“Không thể để TP xanh, văn minh, thân thiện mà có những đoàn xe buýt cũ, xả khói khắp đường phố”. Sáng 6-4, tại hội thảo sử dụng nhiên liệu sạch (CNG) trong giao thông vận tải khu vực phía Nam, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, phát biểu như trên.
Theo ông Minh, hiện đoàn xe buýt 3.000 chiếc của TP đã qua 10-13 năm tuổi. Nhiều xe cũ, không được chăm sóc, bảo dưỡng kỹ nên thường xuyên thải khói đen, gây ô nhiễm môi trường. “Năm 2014, TP ra quyết định đầu tư mới, thay thế 1.680 xe buýt, trong đó có 300 xe buýt CNG nhằm cải thiện hình ảnh xe buýt và môi trường TP. Đến nay TP đã có 178 xe buýt CNG chạy trên bốn tuyến” - ông Minh thông tin.
Tuyến xe buýt số 01 Bến Thành - Chợ Lớn chạy bằng xe CNG ngày càng đông khách. Ảnh: LĐ
Ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco), cho biết từ năm 2011, Sài Gòn bus (công ty con của Samco) đưa 21 xe buýt CNG đầu tiên chạy trên tuyến số 01 Bến Thành - Chợ Lớn. Qua năm năm sử dụng, đơn vị thấy xe buýt CNG đạt yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, hiệu quả về giảm phát thải ra môi trường và tiết kiệm được 20%-30% chi phí nhiên liệu so với xe chạy bằng diesel.
“Số tiền mua xe CNG mới có thể còn cao (2,75 tỉ đồng/chiếc) nhưng chi phí vận hành, khai thác, chăm sóc, bảo dưỡng định kỳ thấp là điều hấp dẫn nhà đầu tư. Đó cũng là cơ sở để Samco mạnh dạn đầu tư vào sản xuất các dòng xe buýt, xe khách CNG” - ông Toản nói.
Theo ông Đậu An Phúc, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng, hiện Sở GTVT và Viện Nghiên cứu phát triển TP đang xây dựng bộ đơn giá mới cho xe buýt. Theo đó, sẽ có các định mức khác nhau cho các loại xe chạy bằng diesel và khí CNG. “Phần chênh lệch giá sẽ dành cho nhà đầu tư thụ hưởng nhằm khuyến khích họ mạnh dạn mua, đưa vào sử dụng nhiều xe buýt CNG hơn nữa. Hiện đã có hàng loạt đơn vị đăng ký đưa xe buýt CNG vào chạy, vượt quá con số 300 xe mà TP dự liệu” - ông Phúc thông tin.
Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất chọn UBND, Sở GTVT TP.HCM chủ trì cho việc xây dựng những đề xuất trên. Khi được trung ương chấp thuận, đưa ra chính sách quốc gia thì đây sẽ là “nền” để đầu tư, phát triển xe buýt không chỉ ở 2-3 tỉnh liền kề nhau mà còn là cơ sở cho việc thay thế, phát triển xe khách chạy liên tỉnh.
Cần chính sách quốc gia Không thể để cảnh xe buýt của TP.HCM chạy ra Đồng Nai, đến TP Biên Hòa là xe buýt sạch, còn xe từ Biên Hòa vào TP.HCM là xe buýt cũ, xả đầy khói đen. Hiện nay sử dụng xe buýt CNG là nhu cầu lớn của các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ chứ không chỉ riêng TP.HCM. Tuy nhiên, trước mắt các tỉnh, thành liền kề như TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương cần ngồi lại, phối hợp với nhau, có tiếng nói chung kiến nghị lên Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Tài chính… có các chính sách về sản xuất, đầu tư, đánh thuế, hỗ trợ cho phát triển xe buýt sạch CNG. Ông TRẦN VĂN QUAN, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai |