Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 1-2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 1,255 tỷ USD, bằng 75,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 19 ngành thu hút vốn ngoại trong năm 2018, bất động sản tiếp tục nằm trong top 3 ngành đứng đầu. Cụ thể hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ ba trong 19 ngành thu hút vốn ngoại trong tháng 1-2018 với 77,6 triệu USD, chiếm 6,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Giám đốc đầu tư JLL Việt Nam cho rằng vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt kỷ lục trong năm nay bởi thị trường địa ốc sẽ tiếp tục sôi động.
Nhìn lại năm 2017, bà Phương Lê, chuyên gia phân tích Thị trường vốn tại Việt Nam của JLL, cho biết: Trong năm 2017, lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam đã lập kỷ lục mới khi đạt gần 35,9 triệu USD, tăng 44,4% so với năm trước đó. Hiện Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Thị trường bất động sản Việt Nam thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu thông qua hoạt động M&A. Hình thức liên doanh đang trở nên phổ biến giữa các nhà đầu tư nước ngoài - với khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm sẽ hợp tác cùng với các tập đoàn tại địa phương - những nhà đầu tư đang nắm giữ đất đai trên thị trường cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại.
Qua quan sát của JLL, hiện có hàng trăm triệu đô la đang chờ đợi để đổ vào thị trường trong nước ở hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp. Các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và sự tăng trưởng của các nhóm nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản Việt Nam đang có xu hướng ngày càng tăng
"Khẩu vị" của các nhà đầu tư tại Việt Nam
Thông thường, phân khúc nhà ở vẫn là thị trường hấp dẫn nhất. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư hiện nay đang có xu hướng chuyển sang thị trường bất động sản thương mại, đặc biệt tập trung vào các dự án văn phòng hạng A có vị trí đắc địa, tiềm năng tăng trưởng về giá trị vốn và lợi suất đầu tư (7%-8%). Chúng tôi nhận thấy mức giá thuê văn phòng tại Việt Nam đang cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, phản ánh sự thiếu hụt nguồn cung. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với những dự án khách sạn.
Thách thức của đầu tư bất động sản ở Việt Nam
Theo JLL Việt Nam, đối với các dự án nhà ở và thương mại, các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm kiếm những khu đất "sạch" (ví dụ: hoàn thành thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn tất thanh toán chi phí sử dụng đất, có quyền sử dụng đất, và kế hoạch phát triển tốt). Tuy nhiên, những dự án như trên rất hiếm, bởi lẽ thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn non trẻ.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn bị kiểm soát chặt chẽ, các dự án có tiềm năng phát triển tốt khá khan hiếm. Khả năng tiếp cận đến các dự án tốt tương đối hạn chế. Do đó, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm đến sự hỗ trợ của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để có thể gia nhập vào thị trường.