Điều gì có thể xảy ra với Nga nếu Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO?

(PLO)- Việc Phần Lan và Thụy Điển quyết định gia nhập NATO có thể sẽ làm phức tạp việc lập kế hoạch quân sự của Nga, đặc biệt là khi tiến hành các hoạt động quân sự tấn công nhằm vào các nước NATO ở đông bắc châu Âu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tháng 5, Phần Lan và Thụy Điển cùng nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một động thái lịch sử được thúc đẩy từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Việc hai nước Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ chấm dứt nhiều thập niên không liên kết quân sự chính thức của họ và sắp xếp lại môi trường an ninh ở Bắc Âu.

Các quan sát viên OSCE gặp gỡ các thành viên của lữ đoàn Thụy Điển-Phần Lan trong một cuộc tập trận ở NaUy hồi tháng 3-2022. Ảnh: Finnish Defense Forces

Các quan sát viên OSCE gặp gỡ các thành viên của lữ đoàn Thụy Điển-Phần Lan trong một cuộc tập trận ở NaUy hồi tháng 3-2022. Ảnh: Finnish Defense Forces

“Việc Phần Lan và Thụy Điển khả năng trở thành thành viên NATO có thể sẽ làm phức tạp việc lập kế hoạch quân sự với Nga, đặc biệt là khi tiến hành các hoạt động quân sự tấn công nhằm vào các nước NATO ở đông bắc châu Âu” – chuyên gia John Deni tại Trung tâm Scowcroft thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Atlantic (Mỹ) nhận định. Ông Deni còn là giáo sư tại Viện nghiên cứu chiến lược của Đại học chiến tranh Lục quân Mỹ.

Việc kết nạp Phần Lan sẽ làm tăng gấp đôi đường biên giới trên bộ của NATO với Nga từ 1.207 km lên 2.575 km, đồng thời mở rộng ranh giới giữa NATO với bán đảo Kola vốn là phần quan trọng trong kiến trúc an ninh của Nga và là khu vực Moscow coi là pháo đài quân sự.

Nơi tập trung vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới

Bán đảo Kola là nơi tập trung vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Từ bán đảo Kola có thể tiếp cận biển Barent và Biển Bắc, và là nơi duy nhất có cảng biển của Nga tại Bắc Cực mà không có băng quanh năm.

Tàu ngầm lớp Kilo Kaluga của Nga nổi lên trong lễ duyệt binh Ngày Hải quân ở Severomorsk năm 2014. Ảnh: Sasha Mordovets/Getty Images

Tàu ngầm lớp Kilo Kaluga của Nga nổi lên trong lễ duyệt binh Ngày Hải quân ở Severomorsk năm 2014. Ảnh: Sasha Mordovets/Getty Images

Bán đảo Kola là nơi đóng quân của Hạm đội phương Bắc của Nga – lực lượng sở hữu phần lớn tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này. Hạm đội phương Bắc là thành phần quan trọng trong bộ ba hạt nhân của Nga.

Năm 2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nâng Hạm đội phương Bắc lên thành một quân khu hành chính-quân sự độc lập ngang với bốn quân khu khác của Nga – Tây, Nam, Trung và Đông. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của bán đảo Kola đối với Moscow.

Bán đảo Kola có nhiều căn cứ và cơ sở quân sự hỗ trợ Hạm đội phương Bắc và đóng vai trò là nơi đóng quân cho các hoạt động của lực lượng này ở vùng cao phía bắc. Các quan chức NATO từng nói nơi đây là trọng tâm trong phòng thủ của Nga.

Khí tài đáng gờm nhất của Hạm đội phương Bắc là 20 tàu ngầm đang hoạt động với nhiều chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân. Rường cột chính là các tàu ngầm lớp Borei và lớp Yasen thế hệ thứ tư.

Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Borei là một trong những tàu ngầm mới nhất của Nga, mỗi chiếc có thể mang 16 tên lửa đạn đạo và lên tới 96 đầu đạn hạt nhân. Hai tàu ngầm lớp Borei được triển khai cùng Hạm đội phương Bắc và thêm ba chiếc nữa đang được chế tạo và sẽ gia nhập hạm đội này trong vòng 10 năm.

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Yasen Kazan của Hạm đội phương Bắc Nga tại cảng nhà ở Severomorsk năm 2021. Ảnh: Lev Fedoseyev/TASS/Getty Images

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Yasen Kazan của Hạm đội phương Bắc Nga tại cảng nhà ở Severomorsk năm 2021. Ảnh: Lev Fedoseyev/TASS/Getty Images

Tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Yasen đầu tiên được đưa vào hoạt động năm 2013 và phiên bản mới nhất Yasen-M được đưa vào hoạt động năm ngoái. Hạm đội phương Bắc có hai tàu ngầm lớp Yasen và thêm ba chiếc sẽ gia nhập hạm đội này.

Tàu ngầm lớp Yasen có thể mang hỗn hợp tên lửa hành trình thông thường vốn có thể tấn công mục tiêu trên đất liền hoặc trên biển, những vũ khí tầm xa mà quan chức NATO tin rằng Nga có thể sẽ sử dụng để tấn công các cảng và cơ sở hạ tầng khác.

Phần lớn tàu ngầm hạt nhân của Hạm đội phương Bắc đóng tại trụ sở chính của Hạm đội ở Severomorsk thuộc Vịnh Kola. Ngoài ra còn có các căn cứ tàu ngầm ở Zaozyorsk, cách Na Uy 64 km, ở Gadzhiyevo trên Vịnh Olenya, ở Zapadnaya Litsa và ở Vidyaevo.

Sân bay vũ trụ Plesetsk, nơi chứa các tên lửa đạn đạo nhiệt hạch RS-24, cũng nằm trên bán đảo Kola cũng như một số căn cứ không quân có thể hỗ trợ máy bay ném bom chiến lược.

Hỗ trợ hạt nhân

Năm 2012, Tổng thống Putin ra lệnh hiện đại hóa kho vũ khí quân sự của Nga, trong đó ưu tiên vũ khí hạt nhân. Sự tập trung rất lớn các loại vũ khí như vậy trên bán đảo Kola đã dẫn tới chương trình nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa cơ sở hải quân và không quân trong khu vực.

Theo một đánh giá năm 2018 về hình ảnh vệ tinh của tạp chí The Barents Observer, Nga đang xây dựng 50 boong-ke vũ khí kiên cố để cất trữ tên lửa thông thường và hạt nhân tầm xa trên Vịnh Okolnaya của bán đảo Kola. Đây là kho vũ khí lớn nhất ở miền bắc của Nga.

Tàu hộ vệ chống ngầm lớp Grisha III Snezhnogorsk trong lễ duyệt binh Ngày Hải quân Nga ở Severomorsk ngày 27-7-2014. Ảnh: Sasha Mordovets/Getty Images

Tàu hộ vệ chống ngầm lớp Grisha III Snezhnogorsk trong lễ duyệt binh Ngày Hải quân Nga ở Severomorsk ngày 27-7-2014. Ảnh: Sasha Mordovets/Getty Images

Bộ Quốc phòng Nga cũng đang mở rộng các căn cứ ở bán đảo Kola để hỗ trợ tốt hơn cho các tàu ngầm lớp Borei và lớp Yasen.

Các cơ sở cập bến và cơ sở hạ tầng khác cho tàu ngầm, cơ sở bốc dỡ đặc biệt cho đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo đang được xây dựng tại nhiều căn cứ tàu ngầm trên bán đảo, khắc phục những thiếu sót trong hoạt động của Hạm đội phương Bắc thời Liên Xô.

Bên cạnh đó, Nga còn đang hiện đại hóa một trong ba căn cứ không quân gần Severomorsk. Việc nâng cấp căn cứ không quân Severomorsk-1 sẽ cải thiện nhận thức của quân đội Nga trong khu vực cũng như mở rộng phạm vi hoạt động khi khu vực Bắc Cực trở nên dễ tiếp cận hơn.

Tình hình căng thẳng hơn

Phần Lan và Thụy Điển đã hợp tác chặt chẽ với NATO. Cả hai nước này là Đối tác cơ hội nâng cao của NATO, mối quan hệ đối tác thân thiết nhất mà một nước không phải thành viên có thể có với liên minh quân sự này và Phần Lan và Thụy Điển đều là một phần của Lực lượng Ứng phó của NATO. Việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa họ.

“Nga có thể sẽ lo ngại về trạng thái gần kề của NATO với các lực lượng Nga trên bán đảo Kola trong thời bình lẫn xung đột” – ông Deni nói. Ông Deni cho biết thêm rằng việc Phần Lan trở thành thành viên của NATO giúp khối quân sự này có được cái nhìn bao quát hơn về các hoạt động của Nga tại bán đảo Kola.

Tiêm kích của Thủy quân lục chiến Mỹ và Không quân Phần Lan bay qua căn cứ Rissala ở Phần Lan. Ảnh: US Marine Corps/Lance Cpl. Caleb Stelter

Tiêm kích của Thủy quân lục chiến Mỹ và Không quân Phần Lan bay qua căn cứ Rissala ở Phần Lan. Ảnh: US Marine Corps/Lance Cpl. Caleb Stelter

Bất chấp tầm quan trọng của bán đảo Kola đối với Nga, chuyên gia Deni vẫn hoài nghi rằng Moscow sẽ cần tăng cường răn đe quân sự ở phía bắc nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.

Cũng theo ông Deni, NATO hiện đang thiếu nghiêm trọng khả năng quân sự có định hướng tấn công trong khu vực.

“Mối đe dọa của NATO đối với Nga thực sự không tồn tại ở Bắc Âu ngay cả khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh. Thay vào đó, mối đe dọa mà phương Tây đặt ra liên tục được Điện Kremlin thổi phồng để nâng cao vị thế trong nước và để biện minh cho các khoản chi tiêu quân sự khổng lồ” – ông Deni nói với trang The Business Insider.

Tuy nhiên, việc lập kế hoạch quân sự của Nga ở biển Baltic và Bắc Cực sẽ phức tạp hơn nhiều nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO vì hai nước này có thể sẵn sàng hơn và có thể chia sẻ thông tin với NATO về các hoạt động của Nga tại hai khu vực trên, ông Deni nhận định.

Nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, khối liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu này sẽ gần như bao vây toàn toàn biển Baltic, Tướng Christopher Cavoli của Lục quân Mỹ tại châu Âu phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện ngày 26-5.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm