Lo gặp rắc rối với cho vay, thanh toán… bằng điện tử

(PLO)- Nhiều khoảng trống pháp lý còn bỏ ngỏ cần được lấp đầy trong dự thảo sửa đổi Luật Giao dịch điện tử.

Bộ TT&TT đang lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi Luật Giao dịch điện tử. Khi luật này được ban hành sẽ ảnh hưởng đến tất cả tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến giao dịch điện tử, trong đó ngành tài chính ngân hàng chịu tác động rõ nét nhất.

Nhu cầu giao dịch, thanh toán theo phương thức điện tử của người dân ngày một gia tăng. Ảnh: TL

Vẫn còn nhiều nút thắt

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho biết: Thời gian qua, hoạt động của các ngân hàng, trung gian tài chính gặp nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí rủi ro pháp lý do thiếu khuôn khổ pháp luật quy định về giao dịch điện tử. Do đó việc xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý hoàn thiện để khắc phục những bất cập, tồn tại của luật hiện hành, đặc biệt đối với vấn đề bảo đảm giá trị pháp lý của giao dịch điện tử.

Tuy nhiên, nhiều quy định trong dự thảo có thể gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng nếu được áp dụng, nhất là những quy định liên quan đến tính pháp lý của chữ ký điện tử và chữ ký số. Cụ thể, dự thảo quy định “nếu pháp luật yêu cầu văn bản cần có chữ ký thì thông điệp dữ liệu đáp ứng yêu cầu này là thông điệp dữ liệu được ký bằng chữ ký số”.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận thấy quy định này có thể khiến các giao dịch điện tử trở nên khó hiểu, phức tạp hơn, từ đó gia tăng chi phí cho doanh nghiệp và cản trở việc người dân thực hiện các giao dịch điện tử. Bởi các bên trong giao dịch dân sự, thương mại có quyền thỏa thuận và lựa chọn mức độ tin cậy của chữ ký điện tử.

“Các loại chữ ký điện tử khác vẫn nên được coi là có giá trị pháp lý và có giá trị xác nhận giao dịch của các bên tham gia. Chữ ký số chỉ có giá trị tin cậy cao hơn so với các loại chữ ký khác do được chứng thực bởi một bên thứ ba” - VCCI nhấn mạnh.

Chữ ký số sẽ giúp đơn giản hóa và tiết kiệm hơn rất nhiều khi thực hiện một giao dịch tài chính theo phương thức ký trực tiếp như hiện nay.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho biết thêm: Hiện nay, để thực hiện các thủ tục vay, cho vay, chuyển tiền ra nước ngoài…, khách hàng đều phải trực tiếp đến ngân hàng để ký vào các loại giấy tờ liên quan. Vướng mắc lớn nhất của giao dịch điện tử là người dân không có chứng thư số. Khi vướng mắc này được giải quyết thì người dân có nhu cầu vay vốn hay chuyển tiền ra nước ngoài… sẽ không cần phải đến ngân hàng nữa mà các thủ tục sẽ được xác nhận thông qua chữ ký số.

“Việc cấp chứng thư số cho người dân và doanh nghiệp chắc chắn sẽ phát sinh chi phí. Nhưng so với việc phải đến tận nơi để ký tá một loạt giấy tờ thì chữ ký số sẽ giúp đơn giản hóa, tiết kiệm hơn rất nhiều khi thực hiện một giao dịch tài chính theo phương thức ký trực tiếp như hiện nay. Nếu Bộ Công an chấp thuận cấp chứng thư số cho người dân thông qua CCCD gắn chip sẽ giúp giảm thiểu chi phí rất nhiều, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho các giao dịch tài chính đối với các bên liên quan” - vị phó tổng giám đốc ngân hàng thương mại đề xuất.

Giúp người dân tiết kiệm
thời gian, tiền bạc

Chị Hồ Ngọc Anh, chủ một cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa ở quận Tân Bình, TP.HCM, cho biết: Hiện nay khi đi vay tiền tại các công ty tài chính, nếu hồ sơ đủ điều kiện cho vay thì mọi thủ tục đều được thực hiện trực tuyến mà không cần phải đến tận nơi ký giấy tờ. Tuy nhiên, tại các ngân hàng thì hoàn toàn ngược lại, các phương thức xác thực khách hàng bằng e-KYC chỉ để mở tài khoản thanh toán, còn muốn ký hợp đồng tín dụng vẫn phải đến tận nơi.

“Tôi cho rằng nếu ngân hàng chấp nhận chữ ký điện tử sẽ giúp cho người dân tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc” - chị Anh nêu nguyện vọng.

Đề nghị bổ sung nhiều nội dung

Đại diện một số ngân hàng cho biết dự thảo còn quy định chung chung về chữ ký số mà chưa nêu rõ ràng trong khi chữ ký số đang có nhiều loại hình thức khác nhau. Đại diện Ngân hàng Quân đội (MB) dẫn chứng: Luật Giao dịch điện tử chủ yếu đề cập và quy định đối với chữ ký điện tử, chứng thư điện tử, trong khi thực tế các giao dịch của các ngân hàng đang được chấp nhận các biện pháp xác thực khác tùy theo loại giao dịch.

“Vậy các giao dịch không được ký với chữ ký điện tử mà sử dụng các biện pháp xác thực theo quy định hiện hành thì tính pháp lý của các chứng từ giao dịch trong trường hợp này sẽ xác định như thế nào?” - đại diện MB đặt vấn đề và kiến nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ ràng hơn về giá trị pháp lý của các loại hình chữ ký điện tử ngoài chữ ký số.

Đề cập đến khó khăn này, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), cho biết dự thảo luật hiện mới thừa nhận về tính pháp lý chữ ký số mà chưa công nhận chữ ký điện tử. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều cá nhân dù chưa có chữ ký số nhưng đã có chữ ký điện tử do nhu cầu thanh toán điện tử, thanh toán trực tuyến.

Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về cấp độ chữ ký điện tử, giá trị pháp lý theo cấp độ. Qua đó để bảo đảm phù hợp với thực tiễn khi sử dụng chữ ký điện tử cũng như xác thực các giao dịch trên môi trường điện tử, cũng như tạo căn cứ để các ngành, lĩnh vực khác có các hướng dẫn cụ thể.

“Bên cạnh đó, đề nghị ban soạn thảo quy định cụ thể hơn về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, công nhận các xác nhận OTP và các xác nhận khác trên nền tảng công nghệ khác. Từ đó tạo thuận lợi cho giao dịch xuyên biên giới, trong đó có giao dịch bảo lãnh và cần thừa nhận chữ ký của đối tác nước ngoài, người không cư trú” - ông Dũng nhấn mạnh.•

Vướng mắc ở… cơ quan nhà nước

VCCI cho biết hiện nay có tình trạng một số doanh nghiệp và người dân mong muốn được thực hiện các giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước nhưng nhiều trường hợp cơ quan nhà nước từ chối tiếp nhận bản điện tử hoặc tiếp nhận xong vẫn yêu cầu nộp thêm bản giấy. Điều này gây cản trở rất lớn đối với việc điện tử hóa các dịch vụ công, thủ tục hành chính; gây mất thời gian, công sức, tiền bạc của người dân và doanh nghiệp, thậm chí còn là cơ hội cho nhũng nhiễu, tiêu cực.

Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nguyên tắc cơ quan nhà nước buộc phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan này không được phép từ chối hoặc yêu cầu nộp thêm hồ sơ là bản cứng thì mới tiến hành xử lý hồ sơ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới