'Lính truyền tải' đưa điện qua Campuchia mùa nước nổi

(PLO)- Mỗi mùa nước nổi về, anh em công nhân truyền tải điện khu vực ĐBSCL lại bước vào thời điểm khó khăn, vất vả trong quá trình vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống đường dây điện 220kV - 500kV.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Anh Dương Văn Trường, Đội phó Đội đường dây 220kV (Đội truyền tải điện Châu Đốc), Truyền tải điện Miền Tây 3, Công ty Truyền tải điện 4, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) chia sẻ, đơn vị của anh quản lý đường dây 220kV Châu Đốc - Tà Keo, là tuyến truyền tải điện đầu tiên của EVNNPT liên kết lưới điện với nước ngoài. Sau 14 năm đi vào vận hành, đường dây đã truyền tải bình quân mỗi năm 1 tỉ kWh điện.

Đường dây 220kV Châu Đốc - Tà Keo gồm 2 mạch dài gần 77km được kết nối từ TBA 220kV Châu Đốc (An Giang) tới TBA 220kV Tà Keo (Campuchia), qua khu vực cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. Toàn bộ tuyến đường dây trên lãnh thổ Việt Nam dài 26,46km với 84 cột.

evnnpt24-10(1).jpg

Đường dây 220kV Châu Đốc - Tà Keo là tuyến truyền tải điện đầu tiên của EVNNPT liên kết lưới điện với nước ngoài.

Hàng năm, từ tháng 8 đến tháng 12, nước lũ tràn về ngập khắp các cánh đồng. Đường dây có trụ điện cao, đi qua khu vực đồng ruộng, địa hình phức tạp với nhiều kênh, rạch chằng chịt. Mực nước lũ dâng cao hơn mặt đất tự nhiên từ 2-3m, phương tiện di chuyển chủ yếu là ghe, xuồng, vì vậy gây khó khăn cho anh em trong quá trình vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và tìm ẩn nguy cơ mất an toàn cho công nhân khi thực hiện nhiệm vụ.

Anh Trường chia sẻ, kỷ niệm khó quên nhất đối với anh trong công tác quản lý vận hành đường dây 220kV Châu Đốc – Tà keo là lúc mới vào ngành được vài tháng.

Thời điểm đó, anh Trường và một số anh em được lãnh đạo đội phân công đi kiểm tra đoạn từ cột 73-84, lúc bấy giờ là thời điểm đỉnh lũ, nước ngập sâu gần 3m tại các vị trí đi kiểm tra.

“Khi đến nơi, chúng tôi dùng chiếc xuồng nhỏ để làm phương tiện đi lại và bơi đến một số vị trí. Gần vị trí cột 84 (cũng là cột cuối cùng, tiếp giáp Campuchia) thì xuất hiện mưa lớn, gió mạnh, chúng tôi cố gắng bơi đến cột 84 và ở đó suốt hơn 1 tiếng, người ướt lạnh rung giữa biển nước”- Anh Trường nhớ lại.

evnnpt24-10(2).jpg
Những “ người lính truyền tải” kiểm tra đường dây 220kV mùa nước nổi.

Anh Huỳnh Thế Vinh, Đội trưởng Đội truyền tải điện Châu Đốc cho biết, mùa nước nổi, anh em truyền tải điện đi kiểm tra đường dây gặp sóng lớn, lật xuồng, có người bị “chuột rút” khi bơi đến cột điện là chuyện thường thấy.

Bên cạnh đó, những người lính truyền tải điện ở khu vực biên giới còn phải luôn trau dồi kiến thức chuyên môn, khả năng sử dụng ngoại ngữ vào công việc. Anh Huỳnh Thế Vinh chia sẻ, do yêu cầu nhiệm vụ công việc, cán bộ, nhân viên Đội truyền tải điện Châu Đốc luôn cố gắng học thêm tiếng Anh và tiếng Khmer.

Anh Kheth Si Quy Na, nhân viên vận hành đường dây 220kV, Đội Truyền tải điện Châu Đốc cho biết, không chỉ phải đối mặt rủi ro khi bảo dưỡng, kiểm tra vận hành đường dây vào mỗi mùa nước nổi, các nhân viên truyền tải điện còn phải học các kỹ năng dân vận, tuyên truyền người dân chằng néo mái nhà, vật bay gần trạm điện, đường dây truyền tải điện, đảm bảo an toàn cho người dân.

“Nhờ biết tiếng Khmer, chúng tôi thường xuyên vận động, tuyên truyền người dân tuân thủ các quy định về hành lang lưới điện một cách hiệu quả, gần gũi. Người dân cũng hỗ trợ vận chuyển miễn phí trang, thiết bị mỗi lần kiểm tra, bảo dưỡng các cột tuyến đường dây”- Anh Kheth Si Quy Na nói.

Ông Châu Sóc Kha, Phó Giám đốc Truyền tải điện miền Tây 3 cho hay, do đặc thù khu vực đường dây đi qua có đoạn giáp biên giới nên tình hình an ninh được siết chặt, việc di chuyển của anh em công nhân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi thực hiện kiểm tra vào ban đêm. Nhận biết được điều đó, lãnh đạo công ty đã chỉ đạo đơn vị phối hợp với Công an huyện Tịnh Biên và Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên ký kết phương án phối hợp bảo vệ an toàn lưới điện truyền tải, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, nhân viên ngành điện thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, ở khu vực đường dây đi qua, khoảng tháng 8 đến tháng 12 hàng năm, nước lũ tràn về ngập khắp các cánh đồng. Tuy nhiên, với trách nhiệm đảm bảo vận hành an toàn đường dây và an toàn cho người lao động, công ty đã tổ chức huấn luyện kỹ năng bơi và trang bị áo phao cho anh em khi di chuyển trên sông nước.

Trước mùa lũ về, công nhân truyền tải đã phải kiểm tra, rà soát, bảo dưỡng đường dây, kiểm tra, siết lại tất cả bu lông của trụ điện và sơn lại chân đế trụ điện, tránh bị rỉ sét khi ngập nước. Tại những vị trí cột bị ngập sâu, thợ điện đã cắm các biển cảnh báo về chiều cao, an toàn điện, tránh hiện tượng phóng điện gây nguy hiểm cho các xuồng đi lại bên dưới đường dây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm