Tổng thống đắc cử Donald Trump đã viết trên Twitter bày tỏ thái độ bất bình với việc tàu hải quân ASR-510 của Trung Quốc (TQ) thu giữ tàu lặn không người lái của tàu USNS Bowditch trong hải phận quốc tế trên biển Đông hôm 15-12.
Qua sự cố này, tạp chí The Diplomat (Nhật) đã đưa ra bốn điểm phân tích như sau:
Chưa từng có tiền lệ: Sự cố này gợi nhớ hai sự cố tiêu biểu đã xảy ra. Ngày 1-4-2001, một máy bay do thám Lockheed EP-3 của hải quân Mỹ va chạm với một chiếc Shenyang J-8 của TQ và phải hạ cánh khẩn cấp xuống Hải Nam. Đến ngày 8-3-2009, năm tàu TQ đã quấy rối bằng cách áp sát tàu USNS Impeccable của Mỹ cách đảo Hải Nam 70 hải lý.
Tuy nhiên, đến nay chưa có sự cố nào như thế xảy ra trong thời kỳ quá độ của tổng thống Mỹ như lần này.
Để ngăn chặn nguy cơ leo thang căng thẳng nguy hiểm, Mỹ và TQ đã nhất trí các cơ chế đa phương và song phương như Quy tắc ứng xử cho các chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES). Do đó, sự cố mới xảy ra đã làm phương hại nghiêm trọng đến các bản ghi nhớ đã được hải quân hai nước ký kết.
Tàu lặn nghiên cứu hải dương Mỹ tương tự loại bị tàu Trung Quốc thu giữ. Ảnh: AP
Hành vi bất hợp pháp: Sự cố thu giữ tàu lặn không người lái của Mỹ là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế về quyền miễn trừ quốc gia và vi phạm quyền tự do hàng hải của tàu USNS Bowditch theo Công ước LHQ về Luật Biển.
Sự cố này xảy ra chưa đầy sáu tháng sau khi Tòa Trọng tài phán quyết “đường chín đoạn” của TQ trên biển Đông không có cơ sở pháp lý. Hành vi thu giữ tàu lặn không người lái chẳng khác gì ăn cắp tài sản và có thể kích động các nước tranh chấp ở biển Đông phản ứng mạnh mẽ.
Phép thử đối với ông Trump: Sự cố này có thể là phép thử đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump sau khi ông Trump điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan, đồng thời chỉ trích TQ về kinh tế và an ninh. Với phép thử này, TQ cũng muốn biết xem phản ứng của ông Trump như thế nào.
Ngoài ra còn có hai nguyên do giải thích sự cố mới xảy ra. Ngày 14-12, tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á đã công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy TQ đã bố trí pháo phòng không trên các đảo nhân tạo ở biển Đông.
Cùng lúc đó, Đô đốc Harry Harris, tư lệnh bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, đã chỉ trích TQ trên diễn đàn ở Úc.
Ít có khả năng tàu TQ thu giữ tàu lặn không người lái của Mỹ do vô ý hay đây là việc làm tùy tiện không được phép cấp trên.
Đánh cắp công nghệ: Cơ hội để thu thập công nghệ từ thiết bị lặn không người lái của Mỹ thực ra không nhiều vì nhiều lý do.
Đầu tiên, TQ đã đạt được nhiều thành tựu khá ấn tượng về công nghệ tàu lặn không người lái. Kế đến, tàu lặn không người lái của Mỹ sử dụng các công cụ không có gì bí mật để thu thập dữ liệu. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn sẽ không bỏ qua cơ hội khi có dịp để nghiên cứu về công nghệ của tàu lặn Mỹ.
Tối 17-12, người phát ngôn Bộ Quốc phòng TQ tuyên bố TQ quyết định trả lại Mỹ tàu lặn không người lái theo cách thích hợp. Người phát ngôn biện luận chiều 15-12, tàu cứu nạn tàu ngầm TQ đã định vị được “một thiết bị chưa nhận dạng” ở biển Đông, để tránh thiết bị này phá hoại an toàn hàng hải và tàu bè qua lại khu vực nên tàu TQ phải thu giữ để kiểm tra. Sau khi kiểm tra mới biết đó là tàu lặn không người lái của Mỹ nên TQ trả lại. Người phát ngôn đổ lỗi lâu nay quân đội Mỹ vẫn thường đưa tàu và máy bay để trinh sát và đo đạc quân sự trong vùng biển. TQ _________________________________ Chúng tôi muốn nói với TQ rằng chúng tôi không muốn tàu lặn mà họ đã ăn cắp của chúng tôi. Hãy giữ lấy đi! Tổng thống đắc cử DONALD TRUMP |