“Xu hướng phát triển đại lộ, đường cao tốc ven sông, ven biển đã có từ những năm 1970 ở các nước phát triển nhưng sau đó họ đã phải điều chỉnh vì không phù hợp. Nó lấy mất đi cơ hội của người dân trong việc tiếp cận ra bờ sông. Do đó TP.HCM nên lưu ý điều này…”.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết như trên trước việc Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh đề xuất làm siêu đường ven sông Sài Gòn dài 63 km, nối từ quận 1 đến huyện Củ Chi (Pháp Luật TP.HCMphản ánh ngày 21-3).
Cẩn trọng vấn đề kẹt xe
Góp ý thêm, TS Phạm Sanh nói đơn vị đề xuất phải có nghiên cứu bài bản cả về quy hoạch đô thị lẫn quy mô, hướng tuyến. Đường hoàn toàn men theo bờ sông hay mượn đường hiện có? Về hướng tuyến, nó có chồng lấn một phần với đường trên cao số 4 theo quy hoạch phát triển giao thông của TP.HCM đã được phê duyệt hay không?
Theo TS Phạm Sanh, về kết nối giao thông với khu vực Củ Chi thì trong quy hoạch đã xác định sẽ đầu tư mở rộng quốc lộ 22, xây dựng tàu điện ngầm số 2, đồng thời còn có tuyến cao tốc song song với quốc lộ 22… Vì vậy, nếu có điều kiện thì đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông hiện hữu hoặc theo quy hoạch và khép kín các đường Vành đai 2.
“Không ai đầu tư đại lộ dẫn xe đổ trực tiếp vào trung tâm như đề xuất vì nó sẽ gây ra ách tắc giao thông trầm trọng hơn cho khu vực trung tâm” - TS Phạm Sanh nói.
Một góc sông Sài Gòn, nơi dự kiến siêu đường theo đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu sẽ đi qua. Ảnh: MP
Làm đường để phát triển đô thị vệ tinh
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Lăng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South), cho biết: “Đơn vị từng tư vấn thực hiện quy hoạch phát triển GTVT cho TP.HCM. Khi tư vấn lập quy hoạch trên, do TP.HCM không có đề xuất phát triển dân cư về phía Củ Chi nên chúng tôi không nghiên cứu, đề xuất thực hiện tuyến đường ven sông Sài Gòn nêu trên. Tuy nhiên, do nhu cầu phát sinh, việc đề xuất nghiên cứu bổ sung là phù hợp”.
“Khu vực Tây Bắc được xác định là khu đô thị vệ tinh của TP, trong khi từ hướng này vào trung tâm TP.HCM hiện hữu đang rất thiếu đường nên việc nâng cấp mở rộng đường hiện hữu, làm đường mới… là rất tốt. Việc hình thành các tuyến đường vành đai, tuyến đường trục kết nối giao thông thuận tiện đến trung tâm hiện hữu để thu hút người dân về các khu đô thị vệ tinh là cần thiết” - ông Lăng nói thêm.
Sở GTVT cũng cho biết UBND TP.HCM đã ghi nhận đề xuất của Công ty Âu Lạc và chấp thuận cho công ty này tự cân đối chi phí lập, trình duyệt đề xuất dự án trong thời gian bốn tháng. Cạnh đó, TP.HCM cũng giao Sở GTVT xem xét, tham mưu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông để làm cơ sở triển khai dự án theo đúng quy định.
Siêu đường không có trong quy hoạch Trước đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TP (930 ha) để xây đường ven sông Sài Gòn, đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến đường chui dạ cầu Sài Gòn. Sở GTVT được giao thẩm định để đảm bảo kết nối đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật của tuyến đường này với hạ tầng kỹ thuật chung và không ảnh hưởng đến tuyến metro số 1. Việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường ven sông Sài Gòn được cho là sẽ giảm áp lực giao thông cho tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện hữu. Ngoài ra, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM cũng đang nghiên cứu làm đường nhựa (rộng 9 m, trong đó lòng đường rộng 7 m) trên tuyến đê bao ven sông Sài Gòn khi nâng cấp tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn. “Về cục bộ, ven sông Sài Gòn có quy hoạch làm một số đoạn đường, trong đó có việc kết hợp với các tuyến đê bao. Tuy nhiên, theo quy hoạch phát triển GTVT được Thủ tướng phê duyệt thì không có tuyến đường ven sông Sài Gòn dài đến 63 km nối từ trung tâm TP đến huyện Củ Chi như đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu” - một cán bộ Sở GTVT cho biết. ________________________________ Theo đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu, siêu đường có điểm đầu tại ngã ba Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (quận 1), chạy dọc theo sông Sài Gòn và kết thúc tại cầu Bến Súc (huyện Củ Chi). Đường dài khoảng 63 km sẽ đi qua các huyện Củ Chi, Hóc Môn và các quận 12, Bình Thạnh, 1. |