các công ty này bị tạm dừng cung ứng lao động, tạm dừng thực hiện hợp đồng với đối tác Đài Loan hoặc phải chấn chỉnh hoạt động do đã thu phí cao hơn quy định, giữ lương, khấu trừ tiền ăn của người lao động cao hơn quy định. Người lao động thì than phiền chi phí tại thị trường này quá cao (5.000-6.000 USD so với chi phí theo quy định 4.500 USD, năm 2012) nhưng thu nhập lại khá thấp (dao động 8-12 triệu đồng/tháng), công việc bấp bênh.

Trót đâm lao…

Học hết cấp 3, anh Nguyễn Thanh Hùng vào TP.HCM làm công nhân được ba năm. Thu nhập bấp bênh, anh quay về quê tìm đường sang Đài Loan để đổi đời. Qua nhiều tầng “cò”, thêm gần một năm học tiếng, chờ đợi, năm 2012 anh ký hợp đồng làm việc ba năm, ngành cơ khí tại Đài Loan, với chi phí gần 150 triệu đồng. Anh ngán ngẩm: “Mấy tháng đầu còn tạm ổn nhưng sau đó công việc liên tục bị gián đoạn vì thiếu việc, tiền lương chỉ vừa đủ chi phí cho ăn uống”. Cực chẳng đã anh phải tìm công việc mới, thu nhập cao hơn để trả khoản tiền lãi ngày một tăng ở quê nhà, chẳng may bị phát hiện và bị trục xuất về nước. “Tưởng đi xuất khẩu lao động để cải thiện cuộc sống, ai dè tiền mất tật mang” - anh nói.

Chín trong số 15 công ty xuất khẩu lao động Việt Nam bị tạm dừng cung ứng lao động, tạm dừng thực hiện hợp đồng và chấn chỉnh hợp đồng đưa lao động sang  ài Loan từ ngày 20-2-2014. Nguồn: Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) 

Tương tự, chị NTT (quê Nghệ An) cũng ký được hợp đồng làm công nhân lắp ráp điện tử tại một công ty ở Đài Loan, thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/tháng. Tính hòm hòm cả năm chị gửi về gia đình khoảng 100 triệu đồng. So với chi phí bỏ ra 145 triệu đồng ban đầu để đi thì phải mất một năm rưỡi chị mới “san” được, chưa tính tiền lãi của 145 triệu đồng đã vay.

Tính ra chi phí cho mỗi bản hợp đồng làm việc tại Đài Loan có thời hạn ba năm lên tới hơn 6.000 USD trong khi chi phí theo quy định cùng thời điểm là 4.500 USD. Nhận xét về thị trường Đài Loan, đại diện một công ty xuất khẩu lao động từng có nhiều năm đưa lao động sang Đài Loan tại TP.HCM nói: “Thời gian đầu còn được, về sau chi phí hết sức lôm côm. Các công ty môi giới và doanh nghiệp nhận lao động tại Đài Loan trực tiếp làm giá, kê các khoản chi phí hết sức trời ơi khiến tôi phải bỏ thị trường này, chuyển sang thị trường khác”.

Không biết người lao động bị giữ lương nhiều ít?

Ngày 2-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Kim Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đào tạo và Cung ứng lao động-HaUi (Letco), nằm trong danh sách 15 công ty trong nước vừa bị Bộ LĐ-TB&XH “tuýt còi” , phân bua: “Thực ra không phải Letco mà trong số 100 doanh nghiệp Letco hợp tác có một doanh nghiệp Đài Loan đã giữ lương của người lao động. Việc này chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp sử dụng lao động”.

Chúng tôi đặt vấn đề bị Bộ LĐ-TB&XH “tuýt còi” 45 ngày (từ ngày 20-2 đến 6-4-2014) vì giữ lương và thu phí cao hơn quy định, công ty đã chấn chỉnh chưa, ông Sơn khẳng định: Đây là việc cần phải khắc phục, phải làm việc với chủ sử dụng lao động để họ trả lương cho người lao động, người lao động làm đến đâu trả lương đến đó. Đồng thời ông Sơn cũng cho rằng thời hạn lên đến 45 ngày nên vẫn còn nhiều thời gian thực hiện.

Vậy lương của người lao động bị giữ có nhiều không? “Chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với từng người lao động mới biết họ làm được bao nhiêu, bị giữ bao nhiêu trên căn cứ đó để làm việc với người sử dụng lao động” - ông Sơn nói.

PHONG ĐIỀN

 

Sẽ rút giấy phép hoạt động nếu không khắc phục

Trước đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Tạo, phụ trách thị trường lao động Đài Loan (Cục Quản lý Lao động ngoài nước), cho biết thực tế các công ty xuất khẩu lao động thị trường Đài Loan đã thu phí cao hơn quy định 200-500 USD.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), xác nhận: Đây là biện pháp nằm trong lộ trình chấn chỉnh hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan. Về tiến độ khắc phục các vi phạm từ các công ty cung ứng lao động ở thị trường Đài Loan, ông Quỳnh nói: “Nhiều công ty thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ, đối với các công ty cố tình dây dưa không giải quyết những phát sinh, chúng tôi sẽ có chế tài mạnh hơn như rút giấy phép hoạt động”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm