Lo lắng vì bỗng nhiên trở thành giám đốc công ty

(PLO)- Người đàn ông 44 tuổi hiện đang sống trong lo lắng vì bỗng nhiên thông tin của mình bị ai đó lấy để đăng ký làm giám đốc, đại diện pháp luật của một công ty có trụ sở tại TP.HCM.

Ngày 16-3, ông NTL (44 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết hiện rất lo lắng vì bỗng nhiên thông tin của ông bị ai đó đăng ký làm giám đốc, đại diện pháp luật của một công ty có trụ sở ở quận Bình Thạnh.

Theo ông L, trước Tết, ông tra cứu mã số thuế bằng CCCD trên hệ thống điện tử thì tá hỏa phát hiện mình đang là giám đốc một công ty có trụ sở ở phường 6, quận Bình Thạnh.

Khi tra cứu, ông L phát hiện thông tin của mình đã bị ai đó "đánh cắp" dùng mở một công ty. Ảnh: HT

Ông L lo quá nên chạy qua địa chỉ mà công ty này khai báo là trên đường Nguyễn Huy Tưởng (phường 6, quận Bình Thạnh). Tuy nhiên, đây là một tòa nhà làm văn phòng cho thuê. “Người chủ cho một người Trung Quốc thuê lại, người này lại tiếp tục chia thành các văn phòng nhỏ và cho thuê tiếp. Không ai ở đây biết về công ty này” – ông L nói và cho biết số điện thoại đăng ký cũng là số ảo, không liên lạc được.

Ông L không tài nào tìm ra địa chỉ công ty mà ai đó dùng thông tin của mình để đăng ký. “Họ dùng thông tin, giấy tờ của tôi để đăng ký, tôi không biết họ lấy thông tin từ đâu, cũng không biết mình làm lộ lọt ra sao” – ông L tiếp và cho biết ai đó đã lấy cắp thông tin của ông để đứng tên công ty này.

Ông L tới tòa nhà trên địa bàn quận Bình Thạnh là nơi đăng ký trụ sở công ty nhưng không tìm được thông tin nào. Ảnh: HT

Ông L đến Sở Kế hoạch Đầu tư, Chi cục thuế... để trình báo vụ việc mình bỗng nhiên thành giám đốc. Ông L cũng cho biết, theo thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì công ty này có vốn điều lệ là năm tỉ đồng, đăng ký lần đầu vào tháng 8-2023.

Ông L cho biết hiện đã trình báo vụ việc lên cơ quan chức năng và đang chờ phản hồi chính thức.

Mức phạt với hành vi lấy cắp thông tin người khác

Vậy hành vi lấy CCCD của người khác hoặc sử dụng CCCD giả để thực hiện hành vi vi phạm được pháp luật quy định xử lý như sau: Căn cứ tại khoản 2 và 4 Điều 10 Nghị định 144/2021 quy định phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với một trong những hành vi chiếm đoạt, sử dụng CCCD của người khác.

Phạt tiền 4-6 triệu đồng đối với hành vi làm giả CCCD nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Như vậy, trong trường hợp trên, người lấy cắp thông tin của người khác chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì chỉ bị phạt hành chính.

Tuy nhiên, trong trường hợp người vi phạm lợi dụng giấy tờ giả đó để lừa đảo, thu lợi bất chính thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức... theo Điều 341 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Cụ thể, người phạm tội có thể bị phạt 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù có thể chịu phạt tù lên đến bảy năm tùy theo mức độ vi phạm...

Khi phát hiện được hành vi vi phạm nêu trên, để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, người dân có thể thực hiện các biện pháp sau: Gửi văn bản thông báo tới cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh… và yêu cầu các cơ quan này hỗ trợ, có biện pháp chấm dứt mã số thuế đã đăng ký theo CCCD của mình.

Đồng thời, người dân trình báo cơ quan công an có thẩm quyền vì bị người khác thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật...

Luật sư HOÀNG ANH SƠN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới