Thời gian gần đây, tại các trung tâm đào tạo lái xe ở TP.HCM, số lượng học viên đăng ký học để lấy xe bằng lái xe hạng B1 bất ngờ tăng cao. Theo những học viên này, lý do họ tranh thủ học, thi lấy bằng lái xe hạng B1 vì lo ngại khi Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 thì thời hạn của loại bằng lái xe hạng này không kéo dài như hiện nay.
Tranh thủ học để lấy bằng lái xe hạng B1
Chị Huỳnh Thị Minh (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết chị nắm được thông tin sẽ thay đổi các loại bằng lái xe từ năm 2025. Lo ngại khi thay đổi các hạng bằng lái xe nhất là đối với hạng B1 thì việc học và thi cũng như thời hạn của bằng sẽ có nhiều thay đổi, vì vậy chị đã tranh thủ đăng ký học và đã thi đậu bằng lái xe hạng B1.
"Tôi học, thi lấy bằng lái xe để đưa đón con đi học và đi chợ, không nhằm mục đích kinh doanh nên chọn hạng B1 là phù hợp. Hơn nữa, hạng bằng lái học B1 có thời hạn rất lâu nên không lo 10 năm sau phải đi đổi bằng lái như hạng B2. Theo quy định hiện nay bằng B2 có thời hạn 10 năm, nếu quá thời hạn mà quên sẽ phải thi lại. Tôi cũng lo khi đó phải đi thi lại theo luật mới sẽ vất vả cho người dùng hơn”- chị Minh nói.
Tương tự, anh Lê Hoàng Anh (ngụ Bình Chánh, TP.HCM) cho rằng việc học và thi bằng lái xe mỗi năm mỗi khó hơn. Nhất là khi Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới được Quốc hội thông qua đã phân loại lại nhiều hạng bằng lái.
Theo anh Minh, bằng lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam. Trường hợp người lái xe lấy bằng khi trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì bằng lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. Vì vậy anh quyết định học và thi để lấy bằng B1.
"Tôi nghĩ năm 2025 việc học và thi lấy bằng lái các hạng xe ô tô sẽ siết hơn, nên đã vội vàng đăng ký học lái xe hạng B1, bởi thời hạn của bằng B1 dài hơn các hạng khác”- anh Hoàng Anh nói.
Từ năm 2025 sẽ có điều kiện hạn chế với bằng lái xe hạng B
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Huỳnh Thị Thu Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Hoàng Gia, cho biết thời gian gần đây lượng học viên đăng ký học bằng lái xe hạng B1 tăng hơn so với trước.
Theo bà Hồng, thời điểm trước đây chủ yếu các học viên đăng ký học lấy bằng hạng B2, nhưng khoảng một tuần nay, lượng học viên đăng ký học lái xe hạng B1 lại trội hơn.
“Nhiều học viên nghe thông tin về việc thay đổi bằng lái xe từ năm 2025 nên tranh thủ đăng ký học. Trong đó, một số học viên nhầm tưởng sắp tới bằng lái xe hạng B1 sẽ không còn được lái xe ô tô nên đã vội học để thi lấy bằng B1 trước khi luật mới có hiệu lực”- bà Hồng cho hay.
Bà Hồng chia sẻ, theo Thông tư 05/2024 nếu đơn vị đào tạo xây dựng chương trình đào tạo đủ điều kiện thì người học B1 và B2 chỉ cần học khoảng hơn 2 đến 3 tháng sẽ được thi sát hạch.
"Nếu đợi đến khi luật mới có hiệu lực từ 1-1-2025, người học sẽ được cấp bằng lái xe là hạng B. Điều kiện hạn chế là hạng B chỉ lái loại xe tự động hoặc số sàn và thời hạn của bằng lái xe hạng B chỉ có 10 năm.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp lái xe Tiến Bộ cũng cho biết lượng người đăng ký học lái xe hạng B1 tại đơn vị có tăng nhưng không đáng kể.
“Hiện mức học phí của các đơn vị đều tăng cao so với trước đây, do đó chỉ có người thực sự có nhu cầu học lái xe thì mới bỏ tiền ra để học”- ông Dũng cho hay.
Ông Dũng đưa ra ví dụ, trước đây một gia đình có một chiếc ô tô thì có thể 3-4 người trong gia đình cùng học để lấy bằng lái xe. Tuy nhiên, hiện nay việc học được siết về cả thời gian và kỹ năng nhiều hơn, học phí cũng tăng nên mỗi gia đình chỉ học một người.
“Tính ra tổng lượng học viên giảm hơn nhiều so với trước đây. Người học đã bão hòa do kinh tế đi xuống và học phí cao”- ông Dũng nói thêm.
Từ 1-1-2025, thay đổi các hạng giấy phép lái xe và thời hạn
Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định giấy phép lái xe được cấp theo 13 hạng như sau: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE. Trong đó, hạng A4 cấp cho người lái máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg. Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển ô tô chở người đến chín chỗ; ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg.
Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển ô tô chở người đến chín chỗ; ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg. Trong đó, hạng A1, A2 và A3 là không thời hạn, A4, B2 có thời hạn 10 năm còn các hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn chỉ 5 năm. Riêng hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
Tuy nhiên, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ 1-1-2025) quy định giấy phép lái xe được phân thành 15 hạng gồm: A1, A, B1 (được cấp cho xe máy); B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE (cấp cho ô tô).
Theo đó, thời hạn của giấy phép lái xe được quy định như sau: Giấy phép lái xe các hạng A1, A, B1 không thời hạn; Giấy phép lái xe hạng B và hạng C1 có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp; Giấy phép lái xe các hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.