Trưa ngày 9-12-2014, một học sinh lớp 1 bị tủ đựng gối mền đặt trong lớp học ngã đè gây chấn thương đầu, cháu bé tử vong ít giờ sau đó.
Sáng 20-12, một học sinh lớp 7 leo lên tay vịn cầu thang, tuột xuống tầng dưới nhưng không may bị tuột tay ngã tử vong.
Ngày 6-1, cháu bé học lớp 6 có tiền sử bệnh động kinh, bị cô giáo phạt, sợ hãi đến ngất xỉu rồi tử vong sau đó.
Ngày 9-1, một cháu bé học lớp 4 đi chơi công viên nước Đầm Sen cùng với các bạn trong trường cũng đã tử vong do ngạt nước. Bước đầu cơ quan điều tra nhận định, học sinh tử vong có dấu hiệu do bệnh lý hen suyễn.
Hàng loạt cái chết đau lòng liên quan đến học sinh liên tiếp xảy ra khiến những người làm cha làm mẹ chúng tôi không khỏi giật mình.
Sau cái chết của hai học sinh trong trường học, Sở GD – ĐT đã có văn bản yêu cầu các trường học trên địa bàn TP phải xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho học sinh sinh viên (HSSV) trong các hoạt động ngoại khóa; có phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Các trường học cũng đồng loạt rà soát lại cơ sở vật chất, kiểm tra tất cả những gì có thể gây nguy hiểm cho học sinh trong nhà trường.
Thế nhưng ngay sau văn bản nhắc nhở, liên tiếp hai học sinh tử vong. Hai cái chết đều được cho là có liên quan đến sức khỏe, tiền sử bệnh của học sinh.
Là phụ huynh, chúng tôi không khỏi băn khoăn, lo lắng về vấn đề an toàn và vệ sinh học đường, một trong những chính sách không kém phần quan trọng của hệ thống giáo dục.
Hàng năm, nhà trường đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, chưa kể trong sổ liên lạc của học sinh cũng có những lưu liên quan đến sức khỏe của từng bé. Vậy việc quản lý sức khỏe học sinh, đặc biệt với những học sinh đang mang bệnh lý được nhà trường thực hiện như thế nào? Bệnh lý của học sinh có được phổ biến đến từng giáo viên để họ nắm bắt được mà có những biện pháp phòng ngừa cho học sinh?
Với hai vụ việc đáng tiếc trên, có thể, các giáo viên đã không hề biết, dẫn đến chủ quan, gián tiếp gây ra tai nạn cho con trẻ? Mà cụ thể ở đây là cô giáo vẫn ra tay phạt học sinh đến độ bé ngất xỉu mà cô vẫn nghĩ rằng bé giả vờ. Hay cháu bé học lớp 4, có bệnh lý hen suyễn, vẫn tham gia trò chơi mạo hiểm trong công viên nước?
Chặn đầu này, hở đầu kia. Sau mỗi cái chết liên quan đến học sinh, ngành giáo dục lại giật mình, ra văn bản rà soát, chấn chỉnh.
Môi trường học đường được xem là an toàn hơn cả thế nhưng giờ đây, phụ huynh chúng tôi mỗi ngày gửi con đến trường lại là một ngày lo.
Ai cho con chúng tôi được an toàn?