Lo chạy vốn làm xe buýt sạch

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định yêu cầu từng bước thay thế khoảng 2.500 xe buýt cũ, có từ những năm 2002-2004. Riêng từ 1-1-2017, các xe buýt theo đề án đầu tư 1.680 xe phải là loại dùng khí thiên nhiên (CNG) và việc đầu tư này sẽ chấm dứt vào ngày 31-12-2017.

Chạy chuyển đổi (!?)

Theo ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, từ đầu năm 2016 đến nay, các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp đầu tư thêm 103 xe buýt CNG, nâng tổng số xe loại này ở TP lên hơn 280 chiếc. Trong các tháng còn lại của năm 2016, dự kiến sẽ có thêm khoảng 450 xe (cả xe CNG và xe diesel).

“Từ nay tới hết năm 2016, trung tâm khuyến khích các đơn vị đầu tư vào xe CNG. Nhưng từ 1-1-2017, thực hiện quyết định của TP, xe đầu tư mới bắt buộc phải là xe CNG thì mới được tham gia đấu thầu hoặc đặt hàng khai thác tuyến và được trợ giá vé!” - ông Hải nhấn mạnh.

Như vậy đến hết năm 2016, TP có thể có khoảng 700 xe buýt mới (cả CNG và diesel) và trong năm 2017 sẽ có thêm khoảng 1.000 xe CNG được đầu tư mới.

“Chỉ có 12 tháng mà phải đầu tư cả ngàn xe CNG như thế thì các HTX, doanh nghiệp rất khó thực hiện do phải chạy tiền, chạy đua với thời gian, áp lực ghê lắm!” - giám đốc một HTX xe buýt nói.

“Từ lúc ký hợp đồng với nhà sản xuất xe (Samco) đến lúc có xe xuất xưởng, đi đăng kiểm, đăng ký… cho một chiếc xe hoặc một đoàn xe phải mất 3-4 tháng. Như vậy quỹ thời gian thực tế để nhà đầu tư đổi mới xe CNG chỉ còn khoảng 8-9 tháng của năm 2017. Vậy tại sao TP không cho tính thời điểm xe được tham gia đề án là từ lúc nhà đầu tư đặt cọc 30% và ký hợp đồng mua xe từ nhà sản xuất?” - ông Lâm Văn Phấn, Giám đốc HTX Việt Thắng, đặt vấn đề.

Những chiếc xe buýt CNG “second hand” được nhập từ Hàn Quốc chạy trên tuyến xe buýt số 01 (Bến Thành - Chợ Lớn) từ năm 2011 (ảnh trên). 23 xe buýt CNG của Samco được HTX 19-5 đưa vào sử dụng trên tuyến 33 trong năm 2016 (ảnh dưới). Ảnh: LĐ

Bỏ xe, buông tuyến?

Anh Lưu Hoàng Long, nhà ở Củ Chi, đã có trên 10 năm chạy xe buýt. Chiếc xe diesel 80 chỗ của anh nếu nay thanh lý chỉ được chừng 150 triệu đồng. “Tôi sẽ phải xoay xở, vay mượn bên ngoài 850 triệu đồng nữa thì mới có chừng 1 tỉ đồng, đủ số tiền 30% để đặt cọc mua chiếc CNG 68 chỗ như trong đề án 1.680 xe buýt mới!” - anh Long nói.

Theo tính toán của anh Long, với số tiền vay 70% còn lại thì mỗi tháng anh phải “cày” hết sức để có 28-30 triệu đồng đặng trả vốn và lãi cho ngân hàng. Đó là chưa tính đến tiền công cho tài xế, tiếp viên, tiền chăm sóc bảo dưỡng xe, tiền châm gas mỗi ngày…

Anh Lê Hoàng Minh, từng lái xe buýt CNG cho một công ty, cho biết lái xe CNG cực hơn cả xe dầu. Vì xe dầu hết dầu thì bơm ở đâu, giờ nào cũng được. Còn lái xe CNG thì sau chuyến cuối ngày đã là 20-21 giờ phải chạy về trạm nạp gas, chờ và nạp mất 2-3 tiếng nữa, rồi đánh xe về tới bãi đã là hơn 23-24 giờ khuya mới được trở về nhà. Nghỉ ngủ chưa được bốn tiếng lại phải lật đật chạy ra bãi để chạy xe cho một ngày mới.

“Lái xe gas chừng hai tháng, người tôi cân nặng từ 70 kg chỉ còn 55 kg, mà lương thì cũng thế nên tôi đành bỏ chạy qua lái xe dầu trở lại!” - anh Minh cho biết.

Nhiều ý kiến cho rằng suất đầu tư ban đầu cho xe CNG cao, thời gian thực hiện gấp gáp, tiền trả vốn vay (cả gốc và lãi cao dù đã được TP hỗ trợ một phần), tiền công cũng tương tự lái xe diesel và thời gian lái xe mỗi ngày nhiều hơn, khổ hơn… Vì thế từ sau 1-1-2017, việc chủ xe, HTX, doanh nghiệp không “theo kịp” để được thụ hưởng ưu đãi từ đề án 1.680 xe mới sẽ buông xe, bỏ tuyến, rời nghề là có thể xảy ra.

Thiếu trạm nạp gas

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện TP chỉ có ba trạm nạp gas CNG ở đường Phổ Quang, Bến xe An Sương và khu Làng ĐH Thủ Đức. Hồi tháng 4-2016, Sở GTVT đưa ra tính toán muốn cấp đủ, đều gas CNG cho khoảng 1.000 xe CNG mỗi ngày và giảm thời gian lao động, chờ đợi cho tài xế thì TP phải có ít nhất 20 trạm, điểm nạp gas CNG.

Trong khi đó, đại diện Công ty CP Kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Nam (PV Gas South) cho hay trong năm 2016 sẽ đầu tư thêm một trạm con tại Bến xe quận 8. Nhưng đến nay trạm thứ tư trên vẫn chưa thấy.

______________________________

Hiện Sở GTVT và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM xây dựng bộ đơn giá mới cho xe buýt. Theo đó, có các định mức khác nhau cho các loại xe chạy bằng diesel và khí CNG. Phần chênh lệch giá sẽ dành cho nhà đầu tư thụ hưởng nhằm khuyến khích họ mạnh dạn mua, đưa vào sử dụng nhiều xe buýt CNG hơn nữa.

Ông ĐẬU AN PHÚC, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm