Lỡ rút yêu cầu thi hành án, giờ chịu thua?

Theo quyết định công nhận thỏa thuận thành của TAND quận Gò Vấp (TP.HCM) cuối năm 2013 thì Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Việt Khôi phải trả cho Công ty TNHH MTV Xây dựng An toàn Lao động Đại Nam gần 70 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Sau khi Công ty Đại Nam có đơn yêu cầu thi hành án (THA), tháng 2-2014, Chi cục THA dân sự quận Gò Vấp đã vào cuộc, ra quyết định phong tỏa tài khoản của Công ty Việt Khôi tại ngân hàng để bảo đảm cho việc THA.

Bị bội ước

Ngày 24-3-2014, Công ty Việt Khôi đã chủ động gửi cho Công ty Đại Nam một giấy cam kết thanh toán công nợ với nội dung là hứa sẽ trả toàn bộ số nợ vào ngày 28-4, nếu không Công ty Việt Khôi sẽ chịu phạt bằng cách trả gấp đôi số tiền trên. Đổi lại, Công ty Đại Nam phải hoàn thành thủ tục để Chi cục THA giải tỏa lệnh phong tỏa tài khoản của Công ty Việt Khôi.

Hai ngày sau, Công ty Đại Nam đã làm đơn xin rút đơn yêu cầu THA với lý do hai bên đã thỏa thuận được thời hạn thanh toán nợ, yêu cầu Chi cục THA không tiếp tục thụ lý, giải quyết nữa. Từ đề nghị này, Chi cục THA quận Gò Vấp đã ra quyết định đình chỉ THA theo Điều 23 và Điều 50 Luật THA dân sự.

Đại diện Công ty Đại Nam lo lắng vì mình bị bội ước nhưng không được cơ quan nào giải quyết. Ảnh: S.NGUYỄN

Đến hạn (ngày 28-4), Công ty Việt Khôi đã không thanh toán cho Công ty Đại Nam, cũng không bồi thường gấp đôi số tiền như đã cam kết. Bị bội ước, Công ty Đại Nam đã dựa vào nội dung của giấy cam kết để làm đơn khởi kiện vụ án mới ra TAND quận Gò Vấp để đòi Công ty Việt Khôi phải trả cho mình gần 130 triệu đồng.

Không cơ quan nào giải quyết

Tuy nhiên, TAND quận Gò Vấp đã trả đơn kiện cho Công ty Đại Nam, cho rằng công ty này không thể kiện lại được vì một tranh chấp không thể giải quyết hai lần.

Theo hướng dẫn của tòa, Công ty Đại Nam sang Chi cục THA quận yêu cầu được trả số tiền theo bản án ban đầu của tòa. Cơ quan này cũng từ chối thụ lý giải quyết vì đã ra quyết định đình chỉ THA.

“Hiện nay chúng tôi không biết phải làm sao để đòi lại tiền của mình khi các cơ quan có thẩm quyền đều từ chối thụ lý giải quyết. Chúng tôi thỏa thuận trong giai đoạn THA là hợp pháp, ngay tình và thể hiện thiện chí nhưng khi bị bội ước thì không được ai bảo vệ chúng tôi nữa” - ông Vũ Xuân Dưỡng, đại diện Công ty Đại Nam, than thở.

Tòa vẫn có thể thụ lý vụ kiện mới?

Vụ việc trên đặt ra một vấn đề pháp lý: Trong trường hợp bị bội ước như thế này thì tòa hay cơ quan THA sẽ phải đứng ra giải quyết yêu cầu để bảo vệ quyền lợi của đương sự?

Theo ông Võ Thành Danh (Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 8, TP.HCM), ở đây cơ quan THA không thể thụ lý, giải quyết lại vụ việc. Bởi lẽ theo điểm c khoản 1 Điều 58 Luật THA dân sự, khi người được THA có văn bản yêu cầu không tiếp tục việc THA thì thủ trưởng cơ quan THA ra quyết định đình chỉ. Đặc điểm của việc đình chỉ là chấm dứt thi hành đối với các bản án, quyết định dân sự; các bên đương sự cũng chấm dứt mọi quyền và nghĩa vụ của họ đã tuyên trong bản án. Như vậy khi đã đình chỉ THA thì cơ quan THA không có cơ sở nào để thụ lý, giải quyết lại, kể cả trong trường hợp còn thời hiệu yêu cầu THA. Đương sự chỉ có quyền yêu cầu THA lại khi có căn cứ cho rằng việc đình chỉ THA trước đó là không đúng pháp luật.

Đồng tình, TS Lê Minh Hùng (giảng viên khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích: Luật THA dân sự không nói rõ về trường hợp đã yêu cầu đình chỉ nhưng sau đó yêu cầu THA lại. Nhưng theo quan điểm của ông thì phía Công ty Đại Nam không thể yêu cầu THA lại vì hoạt động này đã chấm dứt, mọi vấn đề liên quan coi như đã kết thúc.

Vậy cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết tranh chấp? Theo TS Hùng, TAND quận Gò Vấp phải thụ lý, giải quyết vụ án mới với nội dung kiện đòi gần 130 triệu đồng do Công ty Việt Khôi vi phạm cam kết ở giai đoạn THA. Đúng là nguồn gốc số tiền tranh chấp xuất phát từ quyết định của tòa nhưng đó là chuyện cũ, không liên quan đến thỏa thuận mới. Thực tế thì hai bên đã thực hiện một giao dịch mới có điều kiện khác (thỏa thuận trả gấp đôi số nợ nếu vi phạm cam kết). Giao dịch mới này không trái pháp luật, đạo đức và đã phát sinh tranh chấp. Lúc này, quyền đòi nợ mới của Công ty Đại Nam đã phát sinh và tranh chấp mới này thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND quận.

SONG NGUYỄN

Thỏa thuận mới, tranh chấp mới

Thứ nhất, phải khẳng định thỏa thuận mới giữa hai bên không trái pháp luật vì Luật THA dân sự cho phép các đương sự thỏa thuận đến tận lúc THA. Thứ hai, thỏa thuận mới này đã làm phát sinh một giao dịch dân sự mới, trong khi việc THA thỏa thuận cũ theo quyết định của tòa đã khép lại.

Như vậy, TAND quận Gò Vấp hoàn toàn có cơ sở thụ lý giải quyết bằng một vụ án mới bởi yêu cầu khởi kiện mới dựa trên thỏa thuận mới, khác hẳn yêu cầu ban đầu trong vụ kiện cũ. Thỏa thuận mới làm phát sinh quyền và nghĩa vụ mới, nếu một trong các bên vi phạm thì bên kia có quyền khởi kiện để yêu cầu giải quyết tranh chấp. Còn thỏa thuận cũ theo quyết định của tòa chỉ để tòa tham khảo, không nên cứng nhắc cho rằng nó thuộc trường hợp một tranh chấp không thể giải quyết hai lần.

Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm