Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 khai mạc tại Đà Nẵng

(PLO)- Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14, do Học viện Ngoại giao phối hợp tổ chức cùng các đối tác đồng bảo trợ trong và ngoài nước, khai mạc tại Đà Nẵng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 16-11, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 do Học viện Ngoại giao phối hợp tổ chức cùng các đối tác đồng bảo trợ trong và ngoài nước khai mạc tại Đà Nẵng với chủ đề “Biển Hòa Bình – Phục hồi bền vững”.

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông khai mạc tại Đà Nẵng sáng 16-11. Ảnh: TẤN VIỆT

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông khai mạc tại Đà Nẵng sáng 16-11. Ảnh: TẤN VIỆT

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhận định cục diện thế giới đã diễn ra những thay đổi nhanh chóng và chưa từng có. Những thay đổi trong thực tế địa chính trị, vốn là điều không tưởng, đang diễn ra ở một số nơi trên thế giới, trong đó có khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông Hiệu cho hay, các rủi ro địa chính trị toàn cầu và sự cạnh tranh giữa các cường quốc lớn đã làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện có như an ninh năng lượng, an ninh lương thực, lạm phát kèm suy thoái và đe doạ hoà bình, ổn định khu vực.

Các kiến trúc an ninh trên thế giới và ở khu vực đang có những thay đổi to lớn. Đây là những thách thức đa chiều, nhiều tầng lớp và khó nhận diện.

Hội thảo có sự góp mặt của hơn 220 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 250 đại biểu dự trực tuyến. Ảnh: TẤN VIỆT

Hội thảo có sự góp mặt của hơn 220 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 250 đại biểu dự trực tuyến. Ảnh: TẤN VIỆT

Theo ông Hiệu, một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là sự thiếu hụt lòng tin và tinh thần hợp tác, nhất là đối với luật pháp quốc tế và các tổ chức đa phương. Việc không tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế có thể gây xói mòn dần trật tự quốc tế.

Ông Hiệu nhấn mạnh, Biển Đông là trung tâm của cục diện quốc tế đang thay đổi. Các nguyên tắc trên Biển Đông sẽ góp phần định hình các nguyên tắc ở các biển và đại dương khác.

“Việc duy trì một trật tự trên biển, trong đó nhấn mạnh tới sự tuân thủ, tin tưởng và hợp tác, hơn bao giờ hết, là điều cần thiết để đảm bảo cho sự phục hồi bền vững”, ông Hiệu cho hay.

Cũng theo ông Hiệu, chính sách của Việt Nam về Biển Đông là tôn trọng đầy đủ, thiện chí thực thi các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc, thúc đẩy hợp tác biển dựa trên UNCLOS.

Việt Nam coi trọng việc sử dụng bền vững và bảo tồn đại dương, biển và các nguồn tài nguyên trên biển.

Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho hay trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và gián đoạn, Hội thảo Biển Đông lần thứ 14 hướng tới mục tiêu tìm hiểu những thay đổi địa chính trị toàn cầu mới nhất trên Biển Đông. Đồng thời xác định các rủi ro tiềm ẩn và tìm cách khôi phục lòng tin, thúc đẩy đối thoại và hợp tác.

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 diễn ra trong hai ngày 16-11 và 17-11 với tám phiên về các chủ đề đa dạng khác nhau. Hội thảo năm nay diễn ra trong bối cảnh đánh dấu 40 năm ký kết Công ước UNCLOS và 20 năm ASEAN và Trung Quốc ký kết Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông.

Hội thảo có sự góp mặt của hơn 220 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 250 đại biểu dự trực tuyến. Hội thảo cũng quy tụ gần 40 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ gần 20 quốc gia của các châu lục khác nhau và gần 50 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có tám Đại sứ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm