Ngày 1-6 (giờ địa phương), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo xung đột Nga - Ukraine hiện nay có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, mà các nước đang phát triển sẽ phải chịu tác động nặng nề nhất, theo đài RT. Ông so sánh đây như “một cơn bão” đe dọa phá hủy kinh tế của nhiều nước dễ tổn thương.
Khủng hoảng có thể bùng phát vào năm sau
Theo tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), giá lương thực, đặc biệt là giá lúa mì, đang tăng đến mức kỷ lục trong gần hai tháng qua. Các nước xuất khẩu lớn mặt hàng này như Nga, Kazakhstan và Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu để bảo vệ thị trường nội địa, trong khi nguồn cung của Ukraine đang bị gián đoạn do chiến tranh. Các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga cũng ảnh hưởng đến nguồn cung cũng như giá phân bón. Những yếu tố đó cộng lại đang đẩy giá lúa mì lên, gia tăng rủi ro mất an ninh lương thực trên toàn cầu.
Nga và Ukraine trước nay cung cấp khoảng 30% nhu cầu lúa mì toàn cầu. Ukraine từng được cho là “vựa bánh mì của thế giới” với 4,5 triệu tấn nông sản xuất khẩu mỗi tháng qua các cảng biển. Nga là một trong những nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới, đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân ure, NPK, amoni nitrat, đứng thứ ba về xuất khẩu kali và đứng thứ tư về xuất khẩu phosphat.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thụy Sĩ mới đây, Tổng giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) Achim Steiner cho biết LHQ ước tính đến tháng 5 thế giới có hơn 200 triệu người phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Đáng lo ngại hơn, con số này sẽ còn tăng lên trong tương lai gần.
Còn theo Phó Giám đốc Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) Maurizio Martina, số người trên thế giới phải đối mặt với nạn đói cấp tính sẽ tăng thêm 18 triệu người do cuộc xung đột Nga - Ukraine. Theo ông, các rủi ro đối với nguồn cung ngũ cốc toàn cầu đã trở nên đáng báo động, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, khi 36 trong số các nước bị khủng hoảng lương thực hiện nay vốn trước đây là khách hàng mua hơn 10% lượng lúa mì của Nga và Ukraine. Thị trường lúa mì nhiều nước còn phụ thuộc tới 50% lượng lúa mì từ các nước này.
|
Hình ảnh một cửa hàng không có hàng để bán ở thủ đô Kiev (Ukraine) hồi tháng 4. |
Trong khi đó, Giám đốc điều hành của công ty phân tích thị trường thực phẩm Gro Intelligence (Mỹ) - bà Sara Menker cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu báo động chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo tính toán của bà thì cuộc khủng hoảng thiếu hụt lương thực quy mô lớn có thể xảy ra sớm nhất là vào mùa đông năm 2023.
Cần giải pháp nhanh chóng, kịp thời
Để ngăn chặn kịch bản xấu nhất diễn ra, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng cần phải có “hành động nhanh chóng và dứt khoát”. Các biện pháp được đưa ra bao gồm dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu, phân bổ thặng dư và dự trữ đủ cho những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, đồng thời giải quyết vấn đề tăng giá lương thực để thị trường bình ổn.
“Nhưng tôi xin nói thẳng, không có giải pháp hữu hiệu nào cho cuộc khủng hoảng lương thực bằng việc tái khởi động hoạt động xuất khẩu lương thực từ Ukraine, cũng như thực phẩm và phân bón do Nga sản xuất vào thị trường thế giới” - ông Guterres nói.
Nhà lãnh đạo LHQ cũng nhấn mạnh rằng tổ chức này sẵn sàng làm mọi cách để thúc đẩy các bên đối thoại về an ninh lương thực. Hiện có hai nhóm chuyên trách vấn đề này do Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) và cơ quan Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) phụ trách. Cả hai đang nỗ lực để đảm bảo đạt được một “thỏa thuận trọn gói” để hồi sinh hoạt động “xuất khẩu an toàn” thực phẩm của Ukraine, cũng như hoạt động vận chuyển lương thực và phân bón của Nga đến thị trường toàn cầu qua đường biển Đen, đặc biệt là đến các nước đang phát triển.
Tổng thư ký của UNCTAD là bà Rebecca Greenspan trong tuần này cũng đã có chuyến thăm Nga để thảo luận tìm kiếm giải pháp dỡ bỏ các rào cản đang tồn tại để lúa mì và phân bón của Nga có thể trở lại các thị trường trên thế giới. UNCTAD cũng làm việc song song với Mỹ về vấn đề này. Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield đã lên tiếng ủng hộ động thái của UNCTAD.
Điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 28-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng Nga sẵn sàng xuất khẩu phân bón cũng như các mặt hàng nông sản khác, với điều kiện phương Tây dỡ bỏ một số trừng phạt nhằm vào nước này, theo hãng tin Reuters.
Ông Putin cũng nói Nga sẽ đảm bảo khôi phục xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine trên biển Đen. Theo thông tin từ phía Nga, cho đến gần đây, việc xuất khẩu như vậy là không thể do Ukraine đặt mìn trên biển. Tuy nhiên, hải quân Nga đã mở được hai hành lang cho các tàu dân sự, một ở biển Đen và một qua biển Azov.•
Ngân hàng hạt giống của Ukraine có nguy cơ bị phá hủy
Hãng tin Reuters này 1-6 cho biết Ngân hàng Hạt giống quốc gia Ukraine (PGRU) - nơi gần 2.000 mã di truyền của các giống cây trồng được bảo quản, đang đứng trước nguy cơ bị phá hủy hoàn toàn vì xung đột Nga - Ukraine. Rủi ro trên được đặc biệt chú ý vào đầu tháng này khi một cơ sở nghiên cứu gần PGRU bị tàn phá, theo Crop Trust, tổ chức phi lợi nhuận do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) thành lập.
“Ngân hàng hạt giống như một loại bảo hiểm nhân thọ đối với nhân loại. Chúng cung cấp nguyên liệu thô để lai tạo ra các giống cây trồng mới có khả năng chống chịu hạn hán, sâu bọ và dịch bệnh mới nổi, cũng như nhiệt độ gia tăng. Sẽ là một mất mát to lớn nếu ngân hàng hạt giống Ukraine bị phá hủy” - theo Giám đốc điều hành Crop Trust - ông Stefan Schmitz.