Lo ngại sốt ảo bất động sản đe dọa nền kinh tế

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA), cho biết hiệp hội vừa có dự thảo văn bản kiến nghị về chính sách đầu tư và xây dựng cơ bản gửi Thủ tướng Chính phủ trong hội nghị trực tuyến toàn quốc sắp diễn ra về vấn đề này.

Người dân đổ xô đi mua đất nền, nhà phố ở nhiều khu vực.

Trong văn bản kiến nghị, ông Châu cảnh báo tình trạng nền nhà, căn hộ trong dự án BĐS nếu bị đầu cơ, bao chiếm, không đưa vào sử dụng hoặc bị làm giá, thổi giá, tạo ra sốt ảo “bong bóng” sẽ gây ra thiệt hại rất lớn cho thị trường BĐS và người tiêu dùng. Thậm chí ảnh hưởng đến các nhà đầu tư, đe dọa sự an toàn tín dụng và sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế.
Ông Châu cũng cho rằng cần có các biện pháp chống đầu cơ, rửa tiền, phòng ngừa “bong bóng” trên thị trường BĐS; tạo cơ hội công bằng cho người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp là bên yếu thế tạo lập nhà ở.
Theo đó, hiệp hội đề xuất chỉ nên ban hành thuế tài sản sau năm 2020 để bổ sung nguồn thu ngân sách, đồng thời với việc sửa đổi Luật Đất đai để giảm nhẹ khoản thu tiền sử dụng đất. Do thuế tài sản là loại thuế trực thu đánh trực tiếp vào người tiêu dùng nên cần được lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân trước khi thực hiện để tạo sự đồng thuận cao.
Về biện pháp chống đầu cơ, rửa tiền, phòng chống “bong bóng” trên thị trường BĐS, hiệp hội đề xuất ban hành quy định đánh thuế người có nhiều nhà có giá trị lớn; quy định đánh thuế đối tượng đầu cơ, bao chiếm, không đưa nhà, đất vào sử dụng hoặc làm giá, thổi giá tạo ra “bong bóng”, sốt ảo.

Cần có biện pháp phòng ngừa "bong bóng" bất động sản.

“Cần có quy định đánh thuế đối tượng đầu tư “lướt sóng”, chuyển nhượng nhà, đất ngay sau khi tạo lập trong trường hợp thị trường BĐS có dấu hiệu “bong bóng” - HoREA nêu. Hiệp hội cũng đề xuất cần quy định các giao dịch BĐS phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng để phòng chống rửa tiền, tham nhũng.
Theo ông Châu, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục sử dụng hiệu quả công cụ tín dụng và kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, tránh trường hợp chuyển tiền vay tiêu dùng sang kinh doanh BĐS. "Các biện pháp này chỉ có thể thực hiện hiệu quả sau khi thực hiện đề án cấp mã số định danh cá nhân, căn cước công dân và quy định các giao dịch BĐS phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng" - lãnh đạo HoREA đề xuất.

HoREA đề xuất cần quy định các giao dịch BĐS phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng.

HoREA cũng cho rằng “đất vàng, đất kim cương” mà không đưa vào xây dựng, khai thác sử dụng thì cũng vô giá trị, vì không tạo được GDP, không tạo được hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ và công ăn việc làm. Điển hình là mặt bằng 127 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM bị quây tôn, bỏ không gần 10 năm nay.
Theo HoREA, đất nông nghiệp sinh lợi thấp nhưng sau khi chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp, nhất là đất ở, đất thương mại, dịch vụ theo quy hoạch của Nhà nước thì sinh lợi cao, thậm chí rất cao.
"Hiệp hội hết sức coi trọng vai trò của cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, bởi vì đây là điều kiện tiên quyết để tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng, lành mạnh thu hút các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn làm ăn” - HoREA cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm