Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết Bộ Tư pháp Hàn Quốc vừa thông báo điều chỉnh một số nội dung của Quy tắc thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh.
Quy tắc sửa đổi này cho phép người lao động thời vụ E8, được gia hạn thời gian cư trú, tổng thời gian cư trú không vượt quá 8 tháng tính từ ngày nhập cảnh.
Về chương trình thí điểm đưa người lao động Việt Nam đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết đã hướng dẫn các địa phương triển khai.
Chương trình này triển khai trong 5 năm, tính ngày 1-1-2022. Trong đó nguyên tắc là hợp tác phi lợi nhuận nên UBND tỉnh hoặc cơ quan được ủy quyền trao đổi và ký kết thỏa thuận hợp tác về đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, chứ không giao cho doanh nghiệp thực hiện.
|
Người lao động Việt Nam làm công việc thời vụ tại các nông trại ở Hàn Quốc. Ảnh: CTV |
Chương trình này nhằm đến người lao động trong độ tuổi từ 30-55, cư trú dài hạn tại tỉnh có ký thỏa thuận với địa phương Hàn Quốc; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không có tiền án và không thuộc diện cấm, tạm hoãn xuất cảnh; có đủ sức khỏe để đi làm việc ở nước ngoài; đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp…
Lao động Việt Nam đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo chương trình này được trả lương theo mức lương tối thiểu hàng năm theo pháp luật của nước sở tại. Chẳng hạn, lương tối thiểu năm 2023 là 2.010.580 KRW/tháng, tương đương hơn 36 triệu đồng.
Người lao động được hưởng các chế độ về thời gian làm việc, nghỉ ngơi; điều kiện làm việc, ăn ở, sinh hoạt, bảo hiểm, chi phí khám chữa bệnh theo quy định của Hàn Quốc và được địa phương Hàn Quốc hỗ trợ một phần tiền mua vé máy bay khứ hồi...
Người lao động có trách nhiệm tuân thủ hướng dẫn của địa phương đưa đi và các quy định luật pháp nước sở tại đặc biệt về nước ngay sau khi hoàn thành hợp đồng lao động ở nước ngoài.
Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động có nhu cầu tìm hiểu thì liên hệ với Sở LĐ-TB&XH nơi cư trú, tuyệt đối không đăng ký với bất kì cá nhân tổ chức môi giới nào.
Trao đổi với PLO, bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH Đồng Tháp cho biết người lao động ở Đồng Tháp theo chương trình này này sang các huyện tại Hàn Quốc làm các công việc nghề nông như gieo trồng và thu hoạch cà chua, ớt và nhân sâm. Thời gian làm việc từ 3-5 tháng, thu nhập của người lao động khoảng 36-37 triệu đồng/tháng.
Đồng Tháp là địa phương dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về lao động xuất ngoại đi làm việc ở nước ngoài. Lao động tỉnh này chủ yếu làm việc ở các thị trường truyền thống thu hút nhiều lao động Việt Nam sang làm việc gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Ước tính nguồn thu nhập bình quân của lực lượng lao động tỉnh Đồng Tháp xuất ngoại gửi về gia đình mỗi năm hơn 1.600 tỉ đồng.