Trong những ngày đầu năm 2018, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục. Chỉ số VN-Index đạt mốc trên 1.000 điểm, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Thanh khoản có sự cải thiện mạnh khi đạt bình quân 5.000 tỉ đồng/phiên, đặc biệt có ngày giao dịch đạt trên 10.000 tỉ đồng. Đây được xem là mức giao dịch kỷ lục trong một phiên. Mức vốn hóa toàn thị trường đạt gần 75% GDP. Trước đó, trong năm 2017, thị trường này cũng chứng kiến một năm tràn ngập kỷ lục với nhiều thương vụ thoái vốn tỉ đô.
Nhìn nhận về câu chuyện bùng nổ của chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Duy Linh (ảnh nhỏ), Phó Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), đánh giá thị trường hiện đang tăng trưởng bền vững và kỳ vọng tiếp tục thăng hoa trong năm 2018.
Sẽ có thêm nhiều thương vụ tỉ đô
. Phóng viên: Vào những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự trỗi dậy ngoạn mục. Vậy “bệ đỡ” cho điều này đến từ đâu, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Duy Linh: Đó chính là việc đẩy nhanh quá trình thoái vốn của các doanh nghiệp (DN) nhà nước, trong đó thành công nhất là thương vụ thoái vốn của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán VNM) và Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (mã chứng khoán SAB).
Điều đó cho thấy nhà đầu tư nước ngoài luôn quan tâm đến các DN niêm yết tốt trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đó, giá dầu Brent tiếp tục xu hướng tăng, kết quả kinh doanh của các DN trong ngành cải thiện làm động lực cho sự tăng trưởng của nhóm dầu khí. Các cổ phiếu nhóm ngành khác cũng tăng trưởng mạnh như ngân hàng, chứng khoán… góp phần cho sự tăng trưởng ngoạn mục chung của thị trường.
. Mặc dù chỉ số VN-Index tăng mạnh nhưng dường như đang bị chi phối bởi các mã cổ phiếu có vốn hóa lớn (bluechip) chẳng hạn như mã VRE, VNM, SAB. Ông đánh giá về điều này như thế nào? Liệu thị trường chứng khoán đang tăng trưởng bền vững hay bong bóng?
+ Để xem thị trường tăng trưởng có bền vững hay không thì cần nhìn vào yếu tố nền tảng của thị trường, đó là sự tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng lợi nhuận của DN có diễn ra hay không.
Những gương mặt mới trong tốp doanh nhân ngàn tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt. Ảnh: TL
Ví dụ tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 đạt 6,81%, mức cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, dẫn đầu trong các nước ASEAN, lạm phát thấp, lãi suất tiếp tục giảm và duy trì mặt bằng thấp, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 28 tỉ USD, tăng 53% so với cùng kỳ của năm.
Đồng thời sự dịch chuyển của dòng vốn toàn cầu hướng tới những thị trường mới nổi, trong bối cảnh đó Fitch nâng hạng tín nhiệm Việt Nam lên mức tích cực đã đưa Việt Nam trở thành một thị trường sáng giá. Khối ngoại mua ròng kỷ lục từ đầu năm 2017 đến nay hơn 24.000 tỉ đồng, lợi nhuận các DN tăng trưởng.
Bên cạnh đó, sự hoàn thiện khung pháp lý, sự ra đời của các sản phẩm phái sinh... tạo nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng của thị trường.
Không phải cứ mua là thắng
. Thực tế cho thấy những thông tin về thoái vốn khỏi các DN nhà nước đã có lộ trình và minh bạch từ trước nhưng dường như sự kỳ vọng của các nhà đầu tư đang khá cao?
+ Năm 2018 và 2019 tiếp tục là năm trọng điểm trong kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa hàng loạt ông lớn như PV Oil, PV Power, Hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Công nghiệp và cao su Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Nam, MobiFone…
Số người “siêu giàu” tiếp tục tăng Thị trường chứng khoán đã trở thành một trong những kênh có thể huy động được vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước đạt hơn 224.000 tỉ đồng. Cùng với sự thăng hoa của thị trường chứng khoán, số lượng và giá trị tài sản những người “siêu giàu” trên sàn cũng tăng phi mã. Đáng chú ý bên cạnh những gương mặt vốn đã quen thuộc, tốp 100 năm qua đón nhận thêm rất nhiều người nắm giữ khối tài sản ngàn tỉ đồng như Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng, Tổng Giám đốc VCSC Tô Hải, Tổng Giám đốc Bắc Á Bank Thái Hương, Chủ tịch VIBank Đặng Khắc Vỹ... |
Như vậy, trong thời gian tới, hàng trăm DN nhà nước sẽ được thực hiện cổ phần hóa và tham gia niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Thị trường chắc chắn sẽ tăng trưởng về quy mô và tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
. Kỳ vọng của ông về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2018 ra sao?
+ Tôi nghĩ câu chuyện của năm 2018 đối với thị trường chứng khoán là tốt và lạc quan. Bởi các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng kinh tế lạc quan, nhiều thương vụ thoái vốn lớn sẽ giúp thị trường thêm hưng phấn, nhiều hàng tốt tiếp tục lên sàn. Dòng tiền trong nước và nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vào thị trường Việt Nam.
Điều tích cực của thị trường năm nay là dòng tiền không chỉ tập trung vào một số nhóm ngành nhất định mà còn có sự lan tỏa và luân chuyển giữa các nhóm ngành.
Xin nhấn mạnh rằng thị trường tăng nhưng đồng thời tính phân hóa thị trường cũng tăng theo. Do đó đòi hỏi nhà đầu tư cần chắt lọc cơ hội kỹ lưỡng hơn chứ không phải “cứ mua là thắng”.
. Xin cám ơn ông.
Đừng để lệ thuộc vốn ngoại Báo cáo chiến lược 2018 của Công ty Chứng khoán Maybank-KimEng Việt Nam công bố mới đây nhận định xu hướng tăng trung hạn sẽ vẫn tiếp tục trong 12 tháng tới. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cũng nhận định những phiên đầu năm 2018 thị trường chứng khoán tràn đầy hưng phấn khi liên tục tăng điểm, vượt xa mức 1.000 điểm. Chính tâm lý hứng khởi đầu năm mới của nhà đầu tư đã hỗ trợ tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, TS Hiếu cho rằng chứng khoán Việt Nam không nên lệ thuộc vào dòng vốn ngoại vì điều này sẽ dẫn đến nhiều rủi ro. Sự tăng trưởng của chỉ số VN-Index thời gian qua chủ yếu trên thị trường thứ cấp chứ không phải sơ cấp. Đó là tiền của các đại gia trao đổi với nhau chứ ít đi vào sản xuất. Tán đồng với quan điểm này, một số chuyên gia khác cũng cho rằng thời gian qua một lượng vốn lớn của dân cư trú ẩn trong vàng, ngoại tệ đã chuyển đổi sang VND để đi vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt thị trường chứng khoán bùng nổ đang góp phần kích thích thêm xu hướng chuyển hóa trên, lôi nguồn lực vàng, ngoại tệ ra khỏi két sắt. Tuy vậy rủi ro có thể xảy ra các phiên điều chỉnh mạnh với tần suất nhiều hơn. Bên cạnh đó, năm 2018 kinh tế thế giới có thể tiềm ẩn nhiều biến động. |