Căn nhà lá nhỏ xíu nằm kẹp giữa quốc lộ 63 và con sông Xẻo Rô (thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, Kiên Giang) của ông Danh Sóc giờ trở thành nhà kho để chứa đủ thứ đồ phế thải mà ông vớt được trên sông.
“Tụi nhỏ nói: Sông dơ quá!”
Khi tôi tìm đến nhà, ông Danh Sóc đang ngồi trong “căn nhà 134” (nhà cấp cho đồng bào thiểu số, nghèo) lui cui chuẩn bị “đồ nghề” để xuống sông đi vớt rác.
“Đồ nghề” của ông Danh Sóc có gì đâu nhiều nhặn: một chiếc xuồng ba lá cũ xì nhỏ xíu, một cây dầm và một chiếc nón sờn rách. Nhìn ánh nắng mặt trời chang chang lấp loáng mặt nước sông, tôi ái ngại: “Sao bác đi vớt rác giữa trưa như vầy, buổi sáng mát trời sao không đi, già cả rồi?”. Ông Sóc cười hề hề phô hết hàm răng chiếc còn chiếc mất: “Hồi trước một ngày tui đi hai buổi. Buổi sáng 6 giờ bơi xuồng đi đến 12 giờ về ăn cơm. Buổi chiều 2 giờ bơi đi, tới 6 giờ chiều mới bơi về. Bây giờ buổi sáng đám thanh niên trai tráng tụi nó cũng ra sông lượm lon bia, mình già rồi nên chờ tới buổi chiều tụi nó chê nắng, không đi thì mình bơi xuồng đi”.
Ông Sóc dẫn tôi qua “kho hàng” của ông để xem “chiến lợi phẩm”. Đủ thứ phế liệu do người ta vứt đi được ông vô bao cẩn thận, chất chật nhà: Củi các loại, vỏ gáo dừa thì phơi khô vô bao để dành nấu cơm nấu nước; thùng carton, chai lọ bằng nhựa, vỏ lon bia, bịch nylon… được phân loại rạch ròi từng thứ cho vô bao xếp ở một góc riêng. “Hễ thấy thứ rác gì trôi nổi trên sông là tui vớt đem về. Rác nhựa, vỏ lon bia, lon nước ngọt thì để dành nhiều nhiều chở tới vựa phế liệu bán kiếm tiền phụ con cái mua gạo ăn. Những thứ khác thì để đó, thế nào cũng có chuyện xài” - ông Sóc nói.
Ông lão vớt rác kể rằng ông sinh ra và lớn lên ngay tại thị trấn Thứ Ba, từ lúc còn nhỏ đã gắn bó với con sông Xẻo Rô, tắm táp, giặt giũ, lưới cá… đều trên con sông này. Ngày trước ông đi làm ruộng thuê khắp nơi nhưng mỗi khi về nhà đều phải nhảy ùm xuống sông ngâm nước thật lâu cho đỡ nhớ quê. Từ khi ông không còn sức đi làm thuê, ngày hai buổi sáng, chiều ngồi nhìn con sông lững lờ trôi phía sau nhà, ông Sóc bỗng nhận ra: Con sông Xẻo Rô cả đời ông gắn bó càng ngày càng nhiều rác, đủ thứ rác trôi nổi dập dềnh theo sóng nước, tấp đầy các chân nhà sàn dọc sông. “Lúc đó tui mới nhớ, con sông Xẻo Rô chảy từ Miệt Thứ ra sông Tắc Cậu, Cái Lớn, chảy qua nhiều chợ búa, xóm làng, không mang theo nhiều rác mới là lạ. Dân vùng này có thói quen thứ gì cũng quăng xuống sông. Hèn chi mấy đứa nhỏ bây giờ không đứa nào thèm xuống tắm sông, tụi nó nói nước sông dơ lắm” - ông Sóc bộc bạch.
Rác vớt về ông Sóc phân loại, vô bao cẩn thận, chờ nhiều nhiều thì bán lấy tiền phụ con cái mua gạo nấu cơm. Ảnh: HÙNG ANH
Tậu xuồng đi dọn rác
Một ngày cách nay hơn 10 năm, vợ con ông Sóc và hàng xóm thấy ông đội nón lội bộ về hướng thị trấn Thứ Ba, tới trưa thì bơi một chiếc xuồng ba lá nhỏ về cột dưới bến sông sau nhà, mặt mày tươi roi rói. Ai hỏi mua chiếc xuồng làm gì, ông đáp tỉnh queo: “Mua xuồng đi vớt rác”. Cả xóm cười, tưởng ông nói đùa cho vui nhưng hôm sau mới sáng sớm đã thấy ông lịch kịch khua dầm đi dài dài theo sông Xẻo Rô về hướng chợ thị trấn Thứ Ba, len lỏi dưới chân các ngôi nhà sàn ven sông. Đụng thứ rác gì trôi nổi trên mặt nước ông cũng vớt bỏ lên xuồng. Xuồng đầy rác, ông Sóc hối hả bơi về đem chất đống trong căn nhà nhỏ, rồi lại tất bật bơi xuồng đi vớt tiếp. Lúc đầu nhiều người còn nói: Ông già cả lẩm cẩm hoặc… “bị khùng”. Nhưng lâu ngày, họ thấy ông Sóc chở mớ rác thải vớt được ra vựa phế liệu bán lấy tiền nên chẳng ai nói tới nói lui nữa. “Người ngày càng đông nên rác cũng nhiều theo, tui đi vớt rác hơn 10 năm nay mà con sông không khi nào hết rác, trái lại mỗi ngày một nhiều hơn. Rác nhiều tới nỗi thấy tui “làm ăn được”, bán phế liệu có tiền ra tiền vô, mấy đứa thanh niên trai tráng trong xóm cũng sắm xuồng “cạnh tranh” với tui. Nhưng tụi nó chỉ vớt những thứ bán có tiền, còn mấy thứ rác rến không bán được tụi nó đâu thèm vớt” - ông Sóc nói.
“Con sông này là quê tui mà”
Tôi xin theo ông Sóc đi vớt rác trên sông nhưng ông xua tay: “Không phải tui tiếc gì với chú nhưng ngặt một điều chiếc xuồng của tui nhỏ xíu, chú mà bước xuống thì chắc nó… chìm nghỉm”. Ông Sóc một tay cầm chiếc dầm nhỏ bơi xuồng dọc bờ sông, tay kia nhanh nhẹn chộp lấy các thứ rác trôi dập dềnh trên sóng nước, lâu lâu lại dừng tay vớt rác để cầm lấy miếng nhựa mỏng tát nước rò rỉ vô xuồng. Mỗi lần nghe tiếng máy tàu, máy ghe chạy tới gần là ông Sóc dừng tay, cho chiếc xuồng nhỏ tấp vô một chân nhà sàn, tay ôm chặt thân cột chờ cho hết sóng lớn mới tiếp tục công việc.
Dù chủ động né tàu lớn nhưng ông Sóc cũng không tránh khỏi tai nạn chìm xuồng. Hồi đầu năm 2010, trong lúc ông Sóc đang lui cui bơi xuồng thì một chiếc tàu đánh cá lù lù chạy tới. Như thường lệ, ông Sóc tấp xuồng vô bờ. Chiếc tàu đánh cá chạy qua nhưng chạy tới chỗ ông Sóc thì nó lại quay mũi lủi thẳng vô bờ. Thấy chiếc tàu đánh cá khổng lồ đâm thẳng vào chiếc xuồng vớt rác nhỏ xíu, ông Sóc luýnh quýnh. Chẳng đặng đừng, ông Sóc vội vàng nhảy xuống sông để thoát thân, còn chiếc xuồng vớt rác thân thương của ông bị chiếc tàu đánh cá đụng bể nát, chìm mất tăm.
Sau tai nạn đó, chủ tàu bồi thường cho ông 500.000 đồng để mua chiếc xuồng mới tiếp tục đi vớt rác, còn bà con lối xóm thì khuyên ông đừng bơi xuồng ra giữa sông nữa. “Nhưng tui có kinh nghiệm rồi chú, bây giờ thấy tàu đánh cá hoặc tàu cao tốc chạy tới là tui lủi xuồng vô chân nhà sàn núp cho chắc ăn” - ông Sóc lại cười hề hề.
Ông Sóc nói ông chẳng biết bảo vệ môi trường là gì nhưng ông vớt rác trên sông chỉ vì không đành lòng nhìn con sông Xẻo Rô thân thương mà ông gắn bó cả đời ngày càng dơ bẩn chứ không phải chỉ là đi vớt đồ bán ve chai.
Đi xem ông Sóc vớt rác suốt một buổi chiều, tôi chợt nhận ra một điều thú vị: Ở thị trấn Thứ Ba đã có vài gia đình bỏ thói quen quăng rác xuống sông. Họ bỏ rác vô bao cẩn thận, chờ ông Sóc bơi xuồng ngang qua là kêu lại. Ánh nắng gắt chói chang soi bóng ông lão cùng chiếc xuồng lung linh trên mặt sông…
HÙNG ANH