Duerden từng đi nhiều ở các nước châu Á và Đông Nam Á, đến Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG, Hà Nội, PVF tìm hiểu. Ông cũng sang Hàn Quốc xem tuyển U-20 Việt Nam tham dự U-20 World Cup. Duerden lấy chất liệu này để “dạy” bóng đá trẻ Singapore về mô hình phát triển (!?).
Duerden viết rằng chính sách đào tạo trẻ ở Việt Nam rất bài bản và thành quả ban đầu là đội trẻ quốc gia có mặt tại World Cup. Năm 2007, HA Gia Lai hợp tác đào tạo với CLB Anh Arsenal giúp lứa cầu thủ khóa 1 trở thành hạt nhân của bóng đá Việt Nam. Những cái tên như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn… đã làm nên nhiều trận cầu sôi động ở giải trong nước và HA Gia Lai góp quân áp đảo cho các đội tuyển quốc gia.
Cầu thủ trẻ Việt Nam vừa dự U-20 World Cup gom góp từ nhiều lò đào tạo khác nhau. Ảnh: ANH NHẬT
HA Gia Lai vẫn tiếp tục mô hình đào tạo này, ngoài những cầu thủ khóa 1 thì các khóa sau đều hứa hẹn mang lại nhiều tài năng trẻ. Bên cạnh đó, ba trung tâm đào tạo trẻ khác là Hà Nội, Viettel và PVF đều cho ra những cầu thủ giỏi giúp quân vào rất nhiều đội tuyển trẻ quốc gia.
Duerden so sánh sự phát triển bóng đá trẻ ở Việt Nam tiếp cận với lối ra tốt hơn ở Singapore. Ở đảo quốc này cũng có học viện bóng đá nhưng lại không gắn liền với các CLB, làm cầu thủ ít có cơ hội dự các giải quốc gia để tiến bộ. Việt Nam ngược lại, với các lò đào tạo có đầu ra CLB thi đấu giải trong nước và quốc tế giúp cầu thủ trưởng thành rất nhanh.
Ngoài học viện của HA Gia Lai, cầu thủ xuất thân từ các lò khác như Hà Đức Chinh, Minh Dĩ, Tiến Dụng, Quang Hải, Trọng Đại,… cũng có đất dụng võ. Điều này khác với Singapore có nhiều CLB mua cầu thủ từ các học viện nhưng rất khó thành công vì ít chơi cùng nhau qua nhiều giải.
Nhà báo thể thao John Duerden kết luận Singapore nên học hỏi mô hình phát triển bóng đá trẻ theo kiểu của Việt Nam sẽ dễ phát triển hơn cách xây dựng những học viện biệt lập.