Kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Hàn: Nhiều hội thảo khoa học được tổ chức

(PLO)- Hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ song phương Việt-Hàn, hai nước đã tổ chức nhiều sự kiện đánh dấu cột mốc này, đáng chú ý là các hội thảo khoa học nghiên cứu về quan hệ hai nước và định hướng tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tháng 12 tới, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (22-12-1992 – 22-12-2022), hướng tới nâng cấp quan hệ hai bên lên vị thế đối tác chiến lược toàn diện. Đây được xem là một cột mốc có ý nghĩa to lớn đối với quan hệ song phương.

Cùng là những quốc gia Đông Á, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng về địa lý, lịch sử, văn hóa góp phần hình thành mối quan hệ bang giao từ hàng nghìn năm giữa hai dân tộc.

Dù đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, nhưng có thể thấy quan hệ Việt - Hàn hiện nay đã phát triển mạnh mẽ, thực chất, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, và góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á và trên thế giới.

Hàn Quốc là đối tác chiến lược đầu tiên trong số các nước có quan hệ chính thức với Việt Nam từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX.

Về chính trị, hai nước thường xuyên duy trì các chuyến thăm và gặp gỡ cấp cao hàng năm.

Về kinh tế, Hàn Quốc hiện giữ vị trí số 1 về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); xếp thứ 2 về hợp tác lao động, du lịch, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Sau 30 năm, kinh ngạch thương mại song phương đã tăng gấp 150 lần và đầu tư tăng 80 lần, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.

Bên cạnh các kết quả đạt được, hai nước đã đặt ra nhiều mục tiêu nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư, thu hút hơn nữa đầu tư FDI, ODA vào những lĩnh vực ưu tiên của hai nước nhằm phấn đấu đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 100 tỉ USD vào năm 2023 và 150 tỉ USD vào năm 2030.

Về văn hóa, nền tảng văn hóa Á Đông tương đồng chính là cơ sở để 2 nước đẩy mạnh giao lưu văn hóa.

Về mặt an ninh, mối quan hệ đối tác còn vượt xa khỏi lãnh thổ hai quốc gia. Tháng 8- 2021, Việt Nam đã tiếp nhận vai trò điều phối quan hệ đối tác Hàn Quốc – ASEAN 2021-2024. Hà Nội và Seoul hợp tác chặt chẽ để giải quyết các vấn đề an ninh của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm an ninh hàng hải, hạn chế các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Có thể thấy, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc thực sự được thúc đẩy và có ý nghĩa ở cả cấp độ nhà nước và cấp độ nhân dân.

Hòa chung không khí hân hoan nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt-Hàn, hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa.

Các hội thảo nghiên cứu kỷ niệm chặng đường 30 năm

Ngày 10-11, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “30 năm quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc: Hướng tới đối tác chiến lược toàn diện trong thế kỷ XXI”. Hội thảo có sự tham gia của Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh - ông Kang Myung-il.

Hội thảo đã trình bày 29 kết quả nghiên cứu mới nhất về quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, các đặc trưng văn hóa - xã hội của hai nước, tình hình giáo dục tiếng Hàn và Hàn Quốc học tại Việt Nam của các học giả từ nhiều nước.

Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh - ông Kang Myung-il chụp ảnh cùng giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM và các học giả nước ngoài tại Hội thảo khoa học quốc tế “30 năm quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc. Ảnh: KHOA HÀN QUỐC HỌC, TRƯỜNG ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.

Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh - ông Kang Myung-il chụp ảnh cùng giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM và các học giả nước ngoài tại Hội thảo khoa học quốc tế “30 năm quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc. Ảnh: KHOA HÀN QUỐC HỌC, TRƯỜNG ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.

Một số nghiên cứu đáng chú ý như bài “Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc từ Tổng thống Moon Jae-in đến Tổng thống Yoon Suk-yeol và quan hệ Hàn - Việt” của tác giả Nguyễn Tiến Lực (khoa Nhật Bản học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tập trung vào sự khác biệt trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Yoon Suk-yeol và người tiền nhiệm Moon Jae-in và tác động của sự khác biệt này đến quan hệ Việt - Hàn.

Nghiên cứu “Mối quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam và vai trò của ngành Hàn Quốc học” của Giáo sư Chae Su-hong (Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc) dựa trên lịch sử phát triển và mối quan hệ giao lưu, hợp tác giữa hai nước từ đó rút ra những nhiệm vụ trong tương lai để duy trì mối quan hệ hợp tác giữa đôi bên.

Bài nghiên cứu của Giáo sư Park Tae-gyun (Viện Đào tạo Sau đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Seoul) với nhan đề “Tìm hiểu các cuộc chiến tranh ở Đông Á từ thế kỷ XIX - lịch sử hiện đại của Hàn Quốc” phân tích việc Hàn Quốc tham gia vào chiến tranh Việt Nam và tác động của cuộc chiến đến kinh tế và văn hóa của Hàn Quốc khi xã hội nước này tồn tại hai trải nghiệm bị thực dân chiếm đóng và tham chiến.

Những bài nghiên cứu tại hội thảo đã đưa ra những phân tích sâu sắc, đa dạng, nhiều chiều trong quan hệ song phương Việt - Hàn từ quá khứ đến hiện tại và giúp định hướng tương lai. Hội thảo cũng là cơ hội giao lưu học thuật giữa những nhà nghiên cứu Việt Nam và Hàn Quốc, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực nghiên cứu.

Cùng ngày, Hội Hữu nghị Hàn - Việt đã tổ chức hội thảo có tựa đề “Hàn Quốc - Việt Nam cùng nhau hướng tới tương lai” tại tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc.

Chủ đề hội thảo là những thành tựu và triển vọng hợp tác kinh tế Hàn - Việt cùng với việc giảng dạy văn hóa Hàn Quốc cho sinh viên đại học tại Việt Nam nhằm tìm kiếm những ý tưởng hợp tác bền vững lâu dài cho các thế hệ trẻ hai nước trong tương lai.

Nói về hội thảo lần này, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo cho biết ông đánh giá cao vai trò của các tổ chức trong thúc đẩy hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước. Hội thảo cho thấy mức độ phát triển của nhanh chóng của quan hệ hai nước sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Quan hệ ASEAN - Hàn Quốc

Ngày 11-11, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tham dự Hội nghị cấp cao Hàn Quốc - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 23 diễn ra tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia).

Tại đây, ông Yoon đã công bố chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới, có nội dung xây dựng một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, hòa bình và thịnh vượng thông qua đoàn kết và hợp tác với các nước lớn, trong đó có ASEAN, theo đài KBS World.

Tổng thống Yoon cho biết sẽ kế thừa Chính sách hướng Nam của cựu Tổng thống Moon ở lĩnh vực hợp tác kinh tế, đồng thời tăng cường hợp tác về pin, ô tô điện, kỹ thuật số và sẽ tăng quỹ hợp tác với ASEAN.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia) ngày 12-11. Ảnh: KHMER TIMES

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia) ngày 12-11. Ảnh: KHMER TIMES

Kế đó ngày 12-11, ông Yoon đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN+3, với sự tham gia của lãnh đạo các nước ASEAN và ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật.

Tại hội nghị này, Tổng thống Yoon nhấn mạnh cuộc khủng hoảng phức tạp về lương thực, an ninh năng lượng do chiến tranh và biến đổi khí hậu mà cộng đồng quốc tế đang đối mặt. Theo ông, trước bối cảnh này sự hợp tác giữa ASEAN và ba nước Hàn-Trung-Nhật càng trở nên quan trọng hơn bất cứ lúc nào.

Ông Yoon kêu gọi các nước ASEAN+3 tăng cường hợp tác, vượt qua khủng hoảng tương tự như thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á cách đây 25 năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm