Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, một số quốc gia trong đó có Việt Nam chọn cách "đóng biên giới" để đưa số ca nhiễm về số 0.
Là một phần trong chiến lược "zero COVID" (tạm dịch: không có ca nhiễm COVID-19), giải pháp này đã giúp giảm tối đa số ca tử vong và đảm bảo cho các hoạt động xã hội vẫn được diễn ra gần như bình thường trong 18 tháng qua, theo tờ South China Morning Post.
Tuy nhiên, biến thể Delta hiện đang thách thức tính hiệu quả của cách tiếp cận nói trên. Đồng thời, nó cũng đặt ra câu hỏi về tính bền vững của các chiến lược nói trên ở khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
"Đóng cửa" không còn là giải pháp tối ưu
Theo bà Catherine Bennett, chuyên gia y tế công cộng và nhà dịch tễ học tại Đại học Deakin (Úc), số ca nhiễm vẫn có thể được kiểm soát bằng việc đóng biên giới. Tuy nhiên, các nước cần siết chặt hơn công tác phong tỏa để tất cả người dân có đủ thời gian tiếp cận vaccine.
Bang Victoria (Úc) phong tỏa vì dịch COVID-19. Ảnh: EPA
Theo ông Barney Flower, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc đưa số ca nhiễm quay trở về số 0 là điều không thể xảy ra một khi biến thể Delta đã chiếm ưu thế.
Ông cho biết: "Điều này có nghĩa là các biện pháp can thiệp không dùng thuốc trước đây đang mất nhiều thời gian hơn trong việc làm chậm tốc độ bùng phát dịch và có thể không đủ để loại bỏ hoàn toàn sự lây truyền trong cộng đồng".
"Một khi các hạn chế được nới lỏng, các trường hợp sẽ lại tăng theo cấp số nhân" - ông nói thêm.
Theo ông Alexandra Martiniuk, nhà dịch tễ học tại Đại học Y tế Công cộng Sydney, mặc dù đóng cửa vẫn là một "công cụ cực kỳ hữu ích" để xử lý các ca bệnh, nhưng vẫn chưa rõ liệu chúng có thể loại bỏ được biến thể này hay không.
"Rõ ràng là biến thể này đã vượt trội hơn 'các kỹ thuật kiểm tra, theo dõi, phân lập cũ' mà các nhà chức trách New South Wales từng áp dụng" - ông nhận định.
Đồng thời, chuyên gia này cũng cho rằng chỉ có thời gian mới trả lời được câu hỏi: "Liệu số ca nhiễm có thể quay về con số 0 hay không?"
'Vẫn là giải pháp khả thi'
Tuy nhiên, ông Michael Baker - GS sức khỏe cộng đồng tại Đại học Otago (New Zealand) tin rằng việc loại bỏ virus SARS-CoV-2 bằng cách giới hạn đi lại là hoàn toàn khả thi, bất chấp tính dễ lây lan của biến thể Delta.
"Nó vẫn là cùng một loại virus, và lây truyền theo cùng một cách" - ông nói.
"Các đợt bùng phát do biến thể này đã bị loại trừ ở Úc, và New Zealand cũng có thể làm được điều tương tự. Nước này cần nỗ lực nhiều hơn công tác kiểm dịch ở biên giới, phát hiện ổ dịch sớm, truy vết nhanh chóng và đóng cửa nếu cần thiết" - ông nói thêm.
Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Ảnh: QUỲNH ANH
Ông Siddharth Sridhar, nhà virus học lâm sàng tại Đại học Hong Kong cho biết cách tiếp cận "zero COVID" nên được coi là một phương tiện để kết thúc đại dịch, thay vì một mục tiêu duy nhất.
"Triết lý 'zero COVID' coi COVID-19 là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và sẽ làm mọi cách có thể để ngăn chặn các ca bệnh ngay từ đầu, cho đến khi một phần đáng kể trong cộng đồng được tiêm chủng" - ông nói.
Theo chuyên gia này, trong bối cảnh biến thể Delta lan truyền với tốc độ nhanh, các hành động ngăn chặn sớm, mang tính quyết định có thể làm giảm, hoặc thậm chí là loại bỏ sự lây nhiễm.
Đến khi phần lớn dân số được tiêm chủng, vẫn có thể có một số người nhiễm COVID-19, nhưng hầu hết trong số họ sẽ không cần nhập viện. Và đến khi việc tiêm chủng được hoàn tất thì "zero COVID-19" sẽ được loại bỏ vì nó không còn phù hợp nữa, theo chuyên gia Sridhar.