Sáng 20-2, thông tin với PLO, nguồn tin từ UBND huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ cho biết, lễ hội Phết Hiền Quan 2024 sẽ tiếp tục dừng nội dung cướp phết.
Năm thứ 6 dừng cướp phết
Từ đầu năm 2024, xã Hiền Quan đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội Phết 2024. Trong đó có các hoạt động phần lễ, phần hội, diễn ra trong hai ngày, 12 và 13 tháng Giêng.
Sau khi xem xét, UBND huyện Tam Nông đồng ý việc tổ chức các hoạt động tại lễ hội Phết Hiền Quan 2024 như kế hoạch xã Hiền Quan xây dựng. Tuy nhiên, phần cướp phết tiếp tục tạm dừng, không tổ chức.
Lý do dừng cướp phết là phương án tổ chức chưa cụ thể, các điều kiện về cơ sở vật chất, sân đánh phết chưa đảm bảo an toàn cho việc cướp phết và người tham gia lễ hội.
UBND huyện Tam Nông đề nghị xã Hiền Quan tập trung tổ chức tốt phần lễ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao như kế hoạch đã xây dựng.
Đây là năm thứ sáu liên tiếp lễ hội Phết Hiền Quan tạm dừng cướp phết. Năm đầu tiên là 2019, phần đánh phết được diễn ra vài phút và bị “vỡ trận” nên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ buộc phải tạm dừng.
Những năm sau đó, phần vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, phần vì không đảm bảo các điều kiện, không có ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nên tiếp tục tạm dừng.
Từng bị cho là phản cảm
Lễ hội cướp Phết Hiền Quan nhằm tôn vinh công lao và tưởng nhớ Thiều Hoa công chúa - một nữ tướng có công chiêu mộ binh sĩ, xả thân giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Hán. Và nội dung cướp phết là phần được người dân mong đợi nhất trong lễ hội.
Màn cướp phết diễn tả lại cảnh tập võ nghệ đầy khí thế, hào hùng trong cả suốt quá trình dựng và giữ nước của dân tộc. Đồng thời phản ánh triết lý “Sinh vi danh tướng, tử vi thần" (có nghĩa là sống là danh tướng đánh giặc cứu nước, chết đi được tôn thành thần).
Theo phong tục địa phương, ban tổ chức sẽ chuẩn bị các quả phết và quả chúi, các quả này được tung ra lần lượt tại một bãi đất trống ngoài đồng cho tất cả mọi người tham dự lễ hội có cơ hội giành lấy.
Người dân quan niệm, nếu ai cướp hoặc động được vào quả phết sẽ mang lại may mắn trong cả năm. Do đó, mỗi dịp diễn ra lễ hội có rất đông người đổ về tham gia cướp phết.
Vì số lượng người tham dự quá đông và có nhiều hình ảnh bị cho là phản cảm nên từ năm 2019, phần cướp phết bị tạm dừng.
Nữ tướng Thiều Hoa sinh ngày mùng 2 tháng Giêng năm Quý Tỵ trong một gia đình nghèo ở Động Lăng Xương, huyện Thanh Chương, xứ Hưng Hóa (nay là huyện Thanh Thủy). Sau khi cha mẹ qua đời bà quyết định dời động Lăng Xương đi tìm cảnh giới Phật, làm nữ tu hành.
Qua nhiều nơi, bà chọn chùa Phúc Khánh, làng Song Quan (đình Hiền Quan hiện nay) làm điểm dừng cuối cùng. Khi đất nước bị xâm chiếm, bà đến ứng nghĩa dưới là cờ của Hai Bà Trưng. Thiều Hoa nhiều lần xông pha ra chiến trường đánh giặc Hán và đều toàn thắng trở về. Bà được Hai Bà Trưng phong cho là Đông Cung Công chúa. Sau khi bà mất, dân làng lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn của bà.