Lo đội vốn giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành

Ngày 18-10, phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) diễn ra ở Đà Nẵng tiếp tục thảo luận về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành.

Báo cáo tại phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế của QH, ngày 17-10, ông Nguyễn Nhật (Thứ trưởng Bộ GTVT) cho biết tổng diện tích dự kiến thu hồi của dự án sân bay Long Thành (thuộc địa bàn huyện Long Thành, Đồng Nai) khoảng 5.585 ha. Tổng vốn đầu tư cho dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành là hơn 23.000 tỉ đồng. Lộ trình thực hiện dự án là từ năm 2018 đến 2022, trong đó thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo tinh thần của Ủy ban Thường vụ QH.

Giao đất năm 2020, không thể áp giá năm 2017

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, nhận định việc kéo dài công tác giải phóng mặt bằng nhiều khả năng sẽ làm đội vốn thêm 30% so với con số hơn 23.000 tỉ đồng (tính theo thời giá tháng 7-2017). Theo ông Lợi, cần ra quyết định bồi thường, thu hồi đất ngay lập tức trong năm 2018.

“Việc xác định lộ trình dự án đến năm 2022 là quá dài. Bởi với số tiền chừng đó thôi, kéo dài thì ảnh hưởng giá sinh hoạt dẫn đến giá trị đầu tư tăng lên. Bây giờ mà ứng được vốn để xử lý trước thì tránh được trượt giá, đỡ đội vốn” - ông Lợi nói.

Đồng tình với ông Lợi, ông Đặng Hoàng Tuấn, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH, cho rằng dự án nếu thu hồi đất một lần thì phải tập trung bồi thường một lần, tránh khiếu kiện kéo dài. “Giá đất mỗi thời điểm một khác, người dân giao đất năm 2020 sao chịu nhận tiền theo thời giá năm 2017” - ông Tuấn nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh, trung ương nên đầu tư một lần và toàn bộ. Sau này thu được bất cứ khoản nào thì Đồng Nai cam kết sẽ nộp về cho trung ương, Đồng Nai không giữ một đồng nào.

“Chúng tôi cam kết việc thu hồi giải tỏa đất dự án này sẽ thực hiện xong trong thời gian ba năm. Nhưng trung ương có cam kết chi trả tiền bồi thường hỗ trợ cho người dân trong ba năm hay không?” - ông Vĩnh nói.

5.000 ha là số diện tích đất xây dựng sân bay (trong tổng số 5.585 ha thu hồi). Diện tích đất xây dựng hai khu tái định cư là 565,14 ha, đất xây dựng nghĩa trang là 20 ha.  

Nhiều vấn đề chưa rõ

Là cá nhân trình bày phản biện độc lập về dự án, ông Bùi Ngọc Tuân (nguyên chuyên viên cao cấp, Bộ TN&MT) cho rằng hồ sơ dự án còn một số vấn đề chưa ổn. Cụ thể là vẫn chưa có báo cáo chính thức (dưới hình thức mục lục) kết quả tổng hợp điều tra, khảo sát đối với người dân và doanh nghiệp thuộc đối tượng bị thu hồi đất khu vực sân bay Long Thành. Do vậy, một số vấn đề trong báo cáo, ý kiến tham gia chủ yếu mang tính khuyến cáo vì không đủ cơ sở để phân tích, cụ thể hóa.

“Sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong phần nội dung của báo cáo sẽ là nguyên nhân của khiếu nại, tố cáo, gây mất ổn định khi tổ chức triển khai dự án” - ông Tuân nhìn nhận.

Một vấn đề quan trọng nữa cũng chưa được làm rõ, tách bạch là cơ chế bồi thường và cơ chế hỗ trợ song song. Theo các đại biểu, hai cơ chế này có bản chất pháp lý và kinh tế rất khác nhau. Nội hàm của từng cơ chế cũng khác nhau và đã được Luật Đất đai thể chế từ Điều 74 đến Điều 94. Tuy nhiên, trong nội dung báo cáo, hai cơ chế này áp dụng trong nhiều trường hợp chưa thống nhất với luật.

Kết luận hội nghị, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, nói vấn đề các đại biểu nêu ra rất xác đáng, là cơ sở để ủy ban và Bộ GTVT hoàn thiện các báo cáo, tờ trình trình ra QH xem xét, quyết định.

Băn khoăn tính cấp thiết đầu tư một số đoạn cao tốc Bắc-Nam phía Đông

Chiều 18-10, tại phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế của QH, các đại biểu đã bàn về dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam (phần phía Đông) giai đoạn 2017-2020.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, giai đoạn này sẽ đầu tư khoảng 654 km, tách thành 11 dự án thành phần. Trong đó có tám dự án đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và ba dự án thực hiện đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn này khoảng 118.716 tỉ đồng, tính theo mặt bằng giá quý II-2017. Trong đó, vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỉ đồng, còn lại là vốn tư nhân.

Phản biện tại phiên họp, ông Trần Văn Tiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, đề nghị Bộ GTVT cần đánh giá lại năng lực thông xe và lưu lượng xe trong các khu vực dự án. Đặc biệt là các tuyến đường song song như đường Hồ Chí Minh, đường ven biển… để xác định tính cấp thiết. Ngoài ra, cần đầu tư đồng bộ bốn làn xe rồi nâng cấp, không nên phân kỳ làm hai làn xe từ đầu rồi nâng lên sẽ xáo trộn cuộc sống người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới