Lễ hội còn tràn lan, tranh cướp phản cảm

Báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 Bộ VH-TT&DL đã chỉ ra một số địa phương vẫn tổ chức hội chọi trâu, có biểu hiện phục dựng lễ hội một cách tràn lan, lợi dụng lễ hội để trục lợi.

Khai mạc xong là cướp lộc

Theo báo cáo, yếu tố bạo lực tại một số lễ hội vẫn còn, vẫn xảy ra các hiện tượng mang tính phản cảm trong lễ hội, hiện tượng chen lấn, xô đẩy, buôn thần bán thánh, ăn mặc phản cảm... trong lễ hội gây bức xúc trong dư luận xã hội. Điển hình như hiện tượng chen lấn, xô đẩy, lén lút đổi tiền lẻ, ăn xin, ép giá tại đền Trần (Nam Định); tranh cướp tại lễ hội Gióng (Hà Nội); tục rước Tàng Thinh tại lễ hội Ná Nhèm, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn); tình trạng khấn thuê đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Kiếp Bạc (Hải Dương), đền Liễu Hạnh (Quảng Bình)…

Nói thêm về hạn chế của lễ hội, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL, cũng phản ánh thực tế một số lễ hội phục dựng lại nhưng có hình ảnh phản cảm. Có lễ hội ở lễ khai hội rất thiêng liêng, nghiêm trang, bố trí vài ngàn cán bộ bảo vệ nhưng cứ khai mạc xong là các lộc thờ bị cướp lấy ngay.

Cũng theo ông Phúc, chỉ thị của trung ương đề cập đến tinh thần làm gương của các lãnh đạo nhưng điều này chưa được họ thể hiện. Ngoài ra, ở các lễ hội chọi trâu thì trâu đang chọi mà ngoài đường bày đầy thịt trâu với giá trên trời. Ông Phúc cũng thừa nhận có hiện tượng dùng những tên khác để lách và tổ chức hội chọi trâu.

Ông Phúc cũng đề xuất cần chỉ đạo dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội.

Hình ảnh phản cảm tại lễ hội phết ở xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, Phú Thọ. Ảnh: PHI HÙNG

Không cấp phép để lễ hội tràn lan

Đóng góp cho công tác tổ chức lễ hội, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Lê Thị Minh Lý cho rằng lễ hội của chúng ta bị gián đoạn, đứt quãng về mặt văn hóa trong thời gian rất dài, ít nhất từ năm 1945 đến 1960 nên tạo nhiều lỗ hổng mà chúng ta đang phải đối mặt, sửa chữa. Các giá trị chưa được nhận diện đầy đủ, ví dụ như chuyện tổ chức chém heo là do cộng đồng tổ chức. Vì vậy, theo bà Lý, cần phải biết cách đối thoại thì cộng đồng sẽ tự động rút lui.

Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn hiện tượng thương mại hóa lễ hội. Thương mại hóa ở đây là làm biến tướng, làm mất ý nghĩa lễ hội. “Thương mại hóa nguy hiểm ở chỗ làm mất giá trị văn hóa. Đó là cái phải tuyệt đối ngăn chặn và cần quản lý thật tốt. Chúng ta là quản lý nhà nước, phải khắc phục điểm này, không cấp phép để lễ hội tràn lan. Đây là một trong những hạn chế cũng phải nói rằng khá phổ biến chứ không phải cá biệt” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng đồng tình với một số tồn tại của lễ hội đã được hội nghị nêu ra như vẫn còn duy trì những tập tục chứa đựng yếu tố bạo lực, tranh cướp và đặt ra yêu cầu: “Cái gì nói xấu phải làm cho bớt xấu đi, phản cảm thì làm cho bớt phản cảm đi”.

Cán bộ đảng viên, công chức chưa gương mẫu

“Ý thức thực hiện nếp sống văn minh, chấp hành pháp luật còn hạn chế, trong đó có cả một bộ phận cán bộ đảng viên, công chức, viên chức thiếu tính gương mẫu, thiếu tự giác làm gương khi tham gia lễ hội. Một số người tham gia lễ hội chỉ chú trọng mục đích cầu danh lợi mà ít chú ý tới giá trị nhân văn của lễ hội” - báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL).

Đừng tổng kết lễ hội theo kiểu “xuân thu nhị kỳ”

Kỳ nào Quốc hội cũng chất vấn Bộ: Nào là lễ hội tràn lan, phô trương hình thức, tốn kém, phản cảm, gây bạo lực… Nhưng sau hội nghị này chúng ta mang lại kết quả gì? Kỳ vọng của hội nghị là gì? Chúng ta làm được cái gì cho lễ hội tiến bộ hơn năm cũ?… đừng tổ chức hội nghị theo kiểu xuân thu nhị kỳ, tổng kết khen thưởng rồi đâu vào đấy.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm