Lơ là với học sinh đặc biệt nên dẫn đến hậu quả

Vừa qua, vụ việc học sinh L.T.P.H., lớp 6/7 Trường THCS Phan Bội Châu (quận Tân Phú, TP.HCM) tử vong tại lớp sau khi bị cô giáo phạt bằng phương pháp nằm sấp, đánh roi vào mông gây xôn xao dư luận. Dù biết rằng em H. có tiền sử bị bệnh động kinh và hành động phạt học sinh của giáo viên không hẳn là quá đáng, song kết hợp hai sự việc ấy lại dẫn đến hậu quả em H. tử vong thực sự quá nặng nề, vượt ngoài mọi dự liệu.

Ý kiến của bạn đọc gửi về cho PLO rất đa dạng, có người bất bình, có người thông cảm. Nhưng đa số đều thấy rằng các trường học cần có một cơ chế hướng dẫn, quản lý và giám sát cách hành xử của giáo viên đối với học sinh, đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, chặt chẽ hơn, nhằm tránh những hậu quả xót xa như đã xảy ra ở trường THCS Phan Bội Châu .

Cảm phục tấm lòng bao dung của gia đình 

Hằng ngày, hàng triệu trẻ em đến trường học tập, vui chơi và rèn luyện dưới sự hướng dẫn, giám sát của thầy cô. Có thể nói, giáo viên không khác gì cha mẹ thứ hai khi chịu trách nhiệm giáo dục và coi sóc các em mỗi ngày. Tuy không nhiều, nhưng một số vụ tai nạn bất ngờ vẫn xảy ra ngay trong trường học khiến các em bị thương, thậm chí tử vong.

 Trường Phan Bội Châu, nơi em H. theo học

Trường hợp của em L.T.P.H. khi bị giáo viên phạt đánh vì không thuộc bài, em H. có biểu hiện khó thở, mắt trợn lên và tiểu ra quần. Dù được cấp cứu nhưng em đã tử vong. Nhận hung tin, gia đình em đau đớn tột độ nhưng phụ huynh cho biết sẽ không truy cứu trách nhiệm của cô giáo.

Ông K., cậu của cháu H. nói: “Cháu H. rất hiền và ngoan, giờ gia đình chỉ muốn cháu yên nghỉ chứ không làm to chuyện. Cô còn trẻ nên gia đình không muốn làm ảnh hưởng đến tương lai và công việc của cô”.

Trước cách xử sự đầy lòng bao dung của gia đình học sinh xấu số, nhiều bạn đọc Pháp Luật TP.HCM không khỏi ngậm ngùi và cảm phục.

Bạn Khoa 2244 cảm động nói: “Cũng là một người cha có con đang đi học như cháu, tôi rất nể phục hành động của những người thân của cháu. Sự bao dung của họ thật đáng kính phục, không biết bao nhiêu người sẽ ứng xử được như họ trong hoàn cảnh ấy. Cầu mong mọi người hãy bao dung tha thứ cho giáo trẻ”.

Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình rằng đây chỉ là một tai nạn, dư luận hãy thông cảm với cô giáo vì “cô giáo đã mắc một sai lầm lớn nhất trong cuộc đời và cô đã khóc trước linh cữu của bé. Chúng ta hãy chung tay cầu nguyện cho hai bên đều được tốt đẹp. Gia đình em mạnh khỏe, cố gắng vượt qua cú sốc này. Còn cô giáo cố gắng sống tốt hơn về sau”, bạn tran khanh phuong nói.

 Cô V. khóc nấc trước linh cữu em H. và nói: "Cô xin lỗi con, xin lỗi gia đình..."

Đồng tình, bạn khacvu nêu ý kiến: “cô cũng chỉ muốn tốt cho học sinh thôi. Do cháu quá sợ nên bị sốc, theo tôi đây là trường hợp không may, hãy cho cô cơ hội sửa sai”.

“Tôi không phải là nhà giáo nhưng tôi xin nói 1 câu " hãy thông cảm cho nghề nhà giáo". Dạy dỗ 1 lớp mấy chục em không nóng mới là lạ...Ở đời ai cũng có cái sai cả. Chúng ta không nên tát nước theo mưa để hình phạt một người không đáng bị hình phạt”, là ý kiến của bạn dinhvan.

Ngoài ra, rất nhiều độc giả khác cùng chung suy nghĩ hãy cho cô giáo một cơ hội vì thực chất đây là tai nạn ngoài ý muốn. Gia đình của học sinh H. đã có cách hành xử vô cùng nhân văn và độ lượng, hiếm có trong xã hội hiện nay.

Có lẽ từ phía họ, cũng như đối với nhiều độc giả, đó là cách xử lý nhẹ nhàng nhất cho cả cháu bé đã ra đi và những người còn ở lại, đặc biệt là với cô giáo V., một giáo viên trẻ còn cả tương lai phía trước.

Lơ là với học sinh đặc biệt nên dẫn đến hậu quả

Theo ý kiến của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1: “Động kinh không thể làm bệnh nhân chết mà bệnh nhân chết là do té ngã, ngạt nước, sặc”.

Như vậy, vấn đề là ở chỗ xử lý như thế nào trước một trường hợp bị động kinh, nhất là trẻ nhỏ là vô cùng quan trọng. Điều khiến nhiều người chê trách giáo viên là biết em H. bị bệnh nhưng vẫn áp dụng hình thức phạt đánh với em, hơn nữa, lại là đánh khi em nằm sấp. Điều này cho thấy giáo viên đã thiếu kinh nghiệm và chủ quan trước một trường hợp đặc biệt. 

 Cảnh giáo viên đánh học sinh mạnh tay từng được phản ánh trên báo chí

Độc giả Quang tỏ ra tiếc nuối: “Cô giáo nông nổi quá! Khi học sinh đã báo cô về việc bạn mình có sức khỏe yếu nhưng cô vẫn không nghe là không thể chấp nhận được. Có lẽ cô nên tìm nghề khác thích hợp hơn”. Trong khi đó, một độc giả tên GV có cái nhìn toàn diện hơn, bạn nói: “cô giáo đã có trách nhiệm khi cố gắng cấp cứu cho học sinh. Tuy nhiên giáo viên này đã thiếu nhạy cảm và thực tiễn nên dùng sai phương pháp, dẫn đến tai nạn”.

Có thể thấy từ trường hợp này một thực tế khác đáng lo ngại. Phải chăng việc quản lý, giám sát cách hành xử của giáo viên với học sinh trong nhà trường còn buông lỏng? Hơn nữa, Nhà trường chưa có những biện pháp nghiêm túc để có cách ứng xử thích hợp với các học sinh có hoàn cảnh đáng lưu tâm về thể chất như bị bệnh tim, động kinh, dị tật nhỏ….hay về tinh thần như dạng tự kỷ nhẹ, nhạy cảm, có vết thương gia đình ….

Về phía mình, các giáo viên cũng chưa được hướng dẫn đầy đủ, đến nơi đến chốn nên các em cứ có lỗi là trách phạt. Thậm chí, có những hình phạt đối với một học sinh bình thường cũng khó có thể chấp nhận được. Độc giả Phúc cho rằng: “có thể thông cảm nhưng không có nghĩa là bỏ qua . Một giáo viên trẻ sao lại dùng hình phạt như vậy với học sinh? Đó là đứa trẻ lớp 6, nhân cách dần hình thành không thể nào dùng hình phạt như vậy?”.

 Vụ một thầy giáo ở Bình Định tát học sinh liên tiếp được ghi lại

Bạn đọc HuyNam thì nói: “Các trường, các cấp đào tạo ngành nghề Sư Phạm phải chịu trách nhiệm chính với cách giáo dục cho học sinh bây giờ. Gia đình cháu bé dù có tấm lòng cao thượng nhưng không thể để xã hội nghĩ việc này là bình thường, đơn giản”.

“Tôi đồng ý cuộc sống quanh ta cần có một tấm lòng, từ phía dư luận, từ phía gia đình. Nhưng ở góc độ nghiệp vụ sư phạm thì đây là một lời cảnh tỉnh cho các thầy, cô trong ứng xử tình huống sư phạm” là ý kiến của độc giả Kiến.

*

*                *

Nghề giáo là một nghề nghiệp đặc biệt, chịu nhiều áp lực, khó khăn và cũng là nghề được xã hội đánh giá là cao quý. Bên cạnh việc xây dựng những chuẩn mực hành xử, nguyên tắc hành động của cơ quan quản lý, từng giáo viên cần thấu hiểu được tính chất nghề nghiệp mình đã chọn. Cái khó nhất, và cũng là cái đáng quý nhất ở người giáo viên là nuôi dưỡng được phẩm chất sư phạm, một cái tâm thực sự đối với mọi học sinh.

Cúi xuống và tha thứ! 
Một cô giáo, trong hành xử thông thường, đã phạt roi một trò nhỏ. Trò nhỏ có bệnh và sự cố xảy ra: Trò ngưng thở, qua đời.
Có vài chi tiết đính kèm, có người thân gia đình kể chuyện trên FB với đề nghị share cho báo chí và mọi người lên tiếng. Các tờ báo có đưa thông tin. Bình luận thì nhiều chiều. Người thì thông cảm bảo đó là tai nạn. Người thì bức xúc nói cô giáo ác, nói không có gì biện minh về cái chết do cô giáo gây ra, người sâu xa hơn thì chỉ trích nền giáo dục ... Chỉ có gia đình thì không thấy lên tiếng.
Cho tới buổi chiều nay, mới thấy hình ảnh gia đình trong một bài báo.
Hình ảnh đó vầy: Cô giáo cùng tập thể giáo viên trong trường đến thắp nhang cho cháu. Cô giáo xin lỗi cháu trước quan tài. Ông nội cháu bé cầm áo khoác lên người cô giáo, lau nước mắt cho cô giáo bảo: "Con cứ yên tâm về đi!".
Với tôi, đây mới chính là đỉnh điểm câu chuyện đáng quan tâm nhất: Cái kết đã đến bằng lòng vị tha cao thượng. Bài học mang tính giáo dục nhất của sự cố này chính là bài học về lòng vị tha.

Nó không phải là cái lý của lý tính lạnh lùng. Nó, chính là vượt qua nỗi đau, niềm hận, sự tiếc thương....Bởi, bạn phải lớn như thế nào, bạn mới cúi xuống choàng cái áo và lau nước mắt cho kẻ lỗi lầm để nói lời vị tha. 

Xin cảm ơn bài học từ một gia đình mà tôi chưa biết họ....

                                                                                              TIẾN HÙNG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm