Lấy tàu lặn Mỹ, Trung Quốc sai ba điều

Sau sự kiện tàu Trung Quốc thu giữ tàu lặn không người lái của tàu khảo sát hải dương Mỹ USNS Bowditch hôm 15-12, hai nhà nghiên cứu James Kraska và Raul “Pete” Pedrozo (*) khẳng định Trung Quốc đã vi phạm ba quy phạm trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và các điều ước khác.

Đầu tiên, tàu lặn không người lái là tàu Mỹ. Hành vi chiếm đoạt tàu lặn chứng tỏ ý chí công nhiên đánh cắp tài sản đang hoạt động hợp pháp trên biển.

Kế đến, tàu lặn Mỹ được hưởng quyền miễn trừ quốc gia. Không có quốc gia nước ngoài nào có thể áp đặt quyền tài phán.

Cuối cùng, hành vi chiếm đoạt tàu lặn là bằng chứng cho thấy ý đồ của Trung Quốc muốn quấy rối tự do trên biển cả của Mỹ.

1. Trung Quốc chiếm đoạt tàu Mỹ

Công ước London về ngăn ngừa ô nhiễm biển do nhận chìm chất thải và các vật khác 1972 đã định nghĩa “tàu” là các phương tiện giao thông vận tải trên mặt nước và trên không thuộc bất kỳ loại nào.

Nghị định thư 1996 về Công ước London 1972 giải thích “tàu” là các phương tiện đường thủy và các thiết bị đi kèm.

Quy tắc Phòng ngừa va chạm tàu thuyền trên biển 1972 xác định “tàu” là các phương tiện giao thông vận tải trên mặt nước, kể cả loại không có lượng chiếm nước, tàu đệm khí, thủy phi cơ…

Các định nghĩa nêu trên bao gồm các công cụ và thiết bị hàng hải tự hành và ngay cả tự hủy.

Như vậy tàu lặn không người lái của Mỹ phải được gọi chính xác là “tàu”.

Các đặc tính có hay không có người lái, kích thước, thể loại, tính năng, độ bền, vai trò kiểm soát của con người đều không được xem là yếu tố để xác định thế nào là “tàu”.

Một loại tàu lặn không người lái khảo sát đại dương của Mỹ. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

2. Trung Quốc vi phạm quyền miễn trừ quốc gia của Mỹ

Tàu lặn không người lái cũng như có người lái chỉ phục vụ cho chính phủ và không phục vụ thương mại đều được hưởng quyền miễn trừ quốc gia.

Tình trạng pháp lý của tàu lặn không cần phụ thuộc vào tình trạng của tàu thuyền, tàu ngầm hay máy bay đã triển khai tàu lặn.

UNCLOS quy định với quyền miễn trừ quốc gia, tàu lặn không người lái quân sự được miễn trừ với quyền tài phán của mọi quốc gia, trừ quốc gia mà tàu đăng ký.

Tàu lặn của tàu USNS Bowditch đang tham gia hoạt động quân sự. “Hoạt động quân sự” bao gồm nhiều hoạt động như hoạt động của tàu thông thường hay phương tiện bay, diễn tập, phóng và thu hồi thiết bị quân sự, tình báo, giám sát và do thám, thử nghiệm vũ khí và đạn dược, thu thập dữ liệu hàng hải quân sự và đo đạc thủy văn.

UNCLOS cũng đã định nghĩa “tàu chiến” là tàu thuyền thuộc lực lượng vũ trang của một quốc gia, mang các dấu hiệu bên ngoài đặc trưng của tàu thuyền quân sự thuộc quốc tịch nước đó, dưới sự chỉ huy của một sĩ quan hải quân phục vụ chính phủ quốc gia đó, người chỉ huy này có tên trong danh sách các sĩ quan hay trong một tài liệu tương đương và thủy thủ đoàn phải tuân theo các điều lệnh kỷ luật quân sự.

Tàu lặn không người lái của Mỹ thuộc quyền chỉ huy của một sĩ quan nhưng lại không thuộc thủy thủ đoàn, vậy không được xem là “tàu chiến”. Tuy nhiên, tàu lặn Mỹ vẫn được hưởng quyền miễn trừ quốc gia vì thuộc về chính phủ và chỉ phục vụ cho các mục đích phi thương mại.

3. Trung Quốc can thiệp vào quyền tự do trên biển cả của Mỹ

Tàu Trung Quốc thu giữ tàu lặn không người lái của Mỹ trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, khu vực mà Trung Quốc và Mỹ đều có quyền tự do hàng hải.

UNCLOS quy định mọi tàu thuyền và máy bay, bao gồm các hệ thống không người lái đều được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không cùng với quyền tự do sử dụng biển vào các mục đích hợp pháp khác.

Tự do trên biển cả bao gồm quyền thực hiện các hoạt động quân sự như đã nêu bởi UNCLOS đã quy định về các quyền tự do mà mọi quốc gia đều được hưởng trong vùng đặc quyền về kinh tế.

UNCLOS chỉ hạn chế điều duy nhất là các hoạt động ấy phải được tiến hành có tính đến các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác cũng như bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền và phương tiện bay khác.

Khi thu giữ tàu lặn không người lái của Mỹ, Trung Quốc đã không tôn trọng nguyên tắc tính đến an toàn hàng hải.

GS Julian Ku ở Trường Luật Maurice A. Deane (ĐH Hofstra, Mỹ) khẳng định hành động thu giữ tàu lặn không người lái Mỹ của Trung Quốc không có căn cứ pháp lý nào hết.

Tàu USNS Bowditch của Mỹ thả tàu lặn cách vịnh Subic (Philippines) 50 hải lý, tức ngoài lãnh hải Philippines nhưng trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Trong vùng này Trung Quốc không có quyền tài phán. Thế nhưng vị trí tàu lặn nằm trong 200 hải lý của bãi cạn Scarborough đang tranh chấp và Trung Quốc cho rằng như vậy tàu lặn đang trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

Lập luận này không có cơ sở vì phán quyết của tòa trọng tài đã kết luận bãi cạn Scarborough chỉ là đá và chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lý. Giả định bỏ qua phán quyết trọng tài và chấp nhận tàu lặn Mỹ nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc yêu sách, Trung Quốc cũng không có cơ sở pháp lý để thu giữ tàu lặn. Lý do vì UNCLOS quy định tàu chiến có thể tiến hành bất cứ hoạt động nào trong vùng đặc quyền kinh tế.

Dù vậy, từ lâu Trung Quốc khăng khăng cho rằng có quyền hạn chế và giám sát hoạt động quân sự nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế. Giả định Trung Quốc có quyền này thì cũng không thể viện cớ tịch thu tàu lặn Mỹ bởi tàu lặn chỉ thu thập dữ liệu hải dương chứ không phải vũ khí.

____________________________________

Nếu nghi ngờ tàu lặn Mỹ đang do thám quân sự, hành động đúng đắn nhất của Trung Quốc là phát cảnh báo với tàu Mỹ và yêu cầu ngừng do thám hay rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc (giả định). Điều 32 của UNCLOS quy định về các quyền miễn trừ của các tàu chiến và các tàu khác của nhà nước dùng vào các mục đích không thương mại. Quyền miễn trừ được áp dụng ngay cả trong lãnh hải Trung Quốc.

GS JULIAN KU ở Trường Luật Maurice A. Deane (ĐH Hofstra)

___________________

(*) GS James Kraska làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu luật quốc tế Stockton (ĐH Chiến tranh hải quân Mỹ), thành viên danh dự của Viện Nghiên cứu luật biển (Trường Luật ĐH California) và nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Luật và Chính sách đại dương (Trường Luật ĐH Virginia). Raul “Pete” Pedrozo là phó cố vấn trưởng cho Cơ quan Tìm kiếm người Mỹ mất tích (DPAA). Trước đó, ông là giáo sư luật quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu luật quốc tế Stockton.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm