Ngày 11-9, tại TP Quy Nhơn, Bình Định, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Bộ KH&CN Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức khai mạc Hội thảo “Khoa học vì hoà bình” với chủ đề an ninh và mất an ninh nguồn nước: Tái thiết sự chung sống hoà bình với khoa học.
Hội thảo quy tụ nhiều nhà khoa học từ các quốc gia trên thế giới. Ảnh: QN |
An ninh nguồn nước là vấn đề Việt Nam đặc biệt quan tâm
Đây là hội thảo đầu tiên do IPU tổ chức tại Trung tâm ICISE trong khuôn khổ ký kết hợp tác giữa IPU và ICISE ngày 11-5 tại Thuỵ sĩ. Hội thảo này đóng vai trò là nền tảng đối thoại giữa các nghị viện về các chủ đề liên quan mục tiêu cốt lõi của IPU.
Khoa học vì hoà bình là hội thảo ngoại giao khoa học quốc tế chất lượng cao, tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các nghị viện thông qua khoa học, truyền cảm hứng cho các nghị sĩ trẻ của nhiều quốc gia về tinh thần giải quyết các vấn đề chính trị, ngoại giao thông qua nền tảng khoa học.
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trình bày tại hội thảo. Ảnh: QN |
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, cho biết trong bối cảnh tác động ngày càng tiêu cực và khó dự báo của biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước là vấn đề mà Việt Nam đặc biệt quan tâm, cần phải xây dựng định hướng, mục tiêu và các giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước.
GS Trần Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm ICISE phát biểu tại hội thảo. Ảnh: QN |
Để đảm bảo an ninh nguồn nước cho trên 100 triệu dân và là nước đang phát triển ở mức thu nhập trung bình, Việt Nam đứng trước một số thách thức lớn. Những thách thức này đặt ra bài toán cho Việt Nam về an ninh nguồn nước và cũng là vấn đề mà nhiều quốc gia đang gặp phải. Do vậy, cần phải có sự chung tay của nhiều quốc gia trong khu vực và toàn cầu để giải quyết vấn đề này.
Hơn 60 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nghị sĩ trẻ... từ nhiều quốc gia
Ông Hải cũng đề nghị các đại biểu tham dự cùng nhau chia sẻ những thách thức đang gặp phải và trao đổi các giải pháp tháo gỡ, các bài học và kinh nghiệm trong thực hiện mục tiêu này và thảo luận chuyên sâu các vấn đề.
Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, phát biểu khai mạc. Ảnh: QN |
“Chúng tôi mong muốn các đại biểu tham dự hội nghị cùng nhau thống nhất cam kết các mục tiêu mà chúng ta sẽ thực hiện trong thời gian tới để chủ đề hôm nay là nội dung hữu ích cho các quốc gia tham dự, vì sự thịnh vượng của các quốc gia cùng với bảo đảm an ninh nguồn nước, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu đến năm 2030” - ông Hải nói.
Hội thảo lần này quy tụ hơn 60 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và nghị sĩ trẻ từ Việt Nam, châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi và các vùng khác trên thế giới để chia sẻ kiến thức, trình bày kết quả nghiên cứu và thảo luận nhiều vấn đề liên quan chủ đề trên.
Hội thảo diễn ra trong ba ngày, với chín phiên thảo luận. Ảnh: QN |
Đây là một vấn đề quốc tế rất quan trọng và cần những giải pháp hoà bình dựa trên nền tảng khoa học để cùng giải quyết.
Hội thảo diễn ra trong ba ngày, từ 11-9 đến 13-9, với chín phiên thảo luận về các chuyên đề chuyên sâu: khoa học và chính trị, chương trình quan sát trái đất để giám sát nguồn nước, thực hành lập pháp điển hình, ngoại giao đa phương trong khu vực và song phương về nguồn nước cho các hợp tác xuyên biên giới.
Đồng thời, cũng đề cập phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người đối với an ninh nguồn nước và hòa bình, đổi mới công nghệ xử lý nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, thúc đẩy an ninh nguồn nước thông qua khoa học cộng đồng, mạng lưới Liên minh Nghị viện về nguồn nước, ngoại giao khoa học và khoa học dự đoán.