“Không vệ sinh, chèo kéo, "chặt chém" du khách là ba hiện trạng mà các công ty lữ hành đang rất đau đầu khi đến Đà Lạt. Ví dụ, đến chợ đêm Đà Lạt vào cuối tuần du khách sẽ thấy tình trạng bán buôn không có lề lối, xe rác nằm giữa đường mà rác và người là gần bằng nhau. Du khách bị chèo kéo, họ quay lại hỏi sao đưa đến những điểm không an toàn, an ninh như vậy”. Đây là thông tin bà Hồ Thị Bích Thủy, đại diện Công ty Du lịch Chợ Lớn, nêu ra tại Hội nghị sơ kết bốn năm thực hiện chương trình hợp tác liên kết tam giác phát triển du lịch giữa TP.HCM - Bình Thuận - Lâm Đồng do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Thuận, tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày 15-4.
Dẫn chứng thực tế bà Thủy cho rằng nên xem có tình trạng tích trữ phòng ốc hay không. Về quà tặng, du khách được đưa vào những địa điểm bán hàng những điểm đó có chất lượng không, giá cả thì không biết thế nào. Nên chăng Sở, hiệp hội giúp các doanh nghiệp (DN) du lịch TP.HCM làm sao để xâu chuỗi liên kết thành sản phẩm du lịch bền vững có trách nhiệm hơn.
Trong khi đó, ông Vũ Hải Sâm, Phó Giám đốc khối Du lịch nội địa Công ty Saigontourist, cho biết từ năm 2014 đến 2017 (từ khi ký kết tam giác phát triển du lịch - PV) đã khai thác điểm đến Bình Thuận và Đà Lạt là 120.000 lượt khách, con số này cho thấy tiềm năng của hai tỉnh là rất lớn. Tuy nhiên, trong mối liên kết này còn một số khó khăn. Đó là tuyến đường từ Bình Thuận đi Đà Lạt vẫn chưa tốt. Mặt khác, xuất phát từ nhu cầu của khách hàng, từ năm 2015 công ty có đưa ra sản phẩm liên tuyến Phan Thiết-Đà Lạt nhưng khách lẻ không có nhu cầu nhiều. Chỉ khi nào khách đoàn có nhu cầu công ty mới làm sản phẩm liên tuyến này.
“Phải chăng trong liên kết phát triển du lịch ba tỉnh cần trao đổi sản phẩm với nhau. Ví dụ, chúng tôi có khách tới Phan Thiết, nếu khách muốn đi Đà Lạt nữa thì cần có chính sách gì không?” - ông Sâm đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt, nhìn nhận muốn liên kết ba tỉnh thì ít nhất có sự liên kết trong từng tỉnh, thành trước. Cái chúng ta đang thiếu là không có chính sách cụ thể. Về mặt lữ hành, TP.HCM có dám tuyên bố với Lâm Đồng, Bình Thuận khách xuống Suối Tiên, Đầm Sen… được giảm 2%-3% không? Hoặc giá phòng 100 USD, bán cho các công ty du lịch 97 USD là được rồi. Ít nhất bằng biện pháp cụ thể thì chúng ta mới nói đến chuyện liên kết. Ngoài ra, để liên kết được cũng cần phải có sản phẩm mới. Mấy năm gần đây Sài Gòn có sản phẩm nào mới, Suối Tiên, Đầm Sen… cũ rồi.
Nhìn nhận ở góc độ phát triển du lịch bền vững, một công ty du lịch kể gần đây nhất có một nhóm du khách đến resort ở Mũi Né phát hiện có một đường ống thải trực tiếp ra biển. Khách hỏi luôn trưởng đoàn là họ có nên tắm không?
Như vậy vai trò Nhà nước cần kiểm tra thường xuyên nghiêm ngặt vấn đề bảo vệ môi trường đối với các resort, các DN du lịch chỉ hợp tác với những đơn vị nào có chứng nhận bảo vệ môi trường, thiên nhiên, từ chối với đơn vị nào không vượt qua được điều kiện này. Hoặc bây giờ lên Sa Pa thì ở đó là nguyên một đại công trường. Du lịch Lâm Đồng, Bình Thuận phát triển dựa vào cảnh quan thiên nhiên thì mong không phát triển như vậy, không xây dựng tràn lan. Vì cảnh quan là nơi thu hút khách du lịch.
Du khách mua sắm tại chợ đêm Đà Lạt.
Ở góc độ quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng, cũng nhìn nhận mối liên kết giữa ba địa phương vẫn chưa được “quan tâm” nhiều. Hiện nay mới chỉ thấy vai trò quản lý nhà nước ngồi lại với nhau thôi, còn vai trò hiệp hội du lịch, truyền thông, xúc tiến trong chương trình này… mờ nhạt.
Theo bà Ngọc, cần đánh giá lại, các cơ chế chính sách, hành lang pháp lý cho chương trình này như thế nào? Chương trình liên kết đã đặt ra cơ chế đặc biệt cho các DN tham gia nhưng cụ thể thế nào thì chưa có.
Do đó, cần có chính sách hỗ trợ cho DN để tạo động lực, giúp cho việc liên kết hiệu quả hơn. Chẳng hạn, chính sách ưu đãi đầu tư, địa phương nào cũng ưu đãi đầu tư nhưng Lâm Đồng, Bình Thuận, TP.HCM có lẽ đều có khó khăn hiện nay là kinh doanh bất động sản du lịch.
"Hiện nay đầu tư du lịch thuần túy không hiệu quả bằng nên DN đang rất quan tâm vấn đề này, đặc biệt căn hộ du lịch, ví dụ muốn sở hữu nó cần những điều kiện gì… thì hiện nay nhà đầu tư đang khó khăn. Hoặc vấn đề quy hoạch, chúng ta hình thành tam giác phát triển du lịch, chứng tỏ là vùng du lịch rồi nên ba địa phương ngồi lại làm sao xây dựng quy hoạch du lịch cho mình..." - bà Ngọc nói.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết lãnh đạo tiền nhiệm đã thấy tiềm năng của các địa phương và nhận thấy cần hợp tác với nhau để tạo thành sản phẩm liên kết vùng, mang lại tính trải nghiệm nhiều hơn cho du khách. Tuy thời gian qua, sự liên kết này đã phát triển nhưng cũng chưa đạt được như mong đợi.
Theo ông Vũ, trong thời gian tới ngành du lịch ba tỉnh khắc phục các hạn chế về công tác quảng bá, giới thiệu điểm đến. Đồng thời triển khai xây dựng thương hiệu, thực hiện app điện thoại của liên kết này. Ngành du lịch TP sẽ tạo điều kiện, khuyến khích DN du lịch trên địa bàn đầu tư phát triển sản phẩm, xây dựng chương trình du lịch liên kết ba địa phương, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng du khách trong và ngoài nước…