Một biến thể COVID-19 mới gần đây đã được phát hiện ở một số quốc gia, bao gồm Anh, Mỹ, Ấn Độ, Úc và Đức. Đây là một trong những dòng biến thể phụ của Omicron và được đặt tên là BA.2.75.
Theo hãng tin Channel News Asia (CNA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại BA.2.75 là một biến thể đáng quan tâm (VOI) thay vì một biến thể đáng lo ngại (VOC). Điều này có nghĩa các cơ quan y tế vẫn cần theo dõi biến thể này, song chưa có bằng cho thấy dòng biến thể mới có thể gây nên hậu quả lớn nào.
TS Ben Krishna - nhà nghiên cứu virus học và miễn dịch học tại ĐH Cambridge - cho rằng vẫn chưa có dấu hiệu gì đáng lo ngại về dòng biến thể mới này, do đó chưa cần phải nâng mức cảnh báo trước sự xuất hiện của biến thể BA.2.75
Theo ông Krishna, số ca nhiễm biến thể BA.2.75 hiện vẫn còn tương đối thấp. Hầu hết các trường hợp nhiễm biến thể này ở Anh vẫn do các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron gây ra.
Tuy nhiên, BA.2.75 đang trở nên phổ biến hơn ở Ấn Độ (ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào tháng 5). Điều này cho thấy BA.2.75 có những đặc điểm phát triển mạnh hơn và tốc độ lây lan nhanh hơn so với các biến thể lưu hành hiện tại.
Dù vậy, một số dữ liệu từ Ấn Độ cho thấy số ca nhiễm biến thể BA.2.75 ở nước này có thể đã đạt đỉnh. Và quan trọng, không có sự gia tăng lớn về số ca nhập viện hoặc tử vong ở Ấn Độ do BA.2.75 gây ra.
Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm từ một người đàn ông. Ảnh: AFP |
Phát triển một số đột biến mới, nhưng không phải một loại virus khác
Theo TS Khrishna, vì hầu hết dân số toàn cầu hiện đã được tiêm phòng đầy đủ hoặc từng nhiễm bệnh hoặc cả hai, những dòng biến thể có khả năng lây nhiễm sang người bất chấp khả năng miễn dịch của họ sẽ chiếm ưu thế hơn. SARS-CoV-2, virus gây ra đại dịch COVID-19, sẽ không ngừng phát triển để đạt được lợi thế này.
Các biến thể mới có đột biến có thể khiến hệ thống miễn dịch của con người khó nhận biết và phản ứng với virus hơn. Đây được gọi là khả năng né tránh miễn dịch của virus.
Theo kết quả phân tích của các nhà khoa học, BA.2.75 cũng có một số đột biến, giúp biến thể này có thể né tránh khả năng miễn dịch. Tuy vậy, không có bằng chứng xác thực nào ở giai đoạn này cho thấy BA.2.75 có thể né tránh hệ thống miễn dịch con người một cách đáng kể.
Hầu hết BA.2.75 có cấu trúc giống với Omicron và chủng virus ban đầu được tìm thấy ở TP Vũ Hán (Trung Quốc). Mặc dù BA.2.75 đã phát triển một số đột biến mới, nhưng về cơ bản, nó không phải một loại virus khác.
Hệ thống miễn dịch của con người vẫn sẽ hoạt động chống lại BA.2.75. Khả năng miễn dịch này có thể không đủ để ngăn chặn sự tái nhiễm, nhưng sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng của biến thể BA.2.75.
Mặc dù có những lo ngại về việc BA.2.75 có thể lây lan nhanh hơn các biến thể khác, nhưng TS Khrishna cho hay chưa có bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào về điều này. Ví dụ như ở Ấn Độ, sự gia tăng về số ca nhiễm mới đã chững lại hoặc thậm chí giảm xuống so với một vài tuần trước đó. Nếu đúng như vậy, rất có thể BA.2.75 sẽ biến mất trong một vài tuần nữa.
Một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 (có tên là BA.2.75) xuất hiện gần đây đang khiến nhiều nhà khoa học lo ngại về làn sóng dịch COVID-19 mới. Ảnh: REUTERS |
Vaccine vẫn là biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất
Nhờ tiêm chủng, nếu BA.2.75 có gây ra một đợt bùng phát dịch lớn, hy vọng tỉ lệ tử vong và nhập viện sẽ không tăng cao. Điều quan trọng là các biến thể mới liên tục xuất hiện vẫn là mối đe dọa chết người đối với những nhóm người dễ bị tổn thương. Vậy chúng ta phải làm thế nào để khắc phục điều này?
Giải pháp hữu hiệu đầu tiên chính là phát triển thành công một loại vaccine phổ quát có thể chống lại các loại biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2. Mục đích của vaccine phổ quát là tạo ra khả năng miễn dịch chống lại một loạt các cấu trúc phân tử đột biến khác nhau có thể xảy ra.
“Siêu vaccine” chống lại mọi biến thể COVID-19 mang tên Pan-coronavirus (do bệnh viện quân y Walter Reed ở bang Maryland, Mỹ phát triển) có thể được xem là một ví dụ điển hình. Ngoài việc cung cấp khả năng miễn dịch chống lại các biến thể mới, vaccine Pan-coronavirus cũng có thể tạo ra khả năng miễn dịch chống lại nguy cơ bùng phát đại dịch tiếp theo.
Loại vaccine này sẽ được đưa vào thử nghiệm lâm sàng sớm nhất vào cuối năm nay hoặc trong vài năm tới.
Giải pháp thứ hai có thể nói đến chính là sản xuất loại vaccine tạo ra khả năng miễn dịch tốt hơn trong hệ hô hấp. Đây sẽ là loại vaccine được tiêm qua mũi, giúp hệ thống miễn dịch tạo ra nhiều kháng thể hơn trong chất nhầy của mũi và cổ họng.
Loại miễn dịch này có thể giúp ngăn chặn SARS-CoV-2 lây nhiễm và tái tạo tại điểm xâm nhập vào tế bào của con người, điều này có thể làm chậm tốc độ phát triển và nguy cơ xuất hiện các biến thể mới. Hiện có ít nhất 12 loại vaccine tiêm trong mũi này đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.
Theo TS Khrishna, dù BA.2.75 không có khả năng gây ra một làn sóng lây nhiễm lớn, song vẫn sẽ còn đó nhiều loại biến thể khác sẽ xuất hiện trong tương lai và khả năng xảy ra một đợt bùng phát lớn mới vẫn còn rất cao. Vì vậy, việc phát triển thành công các loại vaccine tiên tiến hơn sẽ giúp con người chuẩn bị tốt hơn.