Liệu có làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam không?

(PLO)- Sáng 26-3, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển doanh nghiệp.  

Khoảng 200 lãnh đạo, chuyên gia, doanh nhân… của các bộ, ngành Trung ương, viện nghiên cứu, trường đại học, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp… đã tới tham dự hội thảo.

Ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Bản chất của năng lực cạnh tranh quốc gia là năng lực vận hành nền kinh tế có hiệu quả, với chi phí hợp lý nhất mang lại kết quả thịnh vượng và bền vững tối đa nhất. Ông đặt câu hỏi: Liệu có làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam trong thời gian tới hay không?

Chủ tịch VCCI cho rằng: Có làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam hay không phụ thuộc vào việc có làn sóng cải cách thể chế của Việt Nam hay không.

Đồng tình với nhận định trên, bà Victoria Kawkaw, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nói: Chất lượng thể chế đóng vai trò mấu chốt trong cạnh tranh. Thái độ của Chính phủ đối với thị trường tự do là một điểm nhấn quan trọng. Sự quản lý điều tiết quá mức, sự thiếu minh bạch, sự phụ thuộc vào hệ thống chính trị cũng như hệ thống tư pháp sẽ làm cho chi phí tuân thủ của doanh nghiệp rất lớn, ảnh hưởng không tốt đến khả năng cạnh tranh.

Theo PGS-TS Phạm Thị Hồng Yến – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam trong tương quan với 140 nền kinh tế, dù có thay đổi và được cải thiện dần nhưng vẫn còn hạn chế. Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 đã chỉ ra năm nhóm vấn đề được coi là trở ngại lớn nhất đối với Việt Nam, gồm: “Tiếp cận tài chính”“Chính sách không ổn định”,“Lao động qua đào tạo không đủ”“Kỷ luật lao động kém” và “Tham nhũng”.

Ông Sandeep Mahajan - chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới cho rằng: Một trong những mấu chốt của cạnh tranh quốc gia chính là năng suất lao động. Trong những năm qua, nếu so sánh với một số quốc gia trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam không được cải thiện và có dấu hiệu đi xuống. “Đây là một trong những thách thức của Việt Nam trong hội nhập”, ông Sandeep Mahajan nói.

Chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia mình tại hội thảo, Đại sứ Israel tại Việt Nam, bà Meirav Eilon Shahar nói: Israel đã áp dụng mô hình tam giác, kết hợp Chính phủ - Doanh nghiệp và Nhà khoa học để thúc đẩy những chiến lược khởi nghiệp, biến Israel thành một quốc gia khởi nghiệp như đã thấy.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thì nhấn mạnh: Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cần phải tăng cường chống tham nhũng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng, quy hoạch. Nếu quy hoạch không tốt sẽ tạo ra những đường ray chệch hướng đối với đầu tư.

GS Lưu Bích Hồ cũng cho rằng: Giải pháp của mọi giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy đổi mới và phát triển doanh nghiệp chính là trách nhiệm của người đứng đầu. “Chúng ta còn một khoảng cách rất lớn giữa chính sách và cuộc sống. Không thể có làn sóng đầu tư mới hay làn sóng cải cách thể chế nếu chúng ta cứ nói mà không làm. Chúng ta cứ nói quá nhiều sẽ không thể có bất cứ làn sóng nào”, GS Hồ kết luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm